Giá xăng dầu có tác động quan trọng đến mọi yếu tố của đời sống kinh tế.

Giá xăng dầu có tác động quan trọng đến mọi yếu tố của đời sống kinh tế.

Vàng đen và chứng khoán

(ĐTCK-online) Với tầm quan trọng thiết yếu của mình, giá xăng dầu luôn là một yếu tố tác động trực tiếp đến nền kinh tế quốc dân và cuộc sống hàng ngày của người dân khắp nơi trên thế giới. Vậy giá cả loại nhiên liệu được coi là vàng đen này ảnh hưởng thế nào đến các ngành kinh tế? Bài viết này mong muốn trao đổi về ảnh hưởng của việc tăng - giảm giá xăng dầu và tác động của nó đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng.

Điệp khúc tăng - giảm

Giá dầu thế giới hạ nhiệt trong ba tuần liên tiếp vừa qua và dao động từ 110 - 116 USD/thùng, nếu giá xăng ở mức 19.000 đồng/lít sẽ giúp các nhà nhập khẩu trong nước lãi khoảng 4.500 - 5.000 đồng cho mỗi lít xăng A92.

Giá dầu thô hiện giảm hơn 20 USD/thùng so với thời điểm giá bán lẻ được điều chỉnh từ 14.500 đồng lên 19.000 đồng/lít xăng A92. Giá dầu DO thành phẩm cũng giảm mạnh và chỉ còn 133 USD/thùng.

Ngày 14/8, giá xăng A92 trong nước giảm từ 19.000 đồng/lít xuống còn 18.000 đồng/lít, giá dầu hoả cũng được điều chỉnh giảm 1.000 đồng/lít. Với mức giá này, hiện các nhà nhập khẩu vẫn lãi từ 3.500 - 4.000 đồng/lít xăng A92.

Chúng tôi dự báo, giá xăng dầu có thể tiếp tục được điều chỉnh giảm từng bước theo sát hơn với diễn biến giá dầu thế giới với các mức giảm được tách thành nhiều đợt (từ 500 - 1.500 đồng/lít cho mỗi lần giảm).

Nhận định về kịch bản điều chỉnh giá xăng dầu

Tác động vĩ mô: Tiếp theo động thái giảm giá xăng dầu 1.000 đồng/lít vào ngày 14/8, chúng tôi dự báo, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục giảm giá xăng dầu trong trường hợp giá dầu thô thế giới tiếp tục duy trì ở ngưỡng dưới 120 USD/thùng.

Việc giảm giá xăng theo sát với diễn biến giá thế giới sẽ giúp nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường hơn, giảm sức ép tới ngân sách và chia sẻ sức ép về những biến động của giá nhiên liệu với DN.

Tác động tới lạm phát: Tác động của việc giảm giá xăng dầu đặc biệt quan trọng vì giúp lạm phát kỳ vọng sẽ giảm xuống và hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa. Cùng với bối cảnh giá cả lương thực, thực phẩm đã chững lại, giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, gạch… cũng đã giảm đáng kể, chúng tôi đánh giá lạm phát những tháng cuối năm tiếp tục ổn định ở mức 1,0 -1,5%/tháng. Lạm phát tính cho 1 năm từ  tháng 8/2008 - 8/2009 dự đoán ở mức 10 - 14%.

Với mức lạm phát ước tính này, quan điểm của chúng tôi là lãi suất tiền gửi thời gian tới có khả năng tiếp tục giảm. Có quan điểm rằng, để hạn chế lạm phát, cần duy trì lãi suất thực dương căn cứ trên mức lạm phát của quá khứ (ví dụ lạm phát tháng 6/2008 so với cùng kỳ năm 2007 là 26,8% thì để đảm bảo lãi suất thực dương, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm tính từ tháng 6/2008 phải cao hơn 26,8%). Theo chúng tôi, quan điểm trên không thích hợp, vì lãi suất thực dương cần được tính trên cơ sở chênh lệnh lãi suất tiền gửi ở thời điểm hiện tại khấu trừ cho tỷ lệ lạm phát của 12 tháng tới, không phải của 12 tháng đã qua. Vậy với mức lãi suất tiền gửi bình quân hiện nay và mức lạm phát ước đoán trên, lãi suất hiện đã dương 3% - 8% và đây là mức khá cao, gây sức ép cho DN vay vốn.

