Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 15: Trọng tâm là công tác giám sát

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thường kỳ tháng 9, diễn ra từ 12 - 15/9.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc.

Sáng 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 15.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết phiên họp sẽ diễn ra trong 4 ngày, tập trung vào hai nhóm vấn đề chính.

Thứ nhất là các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư. Gồm, nội dung thứ nhất là kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Nêu rõ, đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm nay, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bên cạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn hiện nay liên quan đến trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Ông Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến vào những vấn đề lớn sau giám sát để sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết sẽ tạo ra chuyển biến cơ bản trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nội dung thứ hai của nhóm vấn đề thứ nhất là Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2022 và kế hoạch kiểm toán năm 2023, các báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022.

Đây là các báo cáo hàng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến, chuẩn bị 1 bước trình ra Quốc hội cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội nói.

Nội dung tiếp theo được Chủ tịch Quốc hội nêu là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghe và cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2022.

Ông Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá công tác tiếp công dân có so sánh, đối chiếu năm trước và 5 năm vừa qua, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là những vụ khiếu kiện kéo dài.

Nội dung thứ tư, theo Chủ tịch Quốc hội là rất quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Với kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Tổng Kiểm toán sẽ quyết định, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho ý kiến, theo hướng làm sao để kế hoạch kiểm toán hàng năm tập trung vào những vấn đề trọng điểm, đúng chức năng nhiệm vụ.

Về nhóm vấn đề thứ hai tại phiên họp thường kỳ tháng 9 này, Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát, ban hành nghị quyết với hai chuyên đề.

Một là, chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021".

Hai là, chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021".

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2022.

Phiên họp thường kỳ này, trọng tâm chủ yếu là giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị kỳ họp thứ tư của Quốc hội, toàn bộ nội dung về lập pháp dự kiến sẽ được xem xét ở phiên họp chuyên đề pháp luật cuối tháng này, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021".

Tin bài liên quan