Chủ toạ điều hành Hội nghị

Chủ toạ điều hành Hội nghị

Vay vốn lãi suất thấp: Quyền lựa chọn của người đi vay theo cơ chế thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng nào cho vay lãi suất cao thì doanh nghiệp không “chơi” mà tìm ngân hàng có lãi suất thấp hơn để vay.

Doanh nghiệp vì sao không vay được vốn?

Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk do Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều ngày 20/10/2023, bà Trần Thị Lan Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, tỉnh Gia Lai cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ không có đủ nguồn vốn đảm bảo thu mua và điều tiết kế hoạch dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn cà phê tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn.

“Doanh nghiệp cần đảm bảo nguồn vốn để thu mua cà phê cho người nông dân để sản xuất và xuất khẩu cà phê ngay từ đầu niên vụ (1/10 năm nay đến 30/9 năm sau-PV), điều tiết hoạt động kinh doanh cũng như hỗ trợ người nông dân phát triển cà phê theo hướng bền vững”, bà Lan Anh nói.

Cũng theo bà Lan Anh, thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản là chủ yếu. Việc vay vốn bằng thế chấp tài sản đang khiến các doanh nghiệp chỉ được vay với số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu mua cà phê lại rất khẩn trương vì đây là một mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao.

“25 năm trong quan hệ tín dụng ngân hàng, Công ty TNHH Cà phê Vĩnh Hiệp luôn làm tốt vai trò và trách nhiệm trong việc vay vốn tín dụng nhưng đến nay vẫn không thấy sự thay đổi của điều kiện chính sách sản phẩm cấp tín dụng. Vẫn chỉ duy nhất một phương án có tài sản đảm bảo là bất động sản bổ sung thì tăng hạn mức, thật sự là không phù hợp với một doanh nghiệp hoạt động vay vốn sản xuất kinh doanh xuất khẩu”, bà Lan Anh nói.

Đại diện Công ty TNHH Cà phê Vĩnh Hiệp kiến nghị ngân hàng có chính sách cấp tín dụng theo từng ngành hàng, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu trong đó có cà phê. Ngân hàng xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn, dựa vào phương án sản xuất kinh doanh gồm: hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá, để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động về vốn…

Còn bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH JFT Việt Nam, tỉnh Lâm Đồng cho biết, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đang khó tiếp cận vốn tín dụng vì thực tế năng lực, khả năng tài chính, khả năng đảm bảo vay và trả nợ thấp... Hiện nay, có những doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được các điều kiện có thể trả nợ được. Doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vay nhưng lại rất ít khi yêu cầu được hưởng mức hỗ trợ lãi suất từ các chương trình/ gói tín dụng.

Nguyên nhân được bà Ngọc Trâm cho biết là doanh nghiệp sợ gặp phải một số rủi ro pháp lý. Cũng có thể có một số lý do khác như nếu thực hiện đủ các thủ tục để được vay vốn thì tính kịp thời không đáp ứng được, cơ hội kinh doanh đã đi qua. Hoặc là, sau khi “đo đếm thiệt hơn” từ công sức bỏ ra để làm thủ tục, thuyết phục ngân hàng cho vay; rồi chuyện hậu kiểm của ngành chức năng cho nên họ không muốn tiếp cận…

“Vướng mắc lớn nhất và chủ yếu là ở tài sản thế chấp cho khoản vay, bởi các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: nhà kính, nhà lưới chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp. Điều này gây khó khăn cho việc làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng và với đặc tính nhà kính trên dự án thì giá trị rất cao, nhưng khi tháo rời thì giá trị thấp nên nhiều ngân hàng không nhận làm tài sản thế chấp”, bà Ngọc Trâm nói.


Bà Vũ Thị Hưởng, Kế toán trưởng, Đại diện chi nhánh Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Công ty cà phê Đắk Uy, tỉnh Kon Tum

Bà Vũ Thị Hưởng, Kế toán trưởng, Đại diện chi nhánh Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Công ty cà phê Đắk Uy, tỉnh Kon Tum

Còn bà Vũ Thị Hưởng, Kế toán trưởng, Đại diện chi nhánh Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Công ty Cà phê Đắk Uy, tỉnh Kon Tum cho biết, năm 2019 thực hiện chỉ đạo của NHNN, cho vay tái canh cà phê chuyển sang áp dụng cơ chế vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55. Vì vậy, trong thời gian tới đề nghị NHNN tiếp tục đưa ra các chính sách ưu đãi lãi suất đối với chương trình tái canh cà phê, giúp Công ty có thể tiếp cận được nguồn vốn dài hạn với mức lãi suất thấp, đảm bảo cho Công ty hoàn thành tái canh vườn cây cà phê, cây cao su mang lại năng suất ổn định và đảm bảo nguồn vốn trả nợ Ngân hàng.