Chúng tôi cho rằng, ngân hàng nên thực hiện mức lãi suất tiền gửi giảm dần (15% cho kỳ hạn 1 năm có thể là hợp lý để đảm bảo thực dương và vẫn có tác động thu hút tiền, kiềm chế lạm phát). Khi yếu tố lạm phát kỳ vọng được hạn chế, đây sẽ là cơ sở rất tốt để ngân hàng thương mại giảm lãi suất và Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét giảm lãi suất cơ bản, từ đó hỗ trợ cho DN duy trì, phát triển sản xuất - kinh doanh.

Vì vậy, trên khía cạnh vĩ mô, chúng tôi đánh giá giảm giá xăng là tín hiệu tích cực trong chuỗi tín hiệu quan trọng như lạm phát, lãi suất, sức sản suất của DN, tỷ giá, nhập siêu…, thể hiện kịch bản "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế đã tương đối thành công và là nền tảng tốt cho sức phục hồi, ổn định về dài hạn của TTCK.

Tác động tới TTCK

Giá xăng dầu giảm sẽ tác động tới các ngành, các DN ở nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào cấu thành chi phí của hàng hóa, dịch vụ.

1. Hải sản: theo ước tính, trong khai thác hải sản, giá dầu chiếm khoảng 40 - 65% cơ cấu giá thành sản phẩm. Trong trường hợp giá nhiên liệu giảm 10%, DN sẽ tiết kiệm được 4 - 6,5% chi phí.

2. Vận tải: chi phí xăng dầu chiếm trên 45% giá cước vận chuyển trong vận tải thủy, trên 50% vận tải đường bộ… Các DN làm dịch vụ vận tải, taxi, logistic sẽ giảm được chi phí giá thành như VNS, HTV, GMD, SHC, MHC, VTO, VIP, VSP, ILC…

3. Ngành nhựa: nguyên liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ đang có triển vọng giảm giá. Giá hạt nhựa trong thời kỳ đỉnh cao của giá dầu đã lên đến 2.000 - 2.200 USD/tấn, tăng trên 50% so với hồi đầu năm. Hiện trên HOSE và HASTC, ngành nhựa có các mã như TTP, NTP, BMP, VPK, VKP, TPC… nếu có chính sách quản lý hàng tồn kho hợp lý có thể được hưởng lợi từ giá dầu giảm.

4. Dệt may: ngành dệt Việt Nam dùng đến 50% sợi PE (sợi tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ), chi phí dầu FO của 1 số công ty dệt chiếm đến 10 - 15% giá thành sản phẩm. Đại diện của ngành dệt may trên sàn hiện nay có TCM, NPS, KMR…

5. Thép, xi măng, giấy: trung bình, 1 tấn thép sản xuất phải dùng 50 lít dầu; một số công ty trong ngành xi măng, dầu Mazut chiếm 50 - 70% nhiên liệu sản xuất. Chi phí xăng dầu chiếm 1 - 2% giá thành sản xuất giấy, 1% giá thành sản xuất thép…

Trong ngắn hạn, việc giảm giá dầu có tác động tích cực tới tâm lý NĐT trên TTCK, vì được nhìn nhận là một thông tin tốt tác động tới các chỉ tiêu vĩ mô và hoạt động của một số nhóm ngành.

Về trung hạn, chúng tôi cho rằng, tác động của giảm giá xăng dầu không chỉ dừng lại ở tác động hạn chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và giảm chi phí của một số DN, mà quan trọng hơn là yếu tố kỳ vọng về lạm phát, về điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn và những rủi ro về nợ xấu, hoạt động kinh doanh của ngân hàng, DN sẽ được cải thiện.

Theo quy tắc thông nhau về một số thị trường như: gửi tiết kiệm, ngoại tệ, vàng, chứng khoán, bất động sản…, khi niềm tin về nền kinh tế và tín hiệu lạc quan về sức sản xuất của DN nơi NĐT trở lại, chứng khoán sẽ là kênh thu hút vốn hấp dẫn hơn, đặc biệt khi xu hướng lãi suất tiết kiệm giảm, giá các loại hàng hóa và ngoại tệ ổn định.

Cuộc đấu thầu trái phiếu chính phủ tại HASTC ngày 22/8/2008 sẽ tiếp tục là một thước đo niềm tin về sự cải thiện bối cảnh vĩ mô của Việt Nam.

Dựa trên những đánh giá về ảnh hưởng của kịch bản Việt Nam tiếp tục giảm giá xăng dầu và đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế, quan điểm của chúng tôi vẫn nhất quán rằng, thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế, của TTCK đã qua đi. Những tín hiệu tích cực như đã đề cập sẽ là những nền tảng cơ bản cho TTCK trên đà hồi phục và ổn định hơn ở trên mốc điểm 500 và hướng tới 600 điểm trong thời gian tới.