Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN TP. HCM

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN TP. HCM

Vai trò của hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP. HCM

(ĐTCK) Để đạt được mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, hiệu quả và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội Thành phố giai đoạn đến 2015 và giai đoạn tiếp theo đến 2020, UBND TP. HCM đã triển khai 6 chương trình đột phá.
Đó là các chương trình gắn với chiến lược phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn liền với đảm bảo môi trường và chống ô nhiễm; với an sinh xã hội và an toàn xã hội thông qua chống ngập nước và chống ùn tắc giao thông; phát triển kinh tế xã hội bền vững gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, với phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực thông qua chương trình phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính.

Đây là các chương trình gắn liền với các giải pháp hữu hiệu, thiết thực, nếu thực hiện hiệu quả sẽ thúc đẩy kinh tế Thành phố tăng trưởng và phát triển bền vững, với mức độ và giai đoạn phát triển cao hơn, phát triển và tăng trưởng cả về chất lượng và số lượng.

Tham gia vào quá trình này, dưới góc độ là ngành dịch vụ, hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hệ thống ngân hàng trên địa bàn vừa thể hiện vai trò là đối tượng của chương trình này, vừa thực hiện tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời cũng là vai trò của định chế tài chính trung gian, đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho quá trình thực hiện các chương trình đột phá của UBND Thành phố.

Nỗ lực dẫn vốn vào nền kinh tế

Hoạt động của hệ thống ngân hàng trong quá trình thực hiện 6 chương trình đột phá phản ánh và thể hiện trên 03 nhiệm vụ cụ thể sau: Tạo điều kiện vốn cho kinh tế Thành phố phát triển nói chung và cho việc thực hiện các chương trình đột phá của thành phố nói riêng; Trực tiếp tham gia và tác động vào chương trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng với tư cách là ngành dịch vụ tài chính ngân hàng và là một trong 03 lĩnh vực tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay; phát triển thị trường tài chính tiền tệ trên địa bàn ngày càng mở rộng và tăng trưởng, hướng đến trở thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực.

Trong quá trình này, thời gian qua, đánh giá tổng quan, hệ thống ngân hàng trên đia bàn đã đạt được những kết quả sau:

Đáp ứng vốn cho kinh tế thành phố tăng trưởng và phát triển. Trong giai đoạn 2008 - 2013, nền kinh tế đất nước nói chung và kinh tế Thành phố nói riêng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tăng trưởng và phát triển do khó khăn từ kinh tế vĩ mô và chịu tác động ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu và hoạt động ngân hàng trên địa bàn cũng không nằm ngoài quá trình đó. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng vẫn đáp ứng vốn và dịch vụ ngân hàng cho quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế thành phố trong giai đoạn này, đảm bảo ổn định kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất - kinh doanh, góp phần duy trì và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong giai đoạn này.

Cụ thể, nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng liên tục tăng trưởng trong suốt giai đoạn qua. Ước tính trong 4 tháng đầu năm nay, vốn huy động đạt 1.118 nghìn tỷ đồng, tăng 1,47% so với cuối năm 2013. Dư nợ cho vay đạt 965 nghìn tỷ đồng, tăng 1,27% so với cuối năm 2013. Tín dụng đã và đang có chuyển biến tích cực so với 2 tháng đầu năm… sẽ đáp ứng tốt nhất các nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế Thành phố.

Đồng thời, các NHTM trên địa bàn TP.HCM cũng thực hiện các chương trình tín dụng của UBND TP. HCM. Trong đó, trực tiếp cho vay chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp (theo quyết định 13/QĐ-UBND); cho vay cho vay chương trình kích cầu đầu tư; cho vay KCN-KCX; chương trình cho vay bình ổn giá với lãi suất chỉ có 6 - 7%/năm. Các chương trình này đã và đang mang lại hiệu quả rất tích cực. Đặc biệt, trong điều kiện giai đoạn nền kinh tế và doanh nghiệp gặp khó khăn, riêng chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp đã trực tiếp tháo gỡ và hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Kết thúc năm 2013, tổng dư nợ cho vay khách hàng là các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân và hợp tác xã trên địa bàn quận huyện thông qua chương trình đạt trên 13.000 tỷ đồng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp rất lớn…

Đẩy mạnh xử lý nợ xấu để khơi thông vốn

Các ngân hàng cũng tích cực thực hiện tái cơ cấu, góp phần thực hiện quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn và chuyển đổi mô hình tăng trưởng có hiệu quả. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung trên 3 lĩnh vực chính của nền kinh tế: DNNN, ngân hàng và đầu tư công.