Ngân hàng vì sao không cho vay được?

Lý giải nguyên nhân vì sao không cho vạy được, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, do tình hình khó khăn chung, đặc biệt các thách thức trong xuất khẩu. Mặc dù cà phê tăng giá nhưng tổng sản lượng xuất khẩu cả nước trong 9 tháng giảm hơn 7,3% về lượng. Nguyên nhân sự lệch pha trong chu kỳ mùa vụ, sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp trong việc quy hoạch vùng sản xuất hay nỗ lực xúc tiến thương mại còn đối mặt nhiều khó khăn.

Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

“Tài sản bảo đảm trong cho vay nông nghiệp nông thôn là đất nông nghiệp… có giá trị không cao, tính thanh khoản còn hạn chế là vấn đề. Đối với tài sản bảo đảm là hàng tồn kho, khoản phải thu khó quản lý và dễ dẫn đến tình trạng trùng lắp tài sản bảo đảm được thế chấp tại nhiều TCTD”, ông Trần Phương nói.

Còn bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cây công nghiệp lâu năm. Ví dụ như cây cà phê 3 năm, cao su 10 năm mới thu hoạch, ngoài cơ chế chính sách là Nghị định 55, Agribank phân loại khách hàng cho vay không có tài sản bảo đảm, xác định giá trị hình thành cây lâu năm là khó khăn…

Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN nhận định có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên không mở rộng sản xuất kinh doanh, sản xuất cầm chừng. Doanh nghiệp nói không tiếp cận được vốn. Ngân hàng thì nói mỏi mắt không tìm được doanh nghiệp tốt.

“Những doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn thì ngân hàng phải cho vay nhưng ngân hàng không thể cho vay đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện vay. Đây là câu chuyện của thị trường. Còn ngân hàng nào cho vay lãi suất cao thì doanh nghiệp không “chơi” mà tìm ngân hàng có lãi suất thấp hơn để vay”, ông Tú nói.

Cũng theo ông Tú, hiện cả nước có hơn 100 ngân hàng lớn nhỏ, chưa kể các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, quỹ tín dụng… Không có lý do gì không vay được các ngân hàng có lãi suất thấp mà cứ phụ thuộc vào một ngân hàng. Đây là quyền lựa chọn của người đi vay theo cơ chế thị trường. Nếu không có doanh nghiệp thì ngân hàng sống với ai? Ngân hàng cần doanh nghiệp. Doanh nghiệp khỏe, làm có lãi thì mới trả nợ được cho ngân hàng.

Ông Tú cho rằng, tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản, trong khi giá bất động sản đang xuống như hiện nay thì rất ảnh hưởng đến ngân hàng. Ví dụ, một tài sản được đánh giá trước đây là 10 tỷ đồng nay xuống 8 tỷ đồng thì hạn mức cho vay cũng sẽ bị giảm, rồi đồng thời lại đúng thời điểm mùa vụ thì: “quả là đánh đố doanh nghiệp. Theo đó, các ngân hàng cũng phải chung tay để hỗ trợ doanh nghiệp và ngân hàng cũng phải quán xuyến cho vay an toàn chứ không thể cho vay bạt mạng”, ông Tú nhấn mạnh.

Khẳng định, việc ngân hàng cho vay hay không cho vay do ban lãnh đạo quyết định nhưng nếu động cơ trong sáng sẽ không hình sự hoá, còn lại, nếu móc nối với nhau lấy tiền thay vì trồng cà phê mà mang đầu tư bất động sản rồi bị lỗ không trả nợ được thì cả đôi bên cùng phải chấp nhận đối mặt với luật pháp. Nếu sợ rủi ro mà co lại thì sẽ khó cho cả hai bên. Một dự án cho vay phải đủ thủ tục pháp lý. Không thể cho vay dự án chưa đủ thủ tục đề phòng sau này mất vốn.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN phát biểu tại Hội nghị

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN phát biểu tại Hội nghị

“Doanh nghiệp có thể lỗ, nhưng ngân hàng mà lỗ thì hệ luỵ dẫn đến ngân hàng sụp mà đã sụp thì kéo theo hệ thống và ảnh hưởng tới cả người gửi tiền”, ông Tú nói.

Ông Tú thừa nhận: “Tôi thấy tiếc đề án tái canh cây cà phê 12.000 tỷ đồng nguồn tái cấp vốn mà mới chỉ thực hiện được 1.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng. Thực ra, cũng có cái khó là tái canh cần ít nhất 3 năm không có nguồn thu chờ cây lớn, rồi phân bón, giống. Dù chương trình này giờ đã chuyển sang các cơ chế cho vay hỗ trợ tam nông khác nhưng tôi cho rằng, các ngân hàng phải chủ động nghiên cứu nhằm phát triển ngành lĩnh vực này”, ông Tú nói.

Tin bài liên quan