Một căn hộ diện tích 65 m2 được sử dụng làm văn phòng. Ảnh: Việt Dương

Một căn hộ diện tích 65 m2 được sử dụng làm văn phòng. Ảnh: Việt Dương

Văn phòng "chui": Mối nguy giữa mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tình trạng sử dụng căn hộ chung cư để làm văn phòng “chui” vừa tiềm ẩn rủi ro mất an ninh trật tự, vừa kèm theo nguy cơ lây lan dịch Covid -19.

Biết sai, nhưng vẫn làm

Giữa cao điểm chống dịch hồi trung tuần tháng 7/2021 khi Thủ đô Hà Nội chính thức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tại tòa nhà chung cư ngõ 91 Đại Mỗ vẫn tấp nập người ra, người vào, trong đó nhiều người không phải là cư dân sinh sống nơi đây. Theo tìm hiểu, những người này là nhân viên của một văn phòng “chui” mới xuất hiện tại đây.

Chị Hương, một cư dân sinh sống tại tòa nhà, tình trạng nhiều căn hộ ở đây được chủ nhân cho các doanh nghiệp thuê làm văn phòng riêng đã xuất hiện từ khoảng 2 năm trước, khi tòa nhà mới đi vào hoạt động. Thời gian đầu, cư dân cũng không chú ý lắm, nhưng đến khi Covid-19 bùng phát, việc những người lạ này vô tư đi lại trong thang máy dù mỗi nhà chỉ được cấp 2-3 thẻ từ để đi lại khiến các cư dân lo lắng.

“Nhiều người vô ý thức vào thang máy cười đùa, nói chuyện không đeo khẩu trang, cũng không đăng ký với bảo vệ trước khi vào tòa nhà”, chị Hương bức xúc nói và cho biết, trước tình hình dịch bệnh lây lan mạnh, dù đã nhắc nhở nhiều lần nhưng họ không tiếp thu, các cư dân đã báo trực tiếp lên chính quyền địa phương để lập biên bản và đình chỉ hoạt động của văn phòng này.

Câu chuyện văn phòng “núp bóng” chung cư tại chung cư ngõ 91 Đại Mỗ không phải là trường hợp hiếm, thậm chí trở nên khó kiểm soát tại nhiều khu chung cư ở Hà Nội, dù Luật Nhà ở 2014 nêu rõ không được phép sử dụng chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh, văn phòng, buôn bán, sản xuất...

Chẳng hạn, tại tòa nhà Việt Đức Complex trên đường Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), mới đi vào sử dụng hơn 1 năm nhưng theo UBND phường Nhân Chính, có tới 1/7 số căn hộ được sử dụng làm văn phòng hoặc các hoạt động kinh doanh khác, nhiều trường hợp đã bị chính quyền sở tại lập biên bản và nhắc nhở, nhưng tình trạng văn phòng “chui” vẫn phức tạp.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, đại diện chủ đầu tư cho biết, các căn hộ đã được bán cho khách hàng nên việc chủ nhà cho thuê lại hoặc sử dụng vào mục đích gì chủ đầu tư không có quyền can thiệp. Tuy nhiên, đại diện chính quyền địa phương khẳng định, vì tòa nhà chưa thành lập được ban quản trị nên chủ đầu tư phải có trách nhiệm trong việc quản lý.

“Chủ đầu tư chưa thành lập ban quản trị tòa nhà nên họ phải có trách nhiệm trong việc xây dựng cơ chế, giám sát các căn hộ để đảm bảo quyền lợi của những cư dân khác”, ông Hoàng Tùng - Phó chủ tịch UBND phường Nhân Chính nhấn mạnh.

Theo quy định, hành vi sử dụng căn hộ chung cư không phải mục đích để ở sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng và buộc phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, tại chung cư Việt Đức, đại diện UBND phường Nhân Chính cho biết, việc xử lý vẫn chỉ dừng ở mức tuyên truyền, vận động, yêu cầu các văn phòng phải rời đi trước ngày 15/7/2021, sau thời gian này mới xử phạt theo quy định.

Tương tự, tại nhiều chung cư khu vực Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy), từ năm 2016, cơ quan chức năng Hà Nội đã có văn bản yêu cầu không được sử dụng chung cư làm văn phòng làm việc, nhưng trên thực tế, lượng người đến giao dịch và làm việc vẫn lớn, khiến sinh hoạt cư dân nơi đây bị đảo lộn. Tình trạng thang máy chậm chạp, tắc nghẽn hay các hình ảnh xả rác, thiếu ý thức… chỉ giảm bớt thời gian gần đây, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố.

