Ấn Độ là nước bị nhập khẩu vàng lậu lớn nhất do thuế nhập khẩu lên tới 10%

Ấn Độ là nước bị nhập khẩu vàng lậu lớn nhất do thuế nhập khẩu lên tới 10%

Vàng thẩm thấu qua độ lệch giá

(ĐTCK) Tuy việc kinh doanh vàng miếng có nhiều hạn chế so với trước đây, song nhu cầu vàng của người dân vẫn lớn, đặc biệt trước xu hướng giảm giá của vàng trong thời gian qua. Thế nhưng, chính việc độc quyền thị trường vàng sẽ tạo ra khe hở vàng lậu vào thị trường nội địa và Nhà nước thất thu thuế.

Chênh lệch tạo khe hở vàng lậu

Việt Nam không còn sản xuất vàng miếng, trong năm qua cũng không cấp quota cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu theo như kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang để chế tác các mặt hàng nữ trang…

Vì thế, không chỉ với việc kinh doanh vàng miếng bị hạn chế mà ngay cả doanh nghiệp kinh doanh nữ trang cũng phải thu mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường để sản xuất.

Tuy nhiên, với mức tiêu thụ vàng miếng cũng như nữ trang của người dân trong nước hiện nay thì việc gom vàng trên thị trường để chế tác chưa hẳn đáp ứng đủ. Bởi thực tế cho thấy, dù Việt Nam không cho phép nhập vàng, nhưng điều đó không có nghĩa là nhu cầu vàng trong dân đột ngột giảm mạnh 70% - 80%.

Con số mới đây mà tổ chức thế giới đưa ra về nhu cầu tiêu thụ vàng của thị trường ở Việt Nam là 69,1 tấn vàng trong năm 2014. Trong đó gồm 12,7 tấn vàng nữ trang và khoảng 56,4 tấn vàng đầu tư. Dù tính chính xác của số liệu vẫn cần kiểm tra lại, nhưng con số này phần nào đã phản ánh nhu cầu vàng của người dân vẫn lớn.

Số liệu đưa ra từ các tổ chức nghiên cứu về vàng của thế giới cũng cho thấy, sức tiêu thụ vàng của thị trường Việt Nam chỉ giảm khoảng 10% trong năm qua, cho dù thị trường vàng đã bị độc quyền và hạn chế kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24.

Nhiều người nghi ngại về con số vàng thị trường Việt Nam tiêu thụ lên gần 70 tấn trong năm qua. Nhưng số liệu về nhu cầu tiêu thụ vàng Việt Nam không phải do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) mà của một công ty uy tín chuyên nghiên cứu về vàng trên thế giới là GFMS Reuters đưa ra. WGC chỉ mua thông tin từ GFMS để tổng hợp lại.

Từ lâu nay Singapore là nơi trung chuyển đầu mối vàng cho các nước trong khu vực. Hàng năm, trung bình đất nước này trung chuyển 500 tấn vàng. Từ đây sẽ có số liệu vàng đi đến các nước lân cận Việt Nam như Thái Lan, Campuchia, Lào... là bao nhiêu.

Trong khi đó, các quốc gia này đến nay vẫn cho phép doanh nghiệp nhập vàng tự do, không ngăn cấm. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi Việt Nam không cho phép nhập vàng chính thức, nhưng nguồn vàng tiêu thụ của thị trường vẫn lớn? Tình trạng vàng lậu khó có thể kiểm soát, nhất là khi vàng trong nước hiện nay vẫn cao hơn giá thế giới, với độ “vênh” lên trên dưới 5 triệu đồng/lượng.

Nhưng nhập lậu vàng ở quy mô lớn hiện nay có lẽ phải kể đến Ấn Độ. Vì cách đây hai năm, Chính phủ Ấn Độ muốn hạn chế việc nhập khẩu vàng nên đã tăng thuế nhập khẩu vàng lên đến 10%. Với mức thuế suất cao, số lượng vàng nhập khẩu chính thức vào Ấn Độ đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, cũng chính vì điều đó đã dẫn đến tình trạng nhập lậu vàng vào Ấn Độ trong hai năm qua trở nên rất sôi động, khó có thể kiểm soát.

Nguyên tắc chung trên thị trường vàng thế giới là khi nào có chênh lệch khoảng 2% giữa giá vàng trong nước và quốc tế là có hiện tượng nhập lậu vàng. Ví dụ như việc tăng thuế nhập khẩu vàng lên 10% ở Ấn Độ trong khi thuế nhập khẩu vàng ở Thái Lan hiện nay bằng 0. Vì thế, hàng trăm tấn vàng nữ trang từ Thái Lan được xuất sang Ấn Độ theo tinh thần Hiệp ước tự do mậu dịch giữa hai bên. Ấn Độ thất thu về thuế nhập khẩu.

Trong trường hợp của Việt Nam, nếu chúng ta cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu bằng con đường chính thức thì chúng ta thu được một khoản thuế nhập khẩu không nhỏ.

Vì vậy, để hạn chế việc buôn lậu vàng thì ngoài các biện pháp hành chính, cần tăng nguồn cung bằng cách cho phép nhập khẩu nguyên liệu chính ngạch. Hoặc chúng ta cũng có thể huy động vàng từ trong dân để trước mắt phục vụ cho hoạt động chế tác vàng nữ trang và xa hơn nữa là đầu tư vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. 

Huy động vàng trở lại

Hàng trăm tấn vàng trong dân nên để các ngân hàng thương mại được quyền huy động giống như một sản phẩm tiền tệ và tự kiểm soát rủi ro dưới sự điều hành của NHNN. Vấn đề huy động vàng trong dân được nhắc đến trong Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Chính phủ.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khi các điều kiện thị trường thuận lợi.

Trước đây, có thời điểm người dân gửi vàng trong các ngân hàng thương mại lên tới 200 tấn và số lượng vàng được giữ ở nhà cũng tương đương. Thống kê của NHNN và Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho thấy, có khoảng 300 - 500 tấn vàng đang nằm trong dân.

Sau khi NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại ngừng huy động và cho vay bằng vàng (tháng 5/2011), rất nhiều ý kiến đề nghị huy động trở lại nguồn lực hàng trăm tấn vàng đang “nằm chết” để phục vụ cho tăng trưởng nền kinh tế.

Rất nhiều giải pháp huy động vàng trong dân từng được đề cập như lập sàn giao dịch vàng quốc gia, phát hành chứng chỉ huy động vàng hay trái phiếu bằng vàng. Việt Nam vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát nên người dân có thói quen mua vàng tích trữ dù không lời nhiều. Vì thế, cũng nên coi việc huy động vàng giống như huy động các loại ngoại tệ khác và giao cho ngân hàng thương mại kinh doanh như một sản phẩm tiền tệ.

Mục tiêu chống vàng hoá nền kinh tế là đúng đắn, nhưng cái cốt lõi là phải nâng cao được giá trị đồng nội tệ. Mặt khác, nhu cầu mua vàng để bảo tồn đồng vốn của người dân cũng là nhu cầu chính đáng. Để thực hiện được chủ trương chống “vàng hóa”, huy động được nguồn vốn này vào sản xuất, không nên hạn chế người dân gửi tiết kiệm vàng. 

Độc quyền, khó kiểm soát

Chênh lệch là do chúng ta đang theo một thương hiệu vàng miếng SJC duy nhất trong khi nguồn cung hạn chế. Những loại vàng miếng khác, vàng nữ trang nguyên liệu không chênh lệch nhiều với giá thế giới. Điều này xuất phát từ sự bất cân xứng trong cung cầu. Hiện nay, ngay cả đối với những ngân hàng, người dân đều muốn mua vàng SJC thay vì vàng thương hiệu khác, tạo ra nhu cầu ảo, gây chênh lệch.

Muốn rút ngắn chênh lệch, cách đơn giản nhất là cung phải đủ cầu, sản xuất đủ vàng SJC cung ứng ra thị trường. Độc quyền vàng hiện nay chỉ hy vọng là một giai đoạn trong quá trình quản lý, khi thị trường vàng đang có nhiều bát nháo và NHNN cần lập lại trật tự trong thị trường vàng. Nhưng về lâu dài, phải mở cửa lại từng phần, không thể kiểm soát 100% vì rất dễ nhập lậu dù có kiểm soát.

Cách đây 10 năm, cả nước có khoảng 6.000 đơn vị kinh doanh vàng còn khó kiểm soát, giờ con số này hơn 10.000 thì làm sao quản lý nổi! Câu chuyện này giống như quản lý USD, khách lạ không bán nhưng người quen mua bao nhiêu cũng được. Chưa kể USD khó làm giả, biến dạng nhưng với miếng vàng SJC, chỉ cần dùng đèn gò 5 phút là miếng vàng trở thành vàng cục, không thể kiểm soát được.

Quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 đã có những tác động tích cực đối với kinh tế vĩ mô và đối với lợi ích của đa số người dân có đầu tư vàng. Về kinh tế vĩ mô, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, không bị tác động tiêu cực bởi sự biến động của giá vàng. Về lợi ích của người dân, đa số người dân cũng như doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi trên nhiều phương diện từ sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Đồng thời, người đầu tư vàng sẽ giảm bớt thiệt hại khi tham gia đầu tư vào vàng như trước.

Tuy nhiên, sự can thiệp vào thị trường vàng hiện nay đã bị độc quyền quá lớn và toàn bộ đều do NHNN quản lý. Xuất, nhập khẩu vàng cũng gần như đóng cửa và việc có xuất, nhập hay không cũng không được công bố nên khó tránh được tình trạng vàng lậu vào thị trường khi giá thế giới thấp hơn trong nước. Kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực vào năm 2014, việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường hạn chế. Độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC khiến cho việc lưu thông vàng miếng thu hẹp dần.

Trước xu hướng vàng thế giới đang giảm mạnh hiện nay, giá vàng trong nước có giảm, nhưng tốc độ giảm không nhiều so với giá thế giới. Mua vàng, người dân cũng sẽ bị thiệt khi mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới còn khá cao, trên dưới 5 triệu đồng/lượng. Mua vàng trong lúc này cũng không biết chính sách về quản lý thị trường vàng trong thời gian tới sẽ ra sao nên người mua vàng cũng tỏ ra thận trọng.

Tin bài liên quan