Ứng viên đại biểu Quốc hội cam kết thúc đẩy phát triển doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV cam kết tiếp tục tham mưu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân, hộ gia đình.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp xúc cử tri tại tỉnh Quảng Trị

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp xúc cử tri tại tỉnh Quảng Trị

Xây dựng chương trình hành động nếu trúng cử, nhiều ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cam kết tiếp tục tham mưu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân, hộ gia đình.

Cải thiện môi trường kinh doanh quyết liệt, hiệu quả

Tiếp tục ứng cử tại Quảng Trị, những ngày qua, ứng viên Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tại Đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh này.

Chương trình hành động của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng tất cả các ứng viên khác cũng được công khai trên Báo Quảng Trị điện tử để cử tri tiện theo dõi, giám sát.

Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cam kết, nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ chủ động, tích cực, thường xuyên nắm bắt, cập nhật tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước, của tỉnh Quảng Trị, qua đó thảo luận, tham gia ý kiến trong việc quyết định các vấn đề tại kỳ họp của Quốc hội.

Bộ trưởng cũng cam kết thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị phản ánh đến Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết cũng như ban hành chủ trương, quyết sách sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương; chấp hành sự giám sát của cử tri và kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp của Quốc hội với cử tri. Thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân (nếu có) đến cơ quan, tổ chức có liên quan và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết; tham gia các hoạt động khảo sát, kiểm tra việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội, tham gia đầy đủ các kỳ họp của Quốc hội.

Là người đứng đầu cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, ứng cử viên Nguyễn Chí Dũng dự kiến, nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, ông sẽ lãnh đạo, chỉ đạo tập thể cơ quan tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Trong chương trình hành động, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn đề cập nhiều nội dung mà ông sẽ thực hiện, như tiếp tục thực hiện công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quyết liệt, hiệu quả, chủ trì xây dựng và phối hợp triển khai ngày càng thực chất, hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, các cân đối lớn và điều hành kinh tế vĩ mô, tham mưu huy động và quản lý hiệu quả nguồn lực đầu tư toàn xã hội.

Bộ trưởng cũng cam kết "tiếp tục tham mưu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân, hộ gia đình. Xác định khu vực tư nhân và doanh nghiệp có ý nghĩa then chốt đối với nền kinh tế. Tạo điều kiện để ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam được hình thành và dẫn đầu trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn. Chủ động, nhanh nhạy trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tiếp tục tham mưu thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trọng tâm là xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Thực hiện tốt công tác thống kê, phân tích thông tin, dự báo phục vụ tốt cho điều hành kinh tế - xã hội".

Ứng viên - doanh nhân nói gì?

"Được ứng cử đại biểu Quốc hội đồng nghĩa với việc tham gia diễn đàn lập pháp của đất nước trong nhiệm kỳ tới, tôi phải có những đóng góp với tư duy vì lợi ích quốc gia, chứ không gói gọn vào chuyện của doanh nhân, doanh nghiệp hoặc một nhóm ngành nào", ứng viên Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Đồng Tiến (TP.HCM) viết trong chương trình hành động.

Nhiều ứng viên - doanh nhân khác, dù mới lần đầu ứng cử cũng đều xác định rất rõ ràng trách nhiệm của mình trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.

Ứng viên Trần Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre nhận định, đất nước mặc dù đã đạt những thành quả trong phát triển kinh tế, đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và phát triển, nhưng vẫn chưa phát huy hết sức mạnh các nguồn lực để phát triển.

"Là doanh nhân, tôi thấu hiểu các rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển. Một trong các mục tiêu tôi quan tâm nếu được trúng cử là sẽ tham gia xây dựng các chính sách kinh tế thông thoáng để đẩy nhanh phát triển đất nước. Quan tâm xúc tiến cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Kiến nghị chế tài xử lý cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp", ông Đức cam kết.

Doanh nhân Khương Thị Mai, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam, ứng cử tại Nam Định xác định, một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội là lập pháp. Để đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, các luật cần nhanh chóng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp và người dân. "Trở thành đại biểu Quốc hội, tôi sẽ tích cực tham gia ý kiến với Quốc hội trong xây dựng, sửa đổi các luật, góp phần xây dựng pháp luật Việt Nam phù hợp với thực tiễn hơn", bà Mai cam kết.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công trình đô thị Vạn Ninh (Khánh Hòa), ông Hà Ngọc Phi - một trong số các doanh nhân thế hệ 8X lần đầu ứng cử, cũng cam kết sẽ tích cực góp tiếng nói để tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển doanh nghiệp. Đó là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương; có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp ngành nước tiếp cận nguồn vốn vay để triển khai các dự án cấp nước sạch nông thôn, khu vực miền núi, hải đảo.

Phát triển kinh tế không chỉ là các con số

Là một ứng viên trong ngành kế hoạch và đầu tư, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu đã nêu rõ nguyên tắc khi đóng góp xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nếu trúng cử.

Một trong các nguyên tắc đó là, phát triển kinh tế không chỉ là các con số, mà là ở chất lượng tăng trưởng và lợi ích của sự tăng trưởng cho người dân và xã hội. Do đó, cần cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển bền vững, chống ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế phải đảm bảo mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống người dân, xóa đói, giảm nghèo theo nguyên tắc: không người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Nghiên cứu chính sách đột phá phát triển kinh tế

Ứng viên Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM xác định trong chương trình hành động: nếu trúng cử, sẽ nghiên cứu những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, những dự án đầu tư trọng điểm về kết cấu hạ tầng, y tế, giáo dục, môi trường…

Những vấn đề chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập; chính sách hỗ trợ đầu tư gắn với phát triển chuỗi/cụm liên kết sản xuất; giải quyết bài toán sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ổn định sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân… cũng nằm trong chương trình hành động của ứng viên Trần Anh Tuấn.

Tin bài liên quan