Ông Tareq Muhmood

Ông Tareq Muhmood

Vẫn cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng

(ĐTCK) “Nếu không kiểm soát được tăng trưởng tín dụng thì trong trung hạn, những yếu kém và tác dụng tiêu cực của nó sẽ bộc lộ rõ ràng và ảnh hưởng không tốt đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế".

>> NHNN yêu cầu tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 12%

>> Ồ ạt nới “room” để dự phòng tín dụng  

Đó là quan điểm của ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam)  khi trao đổi với ĐTCK

Ngày 18/7, NHNN ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng “đạt” mức tăng trưởng tín dụng 12% của toàn ngành thông qua thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân tín dụng không chảy được là do hệ thống ngân hàng. Ông có bình luận gì?

Thứ nhất, dù số liệu thống kê về tình hình tăng trưởng tín dụng có khác nhau, nhưng thực tế, đúng là tăng trưởng tín dụng thời gian qua đang ở mức thấp. Điều này do cả cầu và cung. Về phía cầu, do đầu ra còn khó khăn, nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp không cao.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng phải tái cơ cấu và trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, nên khả năng cung ứng tín dụng cũng bị hạn chế. Vì vậy, trên thực tế, bức tranh tín dụng phức tạp hơn nhiều, chứ không đơn giản như những gì được thể hiện qua các con số thống kê.

Thứ hai, chúng ta không nên chỉ nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng, mà còn phải nhìn vào chất lượng tăng trưởng tín dụng. Do vậy, dù là con số bao nhiêu, thì quan trọng hơn là tín dụng này phải được cung cấp cho các doanh nghiệp phát triển bền vững.

 

Vậy theo ông, để tín dụng chảy nhanh và hiệu quả hơn, cần giải pháp gì từ phía doanh nghiệp và ngân hàng?

Không có cái gì có thể được gọi là giải pháp thần diệu, hay là thuốc chữa bách bệnh. Đối với doanh nghiệp, phải xem xét, rà soát kỹ lưỡng nhu cầu cho khoản vay, bởi trước đây, trong hoàn cảnh dễ dàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã vay rất bừa bãi, không có kế hoạch cụ thể. Hiện nay, doanh nghiệp phải thận trọng, xem xét có thực sự cần vay vốn hay không và việc sử dụng vốn vay có hiệu quả hay không?

Về phía ngân hàng, với khó khăn hiện tại, khối ngân hàng phải áp dụng các biện pháp tái cấu trúc và xử lý nợ xấu, cải thiện tình hình tài chính. Tuy nhiên, người ốm không phải cứ uống thuốc là khỏi bệnh ngay, mà cần thời gian. Trong khi, thời gian đối với bất kỳ cuộc khủng hoảng ngân hàng nào cũng giống nhau, phải mất khoảng vài năm để có thể vượt qua và từ từ hồi sinh.

Lãi suất huy động của vài ngân hàng giảm trong mấy tuần qua được nhìn nhận do dư thừa vốn. Ông có cho rằng, thời gian tới, việc lãi suất huy động giảm sẽ kéo lãi suất cho vay giảm theo, qua đó hỗ trợ ngân hàng và cả doanh nghiệp?

Hiện tại, vẫn có những ngành, doanh nghiệp tăng trưởng cần vay thêm vốn và vẫn có ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt, bên cạnh những ngân hàng, doanh nghiệp còn khó khăn. Đặc biệt, đang có tín hiệu tốt với kinh tế Việt Nam là lãi suất đã giảm xuống. Các chuyên gia kinh tế của chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, sẽ không có cắt giảm lãi suất nữa, vì lãi suất hiện nay khá hợp lý so với một số thị trường đang phát triển khác. Vì vậy, đây là thời điểm, điều kiện tốt để ANZ tham gia cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng như ANZ Transaction, giúp khách hàng quản lý được dòng tiền của mình một cách hiệu quả hơn, tốt nhất khi cần.

 

Ông có nói, con số tăng trưởng tín dụng không quan trọng bằng chất lượng tín dụng, nhưng có vẻ như Ngân hàng Nhà nước lại muốn cố gắng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đề ra, để hỗ trợ cho tăng trưởng GDP. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào và ông có gợi ý giải pháp nào cho Chính phủ Việt Nam ?

Trên phương diện cá nhân, tôi thấy rằng, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thật sự làm rất tốt công việc của mình, như sử dụng mọi công cụ chính sách có thể để giảm lạm phát và giữ ổn định tỷ giá. Có thể nói, những thành tựu mà Ngân hàng Nhà nước đạt được rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, chỉ khi có môi trường vĩ mô ổn định, thì doanh nghiệp mới yên tâm xây dựng kế hoạch phát triển kinh doanh dài hạn. Nếu chúng ta cứ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, mà không kiểm soát được, thì trong thời gian ngắn có thể đẩy được tăng trưởng lên, nhưng trong trung hạn, những yếu kém và tác dụng tiêu cực của nó sẽ bộc lộ rõ ràng và ảnh hưởng trầm trọng hơn đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Lúc đó thành tựu của tăng trưởng không còn ý nghĩa.