Theo đó, hệ thống ngân hàng nói chung và trên địa bàn TP. HCM nói riêng đã và đang thực hiện hoạt động này theo đề án, mục tiêu và định hướng đề ra. Sau 2 năm thực hiện, việc tái cơ cấu trên địa bàn đã đạt được những kết quả quan trọng sau:

Giữ vững sự ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Đây là kết quả quan trọng nếu đặt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và những khó khăn rất lớn của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn vừa qua: nợ xấu; thanh khoản khó khăn; lạm phát và lãi suất tăng cao, tăng mạnh; tỷ giá và thị trường vàng biến động và khủng hoảng; (năm 2008, có thời điểm lãi suất huy động lên đến 23%; lãi suất cho vay trên 20%, nhưng hiện nay tỷ giá liên tục ổn định, chỉ ở mức 21.075 VND/USD. Các ngân hàng yếu kém, thuộc diện tái cơ cấu (sáp nhập, hợp nhất) đã và đang hoạt động ổn định trở lại. Những khó khăn trước mắt như thanh khoản; tín dụng; cơ cấu tổ chức bộ máy… đã được khắc phục. Đây được xem là kết quả quan trọng.

TP. HCM đang quyết liệt triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

Hoạt động ngân hàng đã và đang tăng trưởng và phát triển theo xu hướng tích cực, các chỉ tiêu tài chính, quy mô vốn và chất lượng vốn tự có cải thiện và tăng trưởng.

Mặt khác, khả năng quản trị điều hành, ý thức chấp hành pháp luật của các TCTD được nâng cao, tính minh bạch được cải thiện; Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Chính phủ, của Ngân hàng Trung ương đã và đang được triển khai và thực hiện đúng mục tiêu, định hướng.

Thị trường tiền tệ tiếp tục phát triển. Mặc dù đây là giai đoạn khó khăn (2008-2013). Song về tổng quan chung, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn vẫn tiếp tục phát triển. Các hoạt động dịch vụ ngân hàng vẫn được các TCTD trên địa bàn quan tâm phát triển. Mức độ ứng dụng công nghệ ngày càng cao. Hầu hết NHTM trên địa bàn đều phát triển và ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, tham gia vào hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; đảm bảo thanh toán chuyển tiền nhanh, kịp thời, an toàn và bảo mật. Dịch vụ ngân hàng, đặc biệt dịch vụ 
Tài khoản cá nhân; dịch vụ thẻ phát triển nhanh. Hiện nay, thẻ ATM với nhiều chức năng, và tiện ích: từ rút tiền, gửi tiền; thanh toán, chuyển tiền… rất tiện lợi cho người sử dụng, tất cả các đơn vị hành chính sự nghiệp đã chi trả lương qua tài khoản…Hoạt động của các định chế tài chính trung gian, các NHTM ngày càng chuyên nghiệp hơn, cạnh tranh và phát triển.

Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng trên địa bàn vẫn còn tồn tại những hạn chế và khó khăn nhất định: chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững. Hoạt động còn tiềm ẩn rủi ro cao. Trong đó, nợ xấu và hiệu quả hoạt động vẫn còn là các yếu tố có tác động trực tiếp đến chất lượng tăng trưởng của hệ thống ngân hàng nói chung và trên địa bàn Thành phố nói riêng; năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Đây tiếp tục là tồn tại cơ bản. Do năng lực quản trị điều hành; do chất lượng dịch vụ; chiến lược kinh doanh; năng lực tài chính… chưa cao, khả năng cạnh tranh với các định chế tài chính khu vực và nước ngoài còn hạn chế.

Hệ quả của quá trình này, các NHTM trong nước dễ chịu tác động từ những biến động thị trường, nhất là giai đoạn khó khăn và những yếu kém xuất hiện như trong thời gian qua; chất lượng các nguồn lực chưa cao; công nghệ và vốn còn hạn chế. Trong đó, nguồn nhân lực ngân hàng đã và đang bộc lộ những yếu kém và hạn chế cả về trình độ và đạo đức nghề nghiệp. Những vụ án phát sinh gần đây có liên quan trực tiếp đến yếu tố con người.

Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng tạo áp lực rất lớn đến tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng, đòi hỏi các TCTD cần phải tiếp tục đổi mới, tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Cần một số giải pháp để hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trưởng, phát triển bền vững, phát huy vai trò là định chế tài chính trung gian trong nền kinh tế. Đặc biệt, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng của kinh tế Thành phố, gắn liền với việc thực hiện 6 chương trình đột phá của UBND TP. HCM, hệ thống ngân hàng trên địa bàn cần tiếp tục thực hiện giải pháp.

Thứ nhất, các ngân hàng tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu hiệu quả, để nâng cao năng lực tài chính và khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện hiệu quả quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để tăng trưởng và phát triển bền vững.

Thứ ba, phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng, tạo chuyển biến thực sự về chất, về cơ cấu dịch vụ và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Thứ tư, nâng cao năng lực canh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế; trong đó, nâng cao chất lượng các nguồn lực, con người; công nghệ và vốn; tập trung các giải pháp thu hút nguồn vốn để phát triển hệ thống ngân hàng gắn quá trình tái cơ cấu hệ thống, thu hút vốn từ định chế tài chính nước ngoài với vai trò là cổ đông chiến lược, tiếp nhận và học tập kinh nghiệm quản lý, quản trị ngân hàng, công nghệ ngân hàng hiện đại. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vấn đề đào tạo, học tập và tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát nội bộ…   

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan