Một số bất cập
Sản lượng khai thác vàng toàn cầu hàng năm chỉ tăng 1 - 1,5% trong khi khối lượng tiền đô la Mỹ (USD - đồng tiền mạnh và được sử dụng rộng rãi nhất thế giới) - tăng khoảng 3,5 - 4%, giúp giá vàng luôn tăng trong dài hạn so với USD. Nếu tính từ năm 1970, giá vàng được công bố là 35 USD/ounce, thì gần đây có lúc lên tới 3.500 USD/ounce (nghĩa là tăng 100 lần). Theo dự báo, sản lượng vàng của thế giới chỉ còn lại khoảng 20% và với tốc độ khai thác hiện tại sẽ cạn kiệt sau 17 năm nếu không tìm thêm được mỏ vàng mới. Như vậy, có thể dự đoán, giá vàng trong ngắn và trung hạn tuy phụ thuộc không nhỏ vào các biến động địa chính trị thế giới, nhưng về dài hạn vẫn sẽ luôn tăng.
Ở Việt Nam, trong vòng 13 năm qua, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng, nhưng nhập khẩu rất ít, số lượng vàng mua bán trên thị trường chủ yếu là vàng nhập khẩu phi chính thức (vàng khai thác tại Việt Nam không đáng kể). Nếu không kiểm soát nhập khẩu phi chính thức, chênh lệch giá vàng thế giới và Việt Nam không lớn. Nhưng nếu bị kiểm soát, dù chỉ mức độ nhất định, thì chênh lệch sẽ tăng đáng kể.
Nhiều công ty kinh doanh vàng bạc cũng mua vàng để sản xuất - kinh doanh dẫn đến tình trạng găm hàng đầu cơ chờ giá tăng và thao túng thị trường. Mặc dù dung lượng vàng ở thị trường Việt Nam không lớn, chỉ khoảng 4 - 5 tỷ USD/năm, kém xa so với các mặt hàng khác như xăng dầu, hàng tiêu dùng xa xỉ, nhưng yếu tố đầu cơ, thao túng, lũng đoạn rất lớn, do nguồn cung chính thức không được liên thông với thị trường thế giới.
![]() |
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế |
Việc thị trường làm được hãy để thị trường làm
Có một số lập luận cho rằng, không nên để các công ty kinh doanh vàng bạc được tự do nhập khẩu vàng như nhiều nước trên thế giới để tránh chảy máu ngoại tệ. Theo tôi, đây là một quan điểm sai lầm.
Thứ nhất, lượng ngoại tệ gọi là chảy máu của Việt Nam thể hiện trên cán cân thanh toán quốc tế trong những năm gần đây cao nhất là hơn 20 tỷ USD, còn phổ biến từ 12 - 15 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu vàng chỉ khoảng 4 tỷ USD, sau khi cộng thêm chênh lệch giá. Như vậy, phần chảy máu còn lại chủ yếu là các mặt hàng khác như rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Thứ hai, nếu nhập khẩu vàng thì không thể gọi là chảy máu ngoại tệ, vì bản thân vàng tự thân đã là một ngoại tệ và là một phần trong dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương.
Vì vậy, khi nhập khẩu vàng mà nói rằng chảy máu ngoại tệ là oan uổng. Ở tất cả các nước trên thế giới, vàng cho dù nằm trong kho của ngân hàng trung ương hay được để dành trong dân, chúng đều được coi là dự trữ quốc gia về vàng. Dự trữ vàng trong dân chúng là một nguồn quan trọng, có thể bổ sung nhanh cho dự trữ tập trung ở Ngân hàng Nhà nước, đồng thời giải quyết nhanh chóng những nhu cầu thiết yếu của dân khi cần thiết, ví dụ như bán vàng để giải quyết vấn đề cưới xin, xây nhà, chữa bệnh, học tập - điều mà dự trữ tập trung khó thực hiện kịp thời.
Thứ ba, trong nhiều phương tiện được lựa chọn để dự trữ như tiền gửi tiết kiệm, vàng và các ngoại tệ khác thì dự trữ vàng là ổn định nhất, bởi không bị mất giá theo thời gian như tiền. Ngay cả gửi tiết kiệm thì rủi ro lạm phát vẫn lớn, ví dụ như tiền gửi tiết kiệm một năm khoảng 5,5% thì lạm phát đã ăn mòn 3 - 4% và điều này cũng diễn ra ở Mỹ, chứ không riêng Việt Nam.
Tuy nhiên, dân chúng vẫn lựa chọn tiền gửi tiết kiệm vì những mục tiêu ngắn hạn và trung hạn, trong khi vẫn còn khả năng sinh lời. Mặc dù hiệu suất sinh lời không cao nhưng đó là một kênh của tiết kiệm ngoài vàng đối với người có thu nhập trung bình thấp.
Trong đời sống xã hội có 3 lĩnh vực quan trọng nhất: sản xuất, tiêu dùng và để dành. Ba lĩnh vực này không thể xem nhẹ vấn đề nào, bởi nếu sản xuất không có tiêu dùng thì sản xuất sẽ phải đóng cửa. Tiêu dùng mà “vung tay quá trán”, sản xuất cũng không thể tồn tại. Nếu không có tích luỹ thì rủi ro của sản xuất và tiêu dùng cũng rất lớn, thậm chí không còn cả đầu tư trong tương lai khi cần.
Thị trường vàng cần minh bạch, dễ dự đoán, thông suốt, chống độc quyền, chống lũng đoạn, không nên hình sự hoá và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Cho nên, quan điểm cho rằng vàng trong dân rất lớn cần phải xem xét có thật sự lớn hay không? Huy động vàng để đưa vào sản xuất cần phải tuân thủ nguyên tắc của thị trường. Vàng phải trở về kho trú ẩn khi lòng tin của dân chúng suy giảm có thể do bất ổn địa chính trị, bất ổn kinh tế vĩ mô, khủng hoảng thương mại…, nhưng đồng thời vàng cũng sẽ ra thị trường, đi vào sản xuất - kinh doanh nếu lòng tin tốt và điều này được thị trường điều tiết nhanh chóng, nhạy bén theo thời gian thực, mà không cần đến sự điều tiết của “bàn tay hữu hình”. Bởi lẽ, đây là vấn đề của thị trường, của lòng tin.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, việc gì thị trường làm được thì hãy để thị trường làm, Nhà nước chỉ tìm cách giảm thiểu những mặt trái của nó. Muốn vậy, phải làm cho thị trường trở nên minh bạch, dễ dự đoán và thông suốt, chống độc quyền, chống lũng đoạn, không nên hình sự hoá và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Mà công cụ này đều có sẵn trong tay Nhà nước, ví dụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, luật chống độc quyền, luật kế toán, kiểm toán, thuế…
Để quản lý tốt hơn thị trường vàng
Thị vàng Việt Nam đang vận hành theo cơ chế của Nghị định 24/2012/NĐ-CP với 2 đặc điểm cơ bản: Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng và độc quyền về nhãn hiệu vàng SJC.
Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã tồn tại 13 năm, trong khi môi trường đầu tư kinh doanh hiện khác xa so với trước đây, dẫn tới nhiều bất cập trên thị trường vàng. Từ vài năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình đề án sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP và gần đây nhất, cơ quan này đưa vào dự thảo những điểm sửa đổi theo định hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, đó là cho phép một số ngân hàng thương mại và công ty kinh doanh vàng bạc được nhập khẩu vàng khi đáp ứng đủ điều kiện.
Ví dụ, ngân hàng thương mại có vốn chủ sở hữu từ 50.000 tỷ đồng trở lên, công ty kinh doanh vàng bạc có vốn chủ sở hữu từ 1.000 tỷ đồng trở lên được phép nhập khẩu vàng. Theo đó, có khoảng 13 - 14 doanh nghiệp và ngân hàng được nhập khẩu vàng và Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp hạn mức nhập khẩu có thời hạn. Cơ chế này gần giống của Trung Quốc, với 13 đầu mối nhập khẩu vàng và các đầu mối này sẽ tổ chức thành sàn vàng giao dịch vật chất, đây là sàn bán sỉ vàng với giá được hình thành trên thị trường đấu giá công khai và mức giá tham chiếu là của thị trường thế giới.
Hình thức tổ chức sàn giao dịch vàng của Trung Quốc khá chặt chẽ, với những đặc điểm sau: một là, nhà nhập khẩu không được bán lẻ, đặc biệt là các ngân hàng thương mại; hai là, toàn bộ thông tin trên sàn được công khai và minh bạch; ba là, với sự tham gia của các ngân hàng thương mại, việc nhập khẩu vàng sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn, khối lượng lớn hơn vì các ngân hàng thường có vốn lớn, giàu kinh nghiệm thanh toán quốc tế cũng như kinh doanh trên thị trường hối đoái quốc tế; bốn là, sàn vàng tránh được tình trạng đầu cơ, lũng đoạn, hạn chế tối đa chênh lệch giá giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế.
Tôi cho rằng, trong điều kiện hiện tại, Việt Nam nên tổ chức vàng theo hình thức này. Trên cơ sở đó, về lâu dài có thể bỏ hạn ngạch nhập khẩu vàng, chuyển sang quản lý và giám sát bằng thuế cùng các hình thức quản lý, giám sát khác. Trong trường hợp chênh lệch giá giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế không còn lớn, tình trạng buôn lậu vàng sẽ tự động giảm sút về mức tối thiểu và thông qua sàn vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ quản lý tốt hơn thị trường vàng và lượng ngoại tệ dành để nhập khẩu vàng.
Đây cũng là nền tảng giúp các bộ, ngành khác quản lý nhập khẩu hàng hoá phi chính thức - vốn dẫn đến chảy máu ngoại tệ mà lâu nay vẫn đổ lỗi do vàng.