Vàng vững vị trí

Vàng vững vị trí

(ĐTCK-online) Trong khi việc đầu tư trên TTCK, bất động sản liên tục thăng trầm, có những thành công ồn ào ở thời kỳ cao điểm và những thất vọng nặng nề thời kỳ thua lỗ. Trong khi đó, vàng vẫn âm thầm củng cố vị trí của mình và dường như chưa bao giờ đầu tư vàng và sự phát triển của thị trường vàng lại mạnh như lúc này.

Đừng nhầm!


Trong mấy tuần gần đây, vàng đều đặn tăng giá mỗi ngày, trung bình tăng thêm trên dưới 10.000 đồng/chỉ. Đây là mức tăng khá mạnh nếu so với mức tăng trung bình từ đầu năm đến nay là khá thấp chỉ khoảng 5,9% cho cả 8 tháng. Cuối tuần quan, giá vàng phổ biến ở Hà Nội đều vượt quá mức 1,3 triệu đồng/chỉ. Cụ thể, vàng SIJ ở Hà Nội là 1,331-1,341 triệu đồng/chỉ; vàng Thăng Long 9999 của Bảo Tín Minh Châu 1,331-1,342 triệu đồng/chỉ. Với tốc độ này, nhiều người đang nghĩ tới việc vàng đang đều đặn và âm thầm tiến tới mức đỉnh trên 1,4 triệu/chỉ.

 

Điều đáng chú ý là mặc dù giá vàng tăng cao nhưng sức mua không hề giảm mà đang có dấu hiệu tăng thêm. Loại bỏ yếu tố “mùa vụ” đối với vàng trang sức phục vụ mùa cưới, thì mức tăng lên đáng kể chủ yếu tập trung vào vàng miếng. Hệ thống cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu cho biết, khách mua và bán vàng miếng đều tăng cao ở tất cả các bản vị từ nhỏ đến lớn, DN này đang chạy hết công suất dây chuyền đúc vàng miếng của mình.

 

Nếu như trước đây, người dân luôn đầu tư vào vàng với tâm niệm chủ yếu là tích trữ và an toàn tài chính nhưng nhờ sự tăng giá liên tục trong 2 năm gần đây, đầu tư vàng cũng có lãi không kém bất cứ hình thức đầu tư nào mà dường như nhà đầu tư không phải mất thời gian công sức tính toán. Một doanh nhân kinh doanh vàng có tiếng ở Hà Nội cho biết, mọi người đã từng nói đến chuyện bán vàng để “buôn” chứng khoán khiến cho lực thị trường vàng sụt giảm. Đừng nhầm! Chuyện đó có nhưng không nhiều. Mà ngược lại, khi người ta thắng chứng khoán thì mua vàng lại nhiều hơn. Thị trường vàng chưa bao giờ bị sụt giảm vì bị chứng khoán hút vốn.

 

Ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty Bảo Tín Minh Châu từng cho biết, có những người cho rằng, trên toàn hệ thống kinh doanh của ông trong 2 năm nay vẫn liên tục tăng trưởng doanh số bán vàng miếng kể cả lúc TTCK sôi động nhất. Đã có người bán vàng để chơi chứng khoán nhưng khi thị trường sụt giảm họ đã quay lại than thở vì vốn đọng trong chứng khoán quá lớn, mà vàng lại đang tăng giá. Có rất nhiều người ngâm vốn trong chứng khoán đang tìm cách rút dần ra để quay lại đầu tư vào vàng. Bằng kinh nghiệm của nhà kinh doanh trên thị trường vàng, ông Châu đã có lần khuyên, là người bình thường, có vốn ít và ít kiến thức thì đầu tư vào vàng là hợp lý nhất. Bạn không cần phải đầu cơ mà có tiền dôi dư là mua vàng tích trữ sẽ đảm bảo an toàn và có lãi. Điều này đang trở nên rất đúng với nhiều người và nhất là trong tình trạng chứng khoán sụt giảm, lạm phát tăng mà giá vàng vẫn lên đều. Đối với những người vốn nhỏ có được do tiết kiệm, kiến thức kinh doanh thiếu thì họ vẫn chọn vàng trước hết là để tích trữ và sau đó là đầu tư kiếm lời. Thói quen giữ vàng vẫn không có gì thay đổi trong tâm lý đa số người dân.

 

Đã đến lúc nâng cấp thị trường

 

Tin tưởng vào sự phát triển của thị trường vàng, các nhà kinh doanh lớn trên thị trường Việt Nam đang bước vào một giai đoạn đầu tư mạnh mẽ để tạo lập cơ sở hạ tầng cho thị trường vàng, nâng cấp thị trường lên một mức mới.

 

Mới đây, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã  mở chi nhánh và xưởng sản xuất vàng SJC tại miền Bắc. Năng lực của xưởng miền Bắc vào khoảng 5.000 lượng trong tổng số 20 ngàn lượng (750 kg) mà SJC sản xuất mỗi ngày.

 

Con số này hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu thị phần các tỉnh phía Bắc của SJC và tính cả tới việc mở rộng trong tương lai gần. Đặc biệt, với cơ sở sản xuất tại miền Bắc, SJC có thể đáp ứng ngay lập tức yêu cầu đột biến mà không cần nhiều thời gian để chuyên chở từ Nam ra Bắc như trước đây. SJC hiện chiếm khoảng 80% thị phần. Vì vậy, khả năng rút ngắn thời gian và sự chủ động của SJC trong cung cấp sẽ giúp giải quyết được ngay cơn sốt giá cục bộ và giúp SJC chủ động hơn trong kinh doanh trên thị trường miền Bắc.

 

Trong khi đó, DN sản xuất vàng miếng duy nhất ở phía Bắc là Bảo Tín Minh Châu cũng đang hoàn tất việc đầu tư xây dựng gần 2.000 m2 văn phòng và nhà xưởng để mở rộng kinh doanh. Trong đó, có việc nhập thêm dây chuyền dập vàng miếng, bên cạnh dây chuyền theo công nghệ đúc đang hoạt động hiện nay. Đồng thời, Bảo Tín Minh Châu đã thực hiện mở rộng và chuẩn hóa toàn bộ hệ thống đại lý của mình ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

 

Một diễn biến quan trọng khác có tác động đến sự ổn định trên thị trường vàng là việc ra đời các kho ngoại quan vàng. Đầu tháng 7, Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và SJC liên tiếp đưa vào hoạt động hai kho ngoại quan vàng tại Nội Bài - Hà Nội và Tân Sơn Nhất - TP.HCM. Theo tính toán, kho ngoại quan vàng hoạt động sẽ giúp DN sản xuất, kinh doanh vàng rút ngắn thời gian nhập khẩu vàng từ 2 - 5 ngày xuống còn 0,5 - 1 ngày. Ngoài ra, cước phí vận chuyển, bảo hiểm nhập khẩu vàng cũng giảm từ 1 - 1,1 USD/ounce xuống còn 0,6 - 0,7 USD/ounce (giảm 40%).

 

Vàng phục vụ giao dịch và tích trữ tài chính ở Việt Nam chủ yếu phải nhập khẩu. Trung bình mỗi năm nhập khoảng hơn 70 tấn/năm; năm 2006, tổng lượng vàng nhập khẩu lên đến 86 tấn, tăng 41% so với năm trước. Dự kiến trong năm nay, nhu cầu nhập khẩu vàng của DN trong nước khoảng 75 - 80 tấn. Tuy nhiên, từ nhập khẩu đến bán vàng miếng ra thị trường còn phụ thuộc và thời gian nhập khẩu và năng lực gia công vàng miếng của DN trong nước. Khi DN Việt Nam chưa có kho ngoại quan, Việt Nam luôn đối mặt với thiếu nguồn cung tạm thời do nhập khẩu không kịp.

 

Vì vậy, thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các DN đã giải quyết được phần nào vấn đề nguồn hàng, năng lực sản xuất... mà cuối cùng chính là "tốc độ" trong kinh doanh sẽ giúp tạo ra sự ổn định của thi trường vàng. Sự ổn định không chỉ có lợi cho nhà đầu tư mà có lợi cho cả DN.