Những nút thắt của gói 30.000 tỷ đồng tháo mãi vẫn chưa hết rối - Ảnh: Hoài Nam

Những nút thắt của gói 30.000 tỷ đồng tháo mãi vẫn chưa hết rối - Ảnh: Hoài Nam

Vay gói 30.000 tỷ đồng: Vẫn rộng cửa trên... giấy!

(ĐTCK) Những cơ chế mới đối với gói tín dụng hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ chắc chắn sẽ phải chờ đến hết năm nay mới tiếp tục triển khai được vì thiếu văn bản hướng dẫn, trong khi thời hạn kết thúc gói tín dụng này là 1/6/2016.

Lao động tự do cũng được vay

Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 07/2013/TT-BXD và Thông tư số 18/2013/TT-BXD về hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ do Bộ Xây dựng soạn thảo và đang gửi lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, DN và người dân, đối tượng vay vốn đã được mở thêm tương đối rộng.

Cụ thể, ngoài cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng thu nhập thấp vay vốn để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, thì cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng; cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức được vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình.

Đặc biệt, Dự thảo thông tư đã các định rõ đối tượng thu nhập thấp là người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, DN thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; người đã được nghỉ lao động theo chế độ quy định; người lao động tự do, kinh doanh cá thể.

Đối tượng được vay vốn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội (có nhà ở là căn hộ chung cư, nhưng diện tích thấp hơn 8 m2 sử dụng/người; có nhà ở riêng lẻ, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8 m2 sử dụng/người...); phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở. Trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó (có thể không liên tục) và có giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm. Trường hợp đối tượng làm việc tại chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại địa phương nơi có dự án mà việc đóng bảo hiểm thực hiện tại địa phương nơi công ty có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện thì cũng được áp dụng quy định tại điểm này nhưng phải có giấy xác nhận của công ty về việc đóng bảo hiểm. 

Phải có xác nhận

Cũng theo quy định tại Dự thảo Thông tư này, các đối tượng vay vẫn phải làm thủ tục xác nhận thực trạng nhà của chính quyền địa phương. Cụ thể, người đứng tên vay vốn hỗ trợ nhà ở thuộc các đối tượng: Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp; viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập; lực lượng vũ trang nhân dân phải có xác nhận của đơn vị đang công tác về nơi công tác và thực trạng về nhà ở và chỉ xác nhận một lần; đơn vị xác nhận phải chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận của mình, không yêu cầu xác nhận về điều kiện thu nhập.

Nhưng khó khăn hơn cả là quy định người đứng tên vay vốn hỗ trợ nhà ở thuộc các đối tượng: Người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, DN thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; người đã được nghỉ lao động theo chế độ quy định; người lao động tự do, kinh doanh cá thể phải có xác nhận của UBND phường (xã) nơi hộ gia đình đang sinh sống và đăng ký thường trú hoặc tạm trú về thực trạng nhà ở, người đứng tên vay vốn chỉ được xác nhận một lần và phải chịu trách nhiệm về nội dung khai báo của mình.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, cán bộ địa chính của một phường tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, thời gian qua việc xác nhận thực trạng nhà ở để vay vốn ưu đãi tại địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn do cán bộ thiếu và có quá nhiều việc phải làm, nên không thể xuống tận nơi xác minh.

Trong trường hợp xác minh theo lời khai của người vay thì lại không có căn cứ. Vị cán bộ này kiến nghị Bộ Xây dựng nên quy định, chính quyền địa phương chỉ xác nhận nơi cư trú của người đó, còn thực trạng nhà nên để cho phía ngân hàng kiểm tra trước khi cho vay thì tốt hơn.

Một điều đáng nói nữa là mặc dù tiến độ triển khai Nghị định 02 rất chậm và Chính phủ đã phải có nghị quyết sửa đổi từ tháng 8/2014, nhưng đến giữa tháng 10/2014, Bộ Xây dựng mới gửi văn bản lấy ý kiến người dân và kéo dài đến tận ngày 30/11/2014 mới kết thúc. Và nếu có hoàn thiện để ban hành một cách nhanh chóng thì sớm nhất cũng phải đầu năm 2015 thông tư này mới đi vào cuộc sống được.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản:

Phía Bắc: Anh Trọng Hiếu (0904.405.665).

Phía Nam: Anh Tăng Triển (0989.108.610). Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Phát hành

Hà Nội: 47 Quán Thánh, Ba Đình - ĐT: 04 38450537/Fax: 04 38235281
TP. HCM: 178 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3- ĐT: 08 39305311 - 08 39305316/Fax: 08 39305317 - 08 39305318

Tin bài liên quan