VBF: Dư địa hợp tác, đầu tư kinh tế số rất rộng mở

VBF: Dư địa hợp tác, đầu tư kinh tế số rất rộng mở

0:00 / 0:00
0:00
Ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ coi Việt Nam là điểm đến đầu tư tiếp theo, vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ thông tin đạt 4 tỷ USD cho 2.355 dự án trong năm 2021.

Đây là những thông tin, nhận định được nêu lên tại Phiên kỹ thuật Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) diễn ra chiều 18/2.

Trình bày báo cáo của Nhóm công tác Kinh tế số, ông Bruno Sivanandan, Đại diện Nhóm công tác cho biết, đại dịch Covid-19 làm thay đổi hành vi xã hội và tàn phá nền kinh tế toàn cầu, nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội mới cho một số ngành nhất định.

Trong khi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh trực tiếp và tại chỗ gặp nhiều khó khăn trong đại dịch, những ngành nghề dựa trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông như giải pháp họp trực tuyến, thương mại điện tử, dịch vụ phát trực tuyến, dịch vụ giao nhận đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ.

Ông Bruno Sivanandan đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong khu vực Đông Nam Á. Với quy mô 19 tỷ USD năm 2019, nền kinh tế Internet của Việt Nam có bước phát triển mạnh nhất trong khu vực. Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực CNTT vào Việt Nam ngày càng tăng. Đặc biệt, ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ coi Việt Nam là điểm đến đầu tư tiếp theo. Vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực CNTT đạt 4 tỷ USD cho 2.355 dự án trong năm 2021, đứng thứ 10 về quy mô đầu tư và vẫn tiếp tục tăng. “Với xu hướng này, Việt Nam có cơ hội phát triển nền kinh tế số và phát triển phần mềm”, ông nhận định.

Theo vị đại diện nhóm công tác, Chính phủ và chính sách tại mỗi quốc gia sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng áp dụng công nghệ để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.

“Chúng tôi đánh giá cao việc Thủ tướng Phạm Minh Chính coi chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh đối mặt với “thách thức kép” - vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa chủ động thích ứng với các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, ông nói.

Đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao khả năng thích ứng và tốc độ phát triển của nền kinh tế số Việt Nam, ông Bruno Sivanandan cho rằng, Chính phủ cần tiên phong trong chuyển đổi số, khuyến khích quá trình thay đổi.

Để phục hồi mang tính bền vững, Nhóm công tác khuyến nghị Chính phủ ban hành các “chính sách ưu tiên đám mây” để định hướng và khuyến khích áp dụng các mô hình và công nghệ điện toán đám mây trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác, từ đó nâng cao tính minh bạch, cung cấp các dịch vụ sáng tạo hơn cho người dân và giảm chi phí công nghệ thông tin cho khu vực công.

Về khung pháp lý, nhóm công tác cho rằng, khung pháp lý hiện tại chưa đảm bảo sự ổn định và phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của tiến bộ công nghệ.

“Trong khi công nghệ thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia, thì Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Công nghệ thông tin lại rất mang tính lãnh thổ. Khung pháp lý tại Việt Nam vẫn còn chậm trễ trong việc điều chỉnh các vấn đề liên quan đến công nghệ”, vị đại diện nhóm công tác nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến An ninh mạng và Bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện tại vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Việt Nam chưa ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng mặc dù luật đã được thông qua từ 3 năm trước. Ngoài ra, khung chế tài xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp vi phạm hoặc không tuân thủ luật cũng chưa được xác định cụ thể.

Cùng với khung pháp lý, ông Bruno Sivanandan cho rằng, Việt Nam cần khuyến khích đổi mới không gian số thông qua hệ thống thuế. Ví dụ, Việt Nam đã đạt được thành công lớn trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm thông qua áp dụng thuế VAT 0% đối với phần mềm xuất khẩu.

Ngoài ra, Nhóm công tác Kinh tế số cũng khuyến nghị một số biện pháp liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng, phát triển nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam, mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp, coi đó là chìa khóa để xây dựng vị thế dẫn đầu về công nghệ, thúc đẩy chia sẻ hạ tầng và hợp tác trong nền kinh tế số, tham gia các hiệp định kinh tế số…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc (Ảnh: Đức Thanh)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc (Ảnh: Đức Thanh)

Phản hồi các ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến chuyển đổi số trong doanh nghiệp và Chính phủ.

Liên quan đến thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, bà Ngọc cho hay, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện nhiều năm qua và đặc biệt chú trọng trong vài năm gần đây. Bộ cũng đang xây dựng chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong các hợp tác xã, hộ kinh doanh…, thúc đẩy hệ sinh thái chuyển đổi số thông qua mạng lưới đối tác.

“Có thể nhận định rằng, dư địa hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực kinh tế số thời gian tới là rất rộng mở”, bà Ngọc khẳng định.

Tin bài liên quan