Trần tình lý do thuê chung cư làm văn phòng hoạt động, cho dù biết là không được phép, anh Trần Việt Dũng, trưởng nhóm một team marketing online cho biết, đơn giản là vì “rẻ”. Anh cho hay, giá thuê căn hộ hiện dao động từ 8-15 triệu đồng/tháng tùy khu vực và diện tích nhà ở, “dễ thở” hơn nhiều so với mức thuê tính theo mét vuông như ở nhiều tòa thương mại cho thuê làm văn phòng, đó là chưa kể các chi phí khác.

Thống kê của CBRE Việt Nam cho thấy, hiện nay, mức giá thuê văn phòng thấp nhất ở Hà Nội vào khoảng 14 USD/m2/tháng. Như vậy, với một văn phòng diện tích 100 m2, doanh nghiệp phải chi trả tối thiểu khoảng 1.400 USD/tháng, tương ứng hơn 30 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm chi phí điện, nước...

“Mức chi phí trên không phù hợp với các doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc những nhóm kinh doanh theo hình thức online như chúng tôi”, anh Dũng nói và cho biết thêm, việc thuê văn phòng ở các khu chung cư gần trung tâm sẽ thuận tiện cho việc giao dịch với khách hàng, việc quản lý người vào/ra tại chung cư cũng không quá gò bó, quản lý thời gian làm việc tại các văn phòng chung cư cũng không bị hạn chế như ở nhiều tòa nhà văn phòng, khi hai ngày cuối tuần thường giới hạn thời gian mở/cắt điện, nước.

Chính quyền khó xử lý

Trên thực tế, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và Nghị định 139/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 đều quy định cụ thể về chế tài xử lý các trường hợp sử dụng trái công năng của nhà ở chung cư.

Tuy nhiên, theo luật sư Bùi Quang Hưng, Giám đốc Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự, mức phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở chưa đủ mạnh để giải quyết gốc rễ tình trạng này. Bởi lẽ, nhiều văn phòng thuê tại các chung cư là văn phòng “chui”, không đăng ký mô hình công ty, chỉ tuyển rất ít nhân sự (khoảng 10-20 nhân viên) chủ yếu làm công việc trực tổng đài như các sàn giao dịch tài chính, môi giới forex…

Lãnh đạo UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) - khu vực tập trung nhiều tòa nhà chung cư, cho biết, chính quyền thường xuyên ra quân kiểm tra, rà soát, nhưng chủ yếu là để nhắc nhở, thống kê vì chủ nhà không có ở đó và pháp luật cũng chưa có chế tài xử phạt với người đi thuê, nên chưa thể xử phạt bất kỳ trường hợp vi phạm nào. Thực tế tồn tại nhiều trường hợp, doanh nghiệp đặt trụ sở ở địa điểm khác nhưng không hoạt động, chỉ là ghi trên giấy phép đăng ký kinh doanh, còn nơi làm việc lại là chung cư với những cái tên như văn phòng giao dịch, văn phòng đại diện…

Đại diện UBND quận Cầu Giấy cũng cho hay, từng gửi văn bản đề xuất với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội có hướng dẫn bằng văn bản, chế tài xử lý cụ thể với các doanh nghiệp đặt trụ sở văn phòng đại diện, chi nhánh, địa điểm giao dịch tại các căn hộ chung cư, nhưng tình trạng văn phòng “núp bóng” chung cư vẫn tái diễn, khó kiểm soát.

Để giải quyết tình trạng này, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, bên cạnh nâng cao chế tài xử phạt, các cơ quan chức năng cũng cần tiến hành quản lý chặt chẽ, thường xuyên hơn đối với hoạt động đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp, trong trường hợp doanh nghiệp đặt trụ sở chính ở đâu cần nộp kèm theo hồ sơ các giấy tờ chứng minh…

Được biết, trong nhiều văn bản gửi giải đáp ý kiến từ các địa phương, Bộ Xây dựng nêu rõ, pháp luật về nhà ở đã có quy định cụ thể đối với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Do đó, việc quản lý, sử dụng nhà chung cư nói chung và việc quản lý, sử dụng căn hộ nói riêng cần được giám sát và quản lý một cách chặt chẽ từ chính quyền địa phương.

“Tại Khoản 3, Điều 48 và Khoản 2, Điều 49 - Quy chế 02 đã quy định cụ thể trách nhiệm của UBND cấp quận/huyện, phường/xã trong việc giải quyết, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư. Do đó, các chủ sở hữu nhà chung cư khi phát hiện có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thì cần phản ánh kịp thời đến các cơ quan này để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp”, văn bản của Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan