VASEP sẽ bảo vệ DN thủy sản Việt Nam tới cùng

VASEP sẽ bảo vệ DN thủy sản Việt Nam tới cùng

(ĐTCK) Thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định nâng mức thuế chống bán phá giá đối các DN xuất khẩu cá tra với mức thuế cao nhất lên tới hơn 3,8 USD/kg khiến dư luận, đặc biệt là các DN sửng sốt.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sẽ sát cánh cùng các DN khiếu kiện tới cùng.

Phản ứng của DN

Lãnh đạo một DN xuất khẩu cá tra lớn sang thị trường Mỹ cho biết, đây là một quyết định rất vô lý và ảnh hưởng lớn đến DN xuất khẩu cá tra và những người nông dân nuôi cá. Tuy nhiên, trong lúc này, vì vẫn trong thời gian kháng kiện (35 ngày) và đây cũng chưa phải đây “barem” thuế cuối cùng, nên trước mắt, các DN sẽ cùng với VASEP nhóm họp để đưa ra quan điểm thống nhất.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT CTCP Gò Đàng (AGD) cho biết, ngoài thị trường EU, Mỹ là một thị trường xuất khẩu lớn đối với  các DN thủy sản Việt Nam. Đối với AGD, hiện EU vẫn là thị trường trọng điểm (chiếm 60%) và Mỹ chỉ chiếm khoảng 10%, nên về cơ bản việc áp thuế cao (nếu có) cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến Công ty, mặc dù trong kế hoạch phát triển của mình, từ giữa năm 2012, AGD nhắm đến việc mở thêm thị trường xuất khẩu tại Mỹ. Theo ông Đạo, quyết định của DOC là vậy, song vẫn có hướng mở và một năm lại điều chỉnh một lần.

VASEP sẽ bảo vệ DN thủy sản Việt Nam tới cùng ảnh 1

Việc DOC áp mức thuế cao vô lý sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hàng triệu người dân nuôi cá Việt Nam

“Cũng có thể năm thứ 8 bị áp thuế cao nhưng sang năm thứ 9, thuế lại hạ xuống”, ông Đạo nói và cho biết thêm, ở kết quả điều tra sơ bộ lần thứ 7 (POR7; giai đoạn điều tra 2009 - 2010) được công bố tháng 9/2012, Mỹ từng chọn Philippines làm nước thay thế để làm căn cứ tính thuế, tuy nhiên sau đó, Việt Nam đã phản ứng gay gắt nên họ đã chọn lại Bangladesh. Sang lần POR8 này, Mỹ đã thay đổi đối tượng điều tra là Indonesia , trong khi ngành sản xuất cá tra ở Indonesia hoàn toàn khác biệt. Về quy mô, cá tra nuôi ở Indonesia chỉ là một ngành sản xuất rất nhỏ, trong khi cá tra Việt Nam là ngành chủ lực của cả nước, nuôi với quy mô rộng lớn và có thể gọi là lớn nhất thế giới. Theo lãnh đạo AGD, trong trường hợp xấu nhất là mức thuế trên được DOC chính thức áp dụng, nhiều DN thủy sản sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu của mình. Mặc dù vậy, theo lãnh đạo AGD, ngoài thị trường Mỹ, thị trường xuất khẩu cá tra trên thế giới đối với Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng.

Một số DN trong diện chịu thuế cao như Vĩnh Hoàn, Việt An, Hùng Vương… dù chưa công khai quan điểm của mình, nhưng cũng rất bất bình với quyết định của DOC và sẽ cùng với VASEP có tiếng nói phản đối chung để tăng thêm sức nặng.

 

VASEP sẽ bảo vệ DN tới cùng

Trao đổi với ĐTCK, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, ngày 20/3, Hiệp hội sẽ tổ chức họp với các DN thủy sản để thống nhất phương án khiếu kiện DOC. VASEP rất bất bình trước việc DOC đột ngột thay đổi quốc gia thay thế của Việt Nam từ Bangladesh sang Indonesia, mặc dù trước đó chính DOC đã liên tục phản đối Indonesia làm nước thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào đối với cá tra Việt Nam, đồng thời VASEP phản đối mức thuế trong quyết định cuối cùng cho đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần 8 của DOC.

Trong khả năng của mình, thông qua các hoạt động pháp lý cần thiết, VASEP sẽ cùng với các DN cá tra Việt Nam yêu cầu DOC sửa đúng lại quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần 8 của vụ kiện theo luật pháp Hoa Kỳ cũng như các thỏa thuận của WTO. Cũng theo ông Hòe,  Hiệp hội đã có gợi ý đối với các DN xuất khẩu cá tra trong diện chịu thuế cần thuê các luật sư kiểm tra lại thông tin chính xác, cụ thể để hoàn thiện hồ sơ, bằng chứng kháng kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ.

Trong thông báo gửi Bộ Thương mại Mỹ, VASEP cũng nhấn mạnh, Hiệp hội yêu cầu DOC xem xét lại quyết định này sao cho đúng và hợp lý như tại quyết định sơ bộ xem xét hành chính đã thông báo ngày 12/9/2012. Nghĩa là DOC phải nhất quán trong việc sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế để tính giá trị đầu vào đối với cá tra Việt Nam như trước đây.