Khu vực lõi phố cổ nên ưu tiên để bảo tồn văn hóa truyền thống. Ảnh: Đức Thanh

Khu vực lõi phố cổ nên ưu tiên để bảo tồn văn hóa truyền thống. Ảnh: Đức Thanh

Văn hóa trong lòng đô thị

(ĐTCK) Văn hóa như phần hồn làm nên sự sống động của “thể xác” kiến trúc đô thị.

Nhận diện đô thị văn minh

Việt Nam đang phải đối mặt với  thách thức kép giữa các khu đô thị cũ đang quá tải nặng nề và quá trình mở rộng đô thị mới diễn ra nhanh, nhưng chất lượng đô thị còn yếu kém. Điều này thể hiện rõ trong công tác quy hoạch đô thị.

Đô thị văn minh có gì trong đó và từ đó làm gì để có được đô thị văn minh, đang là câu hỏi lớn, không chỉ với người dân, mà ngay cả với các nhà hoạch định, người làm chính sách hay quy hoạch.

Theo TS. Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, một đô thị có không gian sống văn minh phải là đô thị có kiến trúc đô thị đẹp, đảm bảo các yêu cầu về hệ thống hạ tầng kỹ thuật như cây xanh, hồ nước, cấp điện, chiếu sáng và hệ thống hạ tầng xã hội gồm trường học, y tế…

Ngoài ra, các khu đô thị được kết nối liên hoàn với hệ thống giao thông công cộng như xe bus, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm… Bên cạnh đó, đô thị phải có hệ thống quản trị hiệu quả, cư dân có lối sống văn minh, có hiểu biết nhất định, đáp ứng được mô hình quản trị hiện đại của đô thị.

fig come hereCác bạn không nên phá bỏ khu phố cổ, mà hãy chuyển đổi nó, dù nhiều khi, có rất nhiều rào cản. Và khi tạo ra các khu phố mới, thì người dân phải trở thành một phần trong đó, không ai bị loại bỏ.Bà Tina Saaby, Kiến trúc sư trưởng Hội đồng TP. Copenhagen (Đan Mạch)

Như vậy, một đô thị có không gian sống văn minh không chỉ được tạo lập nhờ các yếu tố kỹ thuật như cơ sở hạ tầng, tiện nghi đô thị, mà còn bao gồm các yếu tố phi kỹ thuật như con người, văn hóa. Trong đó, nhà quản lý giữ vai trò ban hành chính sách, các công cụ và thực hiện quản lý đô thị, còn người dân, vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là hạt nhân xây dựng văn minh đô thị.

Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: “Một thành phố chỉ được coi là thành phố văn minh, thành phố thông minh khi các cư dân trở thành công dân thông minh, công dân điện tử”.

Bất động sản trong dòng chảy phát triển

Theo PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Hà Nội đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, mỗi giai đoạn lại gắn với mức diện tích, nhu cầu về nhà ở khác nhau. Nhà thấp tầng khu đô thị cũ và các địa bàn làng xã cũ vẫn đồng hành, nhưng không còn là chủ đạo.

Xu thế sống trong căn hộ chung cư, nhất là căn hộ tiện ích lớn đang là xu hướng chủ đạo. Tư duy về không gian sống, về căn hộ chung cư dần hình thành. Hàng loạt dự án chung cư được quản lý tốt, thuận tiện giao thông, không nằm trong khu dân cư cũ đang là mong muốn của người có thu nhập ổn định.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về nhà ở cũng có sự thay đổi rõ nét. Từ những căn hộ 20 m2, rồi 30 m2 ở những thập kỷ trước, đến nay, người dân có nhu cầu sử dụng các căn hộ, nhà ở với diện tích lớn hơn.

Bên cạnh đó, họ mong muốn sở hữu sản phẩm và dịch vụ ngày càng đa dạng, theo hướng văn minh, hiện đại và thân thiện môi trường. Do đó, dự án xanh đang được xem là chìa khóa không chỉ để các chủ đầu tư dễ bán hàng, mà còn giúp tôn vinh nhiều hơn các giá trị sống.

 Ảnh: Đức Thanh

Theo TS.KTS. Trần Minh Tùng, Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, sinh thái đô thị sẽ là mục tiêu không chỉ Hà Nội, mà cả các thành phố lớn khác của Việt Nam hướng đến. Các đô thị sinh thái sẽ gánh một trọng trách vượt ra khỏi phạm vi khu vực dự án để hướng tới những mục tiêu cao cả hơn của xã hội đô thị.

Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng theo các chuyên gia, công cuộc kiến tạo Thủ đô văn minh là một chặng đường dài. Thành công chỉ đến khi chúng ta có cách nghĩ, cách làm đúng đắn, mạnh dạn nhìn thằng vào những hạn chế, yếu kém còn tồn tại bấy lâu như quản lý quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, môi trường sinh thái, văn hóa kinh doanh…

Và góc nhìn văn hóa

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Tina Saaby, Kiến trúc sư trưởng Hội đồng TP. Copenhagen (Đan Mạch) - một thành phố rất thành công trong việc phát triển không gia đô thị và bảo tồn các công trình kiến trúc cổ - cho biết: “Ở Copenhagen, chúng tôi thường thảo luận để lắng nghe ý kiến của người dân, nắm bắt nhu cầu của họ trong từng phạm vi nhỏ. Sau đó, cố gắng đồng nhất tầm nhìn của mọi người dân về những vấn đề chung. Điểm tối quan trọng là phải lấy con người là ưu tiên hàng đầu. với các công trình, khu vực lõi, chúng tôi cố gắng không phá hủy nhà cũ, mà chuyển đổi, cải tạo nó”.

Còn theo PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa, Hà Nội phải chấp nhận đánh đổi, có thể mức độ phát triển sẽ chậm lại một chút khi không tăng trưởng ồ ạt, nhưng bù lại, chúng ta có được sự vững bền. Thậm chí, nếu thấy quá sức khi làm các dự án quy hoạch lớn, có thể bình tĩnh lại, nhường cho thế hệ con cháu sau này. Khi có đủ tài năng, trí tuệ và nền tảng vật chất, chắc chắn tầm nhìn cũng tốt hơn.

“Trong tiến trình phát triển đô thị, Hà Nội nên lưu lại những tư liệu, phim, hình ảnh, thậm chí mô hình hóa các chung cư cũ để làm tư liệu về sau cho con cháu. Chúng ta đang mải mê phát triển các dự án mới nên chưa nhận ra, nhưng khi phá hết chung cư cũ để cải tạo hay xây mới, mà chưa làm được việc này, thì sẽ tiếc vì nó là một phần của lịch sử, của Thủ đô”, ông Huy cho biết thêm.

Còn KST. Vũ Quốc An, Hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam lại nhìn nhận, hiện nay, có nhiều dạng sống: Đô thị sống theo dạng chung cư; các biệt thự từ thời Pháp để lại và xây mới; nhà mặt phố, ngoài những ngôi nhà cổ, thì các nhà mặt phố tạo nên phố phường Hà Nội; và dạng phát triển tự do không nằm trong quy hoạch, không xếp vào hạng nào được vì mỗi người một kiểu xây dựng.

“Theo tôi, chất lượng sống phải đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị nói chung, từ giao thông đến đồng bộ các hạ tầng kỹ thuật. Nếu chất lượng, cơ sở hạ tầng đáp ứng đồng bộ đảm bảo được đời sống của nhân dân thì được gọi là đô thị văn minh. Khi quy hoạch đô thị, chúng ta hay nói đến phố cổ và coi đó như vùng lõi, như cái rốn của Hà Nội.

Tuy nhiên, dù là vùng lõi, nhưng khu phố cổ không được coi là văn minh. Bất động sản phố cổ rất đắt, nhưng chất lượng sống nơi đây rất thấp, 3 - 4 thế hệ ở trong một ngôi nhà, nhiều nhân khẩu trong mấy chục mét vuông và chính những mâu thuẫn này là động lực để phát triển đô thị, không gian sống chuẩn mực hơn ở không chỉ Hà Nội”, ông An đánh giá.

Khi nói về việc tạo lập không gian sống văn minh, nhiều chuyên gia đều cho rằng, đô thị văn minh trước hết phải có người dân văn minh. Vai trò của nhà quản lý là nhận thức được sự cần thiết của việc tạo nên không gian sống văn minh và ý chí chính trị để thực hiện điều đó, dựa trên nền tảng văn hóa từ lâu đời.

TS. Trương Vĩnh Khang, nhà nghiên cứu văn hóa nhận định, văn hóa quyết định đến những vấn đề liên quan đến xây dựng, quy hoạch. Văn hóa là chìa khóa, là nền tảng để phát triển kiến trúc. Tuy đô thị hiện đại có những mẫu số chung, nhưng nó vẫn có những họa tiết, hoa văn chi tiết điển hình của các vùng, miền và không sao chép nguyên bộ từ bất cứ nguyên mẫu nào.

Cũng theo ông Khang, không gian sống chuẩn mực rất khó để có sự hoàn mỹ, nhưng ở mức độ cơ bản tối thiểu nhất, cần phải đáp ứng được. Dĩ nhiên, trong không gian sống chuẩn mực, con người luôn là chủ thể và văn hóa, văn minh là cái gốc của sự chuẩn mực.

“Nếu điều chỉnh lại các dự án theo hướng tăng được diện tích cây xanh, diện tích mặt nước, phúc lợi công cộng, là góp phần tạo nên môi trường sống lý tưởng. Ngược lại, nếu bớt xén những diện tích trên để sử dụng cho mục đích sinh lời, thì chất lượng sống sẽ giảm”, ông Khang nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan