Từ bước đệm 2024
HDBank cho biết, trong năm 2024, công ty con HD SAISON đạt 1.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 83,9% so với năm 2023. Năm nay, trước triển vọng thị trường tích cực, HD SAISON đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.500 tỷ đồng.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với mức thực hiện trong năm 2024 của VPBank, mục tiêu lợi nhuận của công ty con FE CREDIT được đặt ra là 1.126 tỷ đồng, tăng đến 120% so với năm ngoái.
Theo bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc thường trực VPBank, 2025 là năm có nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế nói chung và thị trường cho vay tiêu dùng nói riêng. Điều này tạo cơ hội cho FE CREDIT bứt tốc trở lại, với mục tiêu tăng trưởng cho vay khoảng 15% trong năm nay.
“Hiện tại, thị phần và vị thế của FE CREDIT không có gì thay đổi. Chúng tôi tự tin vào chu kỳ tăng trưởng mới của Công ty”, bà Thảo nói.
Một chuyên gia phân tích nhận định, dư địa của thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn khá lớn, khi các công ty tài chính tiêu dùng trong nước mới đáp ứng hơn 10% nhu cầu của người dân. Tỷ lệ này còn thấp hơn đáng kể so với một số thị trường trong khu vực như Hàn Quốc, với 40%; Hồng Kông (Trung Quốc), với 20%...
Với Home Credit Việt Nam, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, tổng dư nợ tín dụng của Công ty tại thời điểm cuối năm 2024 tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023 nhờ đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân.
Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh xuống 1,76%, tính đến cuối năm 2024, từ mức 2,49% của năm 2023 và thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của các công ty tài chính tiêu dùng trên thị trường.
Đáng chú ý, năm qua, Home Credit ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.290 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2023, chỉ sau 1 năm thuộc về Ngân hàng Siam Commercial Bank (SCB) của Thái Lan.
Trước đó, ngày 28/2/2023, SCB X đã thông báo về việc thông qua công ty con là Ngân hàng SCB mua lại Home Credit Việt Nam với số tiền 31 tỷ baht (khoảng 910 triệu USD).
Hiện nhà băng này chưa hé lộ kế hoạch kinh doanh năm 2025, song với kết quả đạt được năm qua và chủ trương đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, việc Home Credit Việt Nam đặt tham vọng lợi nhuận cao cũng là dễ hiểu.
Năm nay, EVNFinance đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 960 tỷ đồng, tổng tài sản dự kiến đạt 80.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Năm 2024, công ty tài chính tiêu dùng này ghi nhận 704 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng hơn 70% so với năm 2023, giữ vững vị trí Top 3 về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, cho thấy sự hiệu quả trong mô hình kinh doanh giữa ngân hàng và tổ chức tài chính tiêu dùng.
Tại VietCredit, sau năm 2024 lỗ kỷ lục, doanh nghiệp này không chỉ đặt mục tiêu thoát lỗ trong năm 2025, mà còn là mức lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động, ở mức 300 tỷ đồng.
VietCredit cho biết, năm 2025 đánh dấu cột mốc chuyển mình mạnh mẽ của Công ty. VietCredit đặt mục tiêu chiếm lĩnh 20% thị phần tài chính tiêu dùng trong nước trong 5 năm tới. Tổng tài sản ước đạt 12,506 tỷ đồng vào cuối năm 2025, tăng hơn 53% so với đầu năm.
Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng dự kiến tăng hơn 87% so với cuối năm 2024, đạt gần 11.791 tỷ đồng và tổng nguồn vốn huy động tăng hơn 56%, đạt 10.976 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng lên 8,5%, từ mức 5,02% cuối năm 2024.
Tham vọng lãi cao trong 2025
Kết thúc quý I/2025, HD SAISON tiếp tục duy trì vị thế tốp đầu về lợi nhuận trong nhóm công ty tài chính, với 306 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận quý đầu năm tích cực nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Với FE CREDIT, báo cáo tài chính quý I/2025 của VPBank cho thấy, trong kỳ, công ty tài chính tiêu dùng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 79 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ 853 tỷ đồng. FE CREDIT bắt đầu có lợi nhuận dương trở lại từ quý II/2024 với mức lãi trên 145 tỷ đồng, quý III và IV/2024 lãi lần lượt 270 tỷ đồng và 949 tỷ đồng.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng là khả năng thu hồi nợ.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro của FE CREDIT trong quý I/2025 tăng 33,5% so với cùng kỳ, đạt 3.184 tỷ đồng, cao hơn chi phí dự phòng trong kỳ (3.105 tỷ đồng).
Các chỉ số về kinh doanh trong quý đầu năm cải thiện rõ nét: Doanh thu ở mức 3.878 tỷ đồng, tăng 8,08% và tăng trội hơn so với mức tăng chi phí lãi (3,5%) từ 824 tỷ đồng lên 853 tỷ đồng, giúp thu nhập lãi thuần tăng 9,4% lên 3.025 tỷ đồng.
Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi tăng 1,91 lần so với cùng kỳ, lên 1.023 tỷ đồng; trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 728 tỷ đồng, tăng gần 1,6 lần; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác đạt 296 tỷ đồng, tăng 3,8 lần.
Tính đến cuối tháng 3/2025, FE CREDIT ghi nhận tổng tài sản ở mức 68.347 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm và tương đương gần 7% tổng tài sản của VPBank hợp nhất; vốn điều lệ ở mức 10.928 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng 1,37% so với cùng kỳ, ở mức 57.588 tỷ đồng.
Tại EVNFinance, kết thúc quý I/2025, Công ty đạt lợi nhuận trước thuế 306 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, EVNFinance đã hoàn thành 32% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trên thị trường hiện có 16 công ty tài chính tiêu dùng đang hoạt động, dư nợ ước đạt khoảng 160.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2024. Trong đó, FE CREDIT dẫn đầu thị trường khi chiếm lĩnh hơn 30% thị phần.
FE CREDIT từng đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn 2022 - 2023 do cầu tín dụng xuống thấp, áp lực trích lập dự phòng tăng cao bởi nợ xấu tăng nhanh khi thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh..., trước khi khởi sắc trở lại trong năm 2024 với chiến lược tái cấu trúc mô hình kinh doanh.
Cụ thể, FE CREDIT đã rà soát, cải tiến thiết kế sản phẩm, quy trình thẩm định tín dụng, kênh bán hàng, chính sách tín dụng và thu hồi nợ. VPBank cho biết, khoảng 70% danh mục cho vay của FE CREDIT đã được tái cơ cấu (đáo hạn và thay bằng khách hàng mới có hồ sơ rủi ro tốt hơn).
Các nhà phân tích nhận định, FE CREDIT sẽ duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2025 trên cơ sở tăng trưởng GDP mục tiêu từ 8% với chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng, tạo điều kiện tăng việc làm và thu nhập của người lao động.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp, hỗ trợ nhu cầu vay tiêu dùng nói chung, tạo điều kiện cho Công ty mở rộng thị phần.
Thực tế, một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng là khả năng thu hồi nợ.
Việc tích hợp định danh điện tử đang hỗ trợ rất lớn cho các công ty tài chính tiêu dùng trong việc chấm điểm tín dụng của khách hàng cá nhân, góp phần đánh giá rủi ro khách hàng và nâng cao ý thức trả nợ của người vay.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Shinhanbank nhận định, triển vọng thị trường tài chính tiêu dùng khả quan trong năm 2025 nhờ sự hỗ trợ về chính sách với Thông tư 12/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, trong đó có quy định về cho vay giá trị nhỏ.
Cụ thể, các khoản vay có giá trị không vượt quá 100 triệu đồng thì không cần phương án sử dụng vốn khả thi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, tín dụng tài chính tiêu dùng sẽ tăng tích cực trong năm 2025 nhờ sự phục hồi của nền kinh tế, cũng như quy định mới tại Thông tư 12/2024/TT-NHNN.