Vật cầu Kim Sơn, lễ hội hào sảng miền duyên hải

Vật cầu Kim Sơn, lễ hội hào sảng miền duyên hải

(ĐTCK) Kiến Thụy (Hải Phòng) từ lâu vốn được các nhà phong thủy thừa nhận là vùng đất “đẹp” cả về hình thế và vị trí. Nơi đây có núi, có đồi, có sông Đa Độ (con sông đẹp có tiếng, nơi cung cấp nước ngọt cho Hải Phòng), có cửa biển, giáp Đồ Sơn và hướng Đông, hướng Nam - hướng ra biển.
 

Nơi đây, vào mỗi độ Tết đến, Xuân về cũng có những lễ hội thật ý nghĩa vào hào sảng, đúng cái chất “ăn sóng, nói gió” của người duyên hải. Một trong những lễ hội từ ngàn xưa còn lưu truyền lại đó là Hội vật cầu Kim Sơn.

Tương truyền, vật cầu vốn là môn thể thao do tướng quân Phạm Ngũ Lão (đời Trần) đặt ra để rèn luyện quân sỹ. Sau khi chiến thắng quân Nguyên trở về, Phạm Ngũ Lão đã cùng quân sĩ dùng củ chuối hột làm quả cầu và chơi trò vật cầu để rèn luyện sức khỏe, sự nhanh nhẹn, dẻo dai. Và từ đó, dân làng lấy trò chơi này để đưa vào trò chơi đầu năm, đón Xuân mới. Lâu ngày trở thành lễ hội vật cầu truyền thống của Kim Sơn và thường tổ chức vào ngày mùng 6 Tết tại sân đình.

Ngay từ sáng ngày 30 Tết, nhân dân trong làng đã nô nức chuẩn bị làm cổng chào. Cổng chào được làm bằng tre quấn rơm và viết câu đối “Kiến như đại tân, anh hùng trần lực, vật ngã giai xuân” (tạm dịch: Ngày gặp gỡ lớn, toàn sức vật cầu, quyết giành phần thắng). Tối 30 Tết, cả làng ra đình làng để tế thành hoàng làng.

Trong làng có 24 dòng họ chính từ lâu đời, được chia làm 3 giáp: Giáp Đượng, giáp Nam và giáp Bắc, mỗi giáp 8 dòng họ. Mỗi giáp phải chọn cho giáp mình 6 người, trong đó có 1 ông làm tổng cờ mặc võ phục đầu chít khăn, chân quấn xà cạp, tay cầm cờ đuôi nheo chỉ huy giành giật cầu và 5 đô vật. Đô vật phải là những thanh niên khoẻ mạnh và chưa lập gia đình. Mỗi một giáp phải dựng 1 cổng chào biểu tượng cho giáp của mình (giáp áo đỏ, giáp áo vàng, giáp áo xanh)

Quả cầu được làm bằng củ chuối hột nặng 20 kg, củ chuối hột phải già và lâu năm và phải do ông trưởng làng đi tìm, đào mang về: đảm bảo tươi, nhẵn, trơn, cỡ bằng cái thúng khảo (đường kính 30 - 40cm). Quả cầu được bọc giấy hồng điều có gắn hình tứ linh: Long, Ly, Qui, Phượng. Sau khi trang trí xong thì được đặt trên mâm bồng trong kiệu để ở án thờ trong đình làng. Sới vật cầu trên sân đình có hình con nhạn bằng cát đen. Lỗ cầu cái đào ở giữa sân chính rốn con nhạn có đường kính khoảng 1 m, sâu chừng 0,7m, ba góc sân có 3 lỗ cầu quân nhỏ hơn.

Chiều mùng 5 Tết, người dân tổ chức tế Thành hoàng và tế quả cầu. Sáng mùng 6, từ sớm, người già trong làng đã tổ chức làm lễ rước cầu từ trong đình ra ngoài sân và ban lộc cho các giai vật cầu. Đúng giờ Thìn, người ta rước kiệu ra đình…

Quả cầu được đặt vào lỗ cái. Sau tiếng 'cắc' trống vang lên, cuộc vật bắt đầu. Vào cuộc, giai cầu nhảy xuống lỗ cầu cái tung lên, quả cầu tròn nhẵn lại rắn, nặng khó bấu khiến các đội tranh giành rất hào hứng. Có lúc cầu được cả 30 chục cánh tay dâng lên cao, khi lại lăn lông lốc kéo cả 15 giai cầu đổ xuống. Cả chục chàng trai lăn xả vào quả cầu tranh giành, mong đưa về được sân nhà. Nắng Xuân hanh vàng. Mưa Xuân lất phất. Quả cầu trơn đẫm nước, đẫm nhựa và tắm bùn. Còn các chàng trai thì nhễ nhại mồ hôi, cơ bắp nổi lên cuồn cuộn. Tất cả chìm trong tiếng trống thúc, tiếng người hò reo không ngớt...

Thi vật gồm 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Khi giáp nào thắng cuộc (đưa được nhiều số lần quả cầu về sân mình nhất), tiếng hò reo lại vang dậy như sấm. Kết hội, quả cầu được ném xuống hồ bán nguyệt trước cửa đình. Người dự hội thường ào xuống tranh giành lấy một miếng về ăn lấy "phước" của thần làng. Vật cầu Kim Sơn quả là một lễ hội đặc sắc, mỗi năm lôi cuốn hàng ngàn du khách vào cuộc vui.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan