Hầu hết các doanh nghiệp cho biết họ nhập vàng từ Thụy Sĩ hoặc các thị trường lớn, có uy tín trên thế giới. Ảnh: peopledaily.com

Hầu hết các doanh nghiệp cho biết họ nhập vàng từ Thụy Sĩ hoặc các thị trường lớn, có uy tín trên thế giới. Ảnh: peopledaily.com

Vàng giả Hong Kong khó vào Việt Nam

Sau sự cố vàng giả tại Hong Kong, các doanh nghiệp lớn khẳng định người tiêu dùng có thể yên tâm vì vàng miếng tại Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Thụy Sĩ. Tuy nhiên, người mua nữ trang cần cẩn trọng.

>> Vàng giả như thật gây chấn động

 

Là doanh nghiệp vàng lớn và thường xuyên được cấp quota nhập khẩu, Trung tâm Vàng Ngân hàng Á Châu (ACB) khẳng định, họ chỉ nhập vàng từ Thụy Sĩ và Australia. Ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm giải thích lý do chuộng Thụy Sĩ vì đây là một thị trường hết sức nghiêm ngặt, không bao giờ có chuyện gian lận về số lượng hay chất lượng vàng. Ngoài ra, thị trường Australia cũng có những hãng lớn, nổi tiếng thế giới.

 

"Mỗi khi được cấp quota, doanh nghiệp không dại gì nhập vàng từ nguồn không mấy uy tín, trong khi cũng với một mức giá đó, chúng tôi hoàn toàn có thể nhập vàng chất lượng cao từ các thị trường đã có tên tuổi", ông Quốc Khanh giải thích.

 

Tương tự, vị Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), bà Nguyễn Thị Cúc cho hay, PNJ chủ yếu nhập vàng từ Thụy Sĩ. Sau khi nhận hàng, công ty còn kiểm tra lại bằng phương pháp đo quang phổ để xem phía trong có hàm lượng vàng như thế nào. Với phương pháp này, kể cả hạt cát bên trong miếng vàng cũng sẽ bị phát hiện ra.

 

Nguồn vàng của Sacombank-SBJ có cả từ Hong Kong, bên cạnh các thị trường như Thụy Sĩ , Singapore . "Nhưng dù nhập từ đâu thì khi vàng về, công ty cũng phải thẩm định lại chất lượng thông qua các phương pháp hiện đại, sau đó mới gia công", ông Nguyễn Văn Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Sacombank-SBJ cho biết. Bên cạnh vàng, Sacombank-SBJ còn nhập vỏ nhẫn kim cương từ Hong Kong , nhưng từ trước đến nay chưa phát hiện tình trạng giả, ông Hải nói thêm.

 

Bên cạnh vàng nhập chính thức, có một thực tế là lâu nay nhiều "đầu nậu" vẫn thường lợi dụng mỗi khi giá trong nước cao hơn quốc tế để nhập lậu kiếm lời. Tuy nhiên, kể cả với số vàng nhập lậu này, có ý kiến cho rằng cũng không đáng lo. Đại diện một doanh nghiệp phán đoán rằng với những tay buôn có ý định nhập lậu, họ cũng không dại gì lấy vàng Hong Kong hay các nguồn "trôi nổi". "Nếu nhập lậu thì họ cũng chỉ lấy vàng từ nơi uy tín chứ không dại gì mà mua hàng Hong Kong . Nếu lỡ phía bên kia có ăn gian một chuyến thì những tay buôn lậu chỉ có sạt nghiệp, lại còn mất mối làm ăn những lần sau", đại diện này nhận định.

 

Ngoài vàng miếng, sau scandal vàng giả ở Hong Kong, nhiều người tiêu dùng bày tỏ lo ngại rằng các tay buôn nước ngoài sẽ dùng vàng giả để sản xuất nữ trang, sau đó tuồn sang Việt Nam .

 

Theo khảo sát tại TP. HCM, hàng loạt cửa hiệu vàng bạc đá quý ở khu vực quận 1, quận 5, chợ Bà Chiểu đều trưng bày nhiều nữ trang ngoại. Theo giới thiệu của người bán thì chúng được nhập chủ yếu từ Italy . Nhưng một ông chủ hiệu kim hoàn tại chợ Bà Chiểu tiết lộ, hầu hết đồ trang sức xuất xứ không rõ ràng hiện nay đều nhập từ Trung Quốc theo đường không chính thức. "Khách hàng rất khó phân biệt đâu là thật giả. Các yếu tố định lượng, định tính cũng không thể nhận biết bằng mắt thường", ông nói.

 

Một bà chủ khác thì cho biết thêm, các cửa hàng nhỏ lẻ chuộng nữ trang Hong Kong vì giá thành rẻ hơn hàng của Italy gần 10 USD một gram. Hiện nay một gram vàng Italy có gíá khoảng 38 USD thì loại nữ trang từ Hong Kong có giá khá "mềm", 30 USD.

 

Tương tự, tại thị trường Hà Nội, khi bước vào các cửa hàng nhỏ lẻ, khách mua nữ trang khó có thể chắc chắn về nguồn gốc sản phẩm ngoài lời hứa hẹn của chủ hàng.

 

Để đối phó với tình trạng này, ông Nguyễn Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội) khuyên người dân nên mua vàng ở các thương hiệu có uy tín để đảm bảo chất lượng. Còn những ai muốn kiểm tra số vàng họ đang cất giữ có phải là thật hay không cũng có thể đem sản phẩm đến doanh nghiệp lớn, nơi có thiết bị hiện đại để kiểm tra.

 

“Hiện nay, mỗi khi thu mua vàng, các cửa hàng nhỏ lẻ chỉ sử dụng 3 phương pháp truyền thống là thử vàng đánh đá, đo tỷ trọng dựa vào áp lực nước, đo bằng cây viết thử vàng. Độ chính xác của 3 phương pháp này thấp, không phát hiện được một số loại hợp kim bên trong miếng vàng. Còn tại các doanh nghiệp lớn, có uy tín thì dùng thêm hai phương pháp hiện đại hơn là huỳnh quang tia X và nhiệt kim phản ứng hóa học, có độ chính xác rất lớn, được thế giới dùng rộng rãi”, ông Trần Trọng Quốc Khanh từ ACB giải thích.