Văn hóa doanh nghiệp: Công cụ quản trị hữu hiệu của các doanh nhân

Văn hóa doanh nghiệp: Công cụ quản trị hữu hiệu của các doanh nhân

(ĐTCK) Khi đi vào thị trường thế giới và khu vực mà không có sắc thái kinh doanh riêng thì các doanh nghiệp khó có thể tồn tại lâu dài, bền vững.

Khi bước ra thị trường quốc tế, không ít doanh nghiệp đã gặp thất bại vì những trở ngại về văn hóa ứng xử trong môi trường đa văn hóa. Một trong những khó khăn đó chính là sự hiểu lầm và cái nhìn đối lập do sự khác biệt giữa các nền văn hóa của các đối tác.

Chính vì vậy, văn hóa ứng xử trong kinh doanh, coi trọng sự phát triển bền vững là nhân tố quan trọng trong quản trị doanh nghiệp, đặc biệt trong thời hội nhập.

Theo Michael Phillips và Salli Rasberry trong cuốn sách “Marketing không cần quảng cáo”, văn hóa ứng xử không chỉ gói gọn trong phạm vi doanh nghiệp, mà còn mở rộng ra cả môi trường bên ngoài.

“Cách bạn đối xử với nhân viên, nhà cung cấp và bạn bè là một yếu tố quan trọng trong việc giành lấy và giữ được lòng tin của khách hàng. Trên thực tế, không có gì là quá cường điệu khi nói rằng mối quan hệ tích cực với tất cả bọn họ là một trong những nền tảng vô hình của bất cứ doanh nghiệp thành công nào”, cuốn sách viết.

Hai tác giả cũng viết “văn hóa mạnh có thể có những ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực tới tổ chức và hành vi của nhân viên. Ảnh hưởng tích cực của văn hóa mạnh là có thể tạo ra các tổ chức có sự thành đạt vô cùng to lớn trong kinh doanh, quy tụ sự nhất trí cao giữa các thành viên về những gì mà tổ chức của họ đề ra… giảm sự luân chuyển lao động… tăng tính nhất quán của hành vi… nâng cao sự cam kết tổ chức và làm tăng tính kiên định trong hành vi của người lao động”.

Còn trong cuốn “Một đời quản trị”, từ hàng chục năm kinh nghiệm lãnh đạo các tập đoàn lớn, nhỏ trên thế giới, Giáo sư Phan Văn Trường đã đúc kết: “Văn hóa doanh nghiệp vận hành như một sức mạnh vô hình, vừa tăng động lực, vừa khuyến khích sự tương tác đoàn kết, nhưng cũng là một dụng cụ để kiểm soát và tự kiểm soát rất mạnh. Một doanh nghiệp chưa hoặc không có văn hóa khó lòng chỉ sinh hoạt đơn thuần trên quy trình.

Không một hệ thống quy trình nào sẽ đầy đủ để có thể điều phối cuộc sống hàng ngày quá phức tạp của doanh nghiệp. Ngược lại, văn hóa doanh nghiệp có khả năng hướng dẫn mỗi nhân viên trong mọi tình huống”.

Những doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững trên thế giới hầu hết đều xây dựng và quản trị tốt văn hóa doanh nghiệp. Trường hợp của Amazon có thể đem lại khá nhiều kinh nghiệm thú vị.

Amazon là hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới. Công ty bắt đầu với chỉ hai vợ chồng người sáng lập Jeff Bezos và 3 nhân viên, trong một gara ôtô giá rẻ. Sau 20 năm, trang bán lẻ Amazon đã phát triển với tốc độ chóng mặt và đạt mốc doanh thu gần 75 tỷ USD.

Bezos là một người luôn đề cao năng lực. Đối với ông, việc thuê người dưới quyền chỉ giỏi ngang bằng hoặc kém mình không chỉ là hành vi giấu dốt, mà còn là điều rất nguy hiểm cho công ty. Nhân viên của Amazon luôn được khuyến khích ra quyết định, mà không cần phải xin phép cấp trên.

Không một hệ thống quy trình nào sẽ đầy đủ để có thể điều phối cuộc sống hàng ngày quá phức tạp của doanh nghiệp. Ngược lại, văn hóa doanh nghiệp có khả năng hướng dẫn mỗi nhân viên trong mọi tình huống.

 - Giáo sư Phan Văn Trường

Beros cũng là một người rất cẩn thận và quyết đoán. Ông luôn kiểm duyệt kỹ lưỡng các thông cáo báo chí có trích dẫn lời của ông. Nếu trong công ty có vấn đề mà Bezos không nhận được hồi đáp của một nhà quản lý cấp cao dưới quyền, ông sẽ vượt qua bốn cấp quản trị để đối thoại với cấp thấp nhất. Đó chính là phong cách “không ủy quyền quản lý”.

Song điều gì cũng có tính hai mặt. Phong cách quản lý này cũng khiến Benzos vấp phải không ít trở ngại trong việc giữ chân các nhà quản lý cấp cao.

Tỷ lệ bỏ việc của các nhà quản lý cao cấp của Amazon cao hơn hẳn các doanh nghiệp thương mại điện tử khác. Chỉ trong 2 năm gần đây, đã có tới 20 trong số 50 nhà quản trị cao cấp nhất của Công ty từ bỏ vị trí. Nhưng việc này không khiến Bezos thay đổi quan điểm.

Bằng phương thức quản lý độc đáo của mình cộng với tinh thần trọng dụng người có năng lực, áp dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh, ông đã tạo nên huyền thoại Amazon. Với sứ mệnh đáp ứng mọi thứ mà khách hàng muốn vào bất cứ thời gian nào, vị lãnh đạo của Amazon luôn đặt cho tất cả thành viên trong công ty mục tiêu thỏa mãn một cách nhanh nhất và tốt nhất mọi nhu cầu của khách hàng.

Việt Nam có không ít doanh nhân giỏi cả ở trong và ngoài nước. Nếu phát huy được tiềm năng và tố chất của người đứng đầu, kết hợp với việc tập trung tiềm năng của đội ngũ con người, đồng thời có văn hóa, triết lý và chiến lược kinh doanh tốt, nhận được sự chia sẻ của cộng đồng, chắc chắn sẽ có nhiều thương hiệu đạt đến tầm khu vực và quốc tế.            

Tin bài liên quan