Ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
Theo dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có 6 ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm gồm: Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Quảng cáo, Thủ công mỹ nghệ, Du lịch văn hóa.
Ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 109/2023/QH15 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện tại, Bộ đang tập trung phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành,.

Theo đó, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ phát triển theo hướng trọng tâm, trọng điểm, chuyên nghiệp, hiện đại, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ưu tiên phát triển trọng tâm, trọng điểm 6 ngành công nghiệp văn hóa: Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Quảng cáo, Thủ công mỹ nghệ, Du lịch văn hóa.

Trong giai đoạn đến năm 2030, tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí của Việt Nam đáp ứng thị trường tiêu dùng trong nước, tăng trải nghiệm, tiêu dùng của người dân.

Đến năm 2045, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí của Việt Nam ra thế giới, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí tạo hệ sinh thái liên kết mang tính chuyên nghiệp, đồng bộ giữa sáng tạo, sản xuất, kinh doanh, quảng bá, tiêu dùng kết hợp với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tạo nền tảng để các tổ chức, doanh nghiệp, nhà sáng tạo cung cấp các sản phẩm, dịch vụ giải trí cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân; đưa giải trí thành một ngành công nghiệp phát triển bền vững, mang lại giá trị gia tăng kinh tế lớn trong bối cảnh của cuộc cách mạng chuyển đổi số, khoa học, công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo. Chú trọng khai thác và đẩy mạnh phát triển một số sản phẩm công nghiệp giải trí là thế mạnh của Việt Nam.

Đồng thời, sẽ đầu tư và phát triển các khu, tổ hợp phục vụ cho hoạt động thể thao giải trí, sự kiện âm nhạc, nghệ thuật, điện ảnh quy mô lớn, đồng thời phát triển tạo ra các sản phẩm gắn kèm từ hoạt động giải trí nhằm mang lại giá trị gia tăng góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp văn hóa đang được nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện; Cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn; quá trình tổ chức thực hiện ở một số ngành, lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả; việc huy động nguồn lực xã hội chưa đạt yêu cầu; Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa còn dàn trải, chưa đi theo hướng trọng tâm, trọng điểm; Hệ thống theo dõi, thống kê chưa chuẩn hóa, khó đánh giá. Cuối cùng, hành vi sao chép bất hợp pháp sản phẩm sáng tạo, vi phạm pháp luật về bản quyền chưa được ngăn chặn kịp thời, triệt để.

Tin bài liên quan