VCB “bốc đầu” test lại đỉnh cũ kéo VN-Index tăng hơn 11 điểm

VCB “bốc đầu” test lại đỉnh cũ kéo VN-Index tăng hơn 11 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu lớn VCB "bốc đầu" ghi nhận mức tăng tốt nhất từ đầu năm, đã lan rộng ra thị trường giúp VN-Index tăng vọt và tiến gần vùng đỉnh 1.140 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu thép đã đồng loạt nổi sóng lớn.

Phiên giao dịch sáng diễn ra khá giằng co khi VN-Index liên tục đổi sắc và vượt qua dự báo của giới phân tích về xu hướng test lại ngưỡng hỗ trợ 1.120 điểm, chỉ số chung đã may mắn hồi phục sắc xanh nhờ sự hỗ trợ khá tích cực của một số mã lớn.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau ít phút mở cửa, chỉ số VN-Index lùi nhẹ về mốc xuất phát để lấy đà cho cú bật cao đầy bất ngờ sau đó. Lực cầu tăng mạnh và hướng đến nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là pha “bốc đầu” của anh cả VCB đã lan rộng ra toàn thị trường, tiếp sức cho cú bật nảy của thị trường.

Cổ phiếu lớn VCB đã tăng thẳng đứng và đóng cửa với biên độ tăng lớn nhất kể từ đầu năm, đạt 4,3% và test lại vùng đỉnh cũ tại mức giá 105.000 đồng/CP. Mức đỉnh lịch sử này của VCB vừa mới được xác lập vào phiên 16/6, giúp vốn hóa của Vietcombank đạt gần 500.000 tỷ đồng, vượt xa các ngân hàng khác.

Đồng thời, thanh khoản của VCB cũng sôi động với hơn 1,05 triệu đơn vị, là mức giao dịch cao nhất trong 10 phiên giao dịch gần đây của cổ phiếu này (mức trung bình trong khoảng 10 phiên đạt 0,75 triệu đơn vị).

Với sự dẫn dắt của anh cả VCB, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng cũng đã bứt tốc trong phiên chiều, ngoại trừ TPB giảm nhẹ 0,82% và TCB đứng giá tham chiếu.

Trong đó, cặp đôi SHB và LPB với thông tin chốt danh sách cổ đông chuẩn bị chia cổ tức đã tăng tương ứng 3,4% và 3,9%, đều đóng cửa ở vùng giá cao nhất trong nửa đầu năm. Thanh khoản của SHB và LPB cũng sôi động nhất dòng bank với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 24,4 triệu đơn vị và 13,4 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu trụ cột bank đã đóng vai trò hỗ trợ chính giúp VN-Index tăng vọt và đóng cửa ở vùng đỉnh của ngày, một lần nữa tiệm cận vùng đỉnh của năm 1.140 điểm.

Chốt phiên, sàn HOSE có 267 mã tăng và 133 mã giảm, VN-Index tăng 11,85 điểm (+1,05%) lên 1.138,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 798,4 triệu đơn vị, giá trị 16.601,62 tỷ đồng, tăng 13,32% về khối lượng và 11,3% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 84,57 triệu đơn vị, giá trị 2.345,23 tỷ đồng.

Xét về vốn hóa, bên cạnh VCB, cổ phiếu cũng hồi phục và tăng tốc mạnh trong phiên chiều có MWG khi đóng cửa tăng 5,3% lên mức giá cao nhất ngày 45.500 đồng/CP, thanh khoản cũng bùng nổ với hơn 7,35 triệu đơn vị.

Chính là đà tăng mạnh của MWG đã giúp nhóm cổ phiếu bán lẻ trở lại vị trí dẫn đầu thị trường khi có thêm DGW tăng kịch trần, xác lập đỉnh lịch sử trong năm 2023 khi đóng cửa tại mức giá 46.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 3,82 triệu đơn vị; PET tăng 4,8%...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn giữ mức tăng tốt nhờ sự dẫn dắt của VHC tăng 3,5%; các mã khác như FMC, CMX, IDI đều tăng hơn 2%, còn ANV, ACL, AAM nhích nhẹ.

Đáng chú ý là pha quay xe khá ngoạn mục của nhóm cổ phiếu thép khi đồng loạt tìm đến mức giá cao nhất ngày. Cụ thể, HPG tăng 1,7% và lập đỉnh mới trong năm tại mức giá 27.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 22,57 triệu đơn vị; HSG tăng 4,9% lên 17.200 đồng/CP và khớp 22,49 triệu đơn vị, NKG tăng 5,1% lên 18.400 đồng/CP và khớp hơn 15,17 triệu đơn vị.

Các mã trong ngành ở top sau cũng đảo chiều tăng mạnh ở vùng đỉnh trong ngày như TLH tăng 4,7%, POM tăng 5,2%, SMC tăng 3,4%.

Nhóm chứng khoán may mắn tăng nhẹ với sắc xanh chiếm áp đảo trong ngành, tuy nhiên VND vẫn chưa hồi phục dù biên độ đã thu hẹp đáng kể, kết phiên giảm 1,9% xuống mức 17.700 đồng/CP. Thanh khoản của VND vẫn dẫn đầu toàn thị trường với hơn 49,68 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, VIX đã đảo chiều khởi sắc và đóng cửa tăng 1,3% lên mức 11.350 đồng/CP và thanh khoản thuộc top 3 dẫn đầu thị trường với hơn 24,65 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên sàn HNX, dù giao dịch khá rung lắc quanh mốc tham chiếu nhưng diễn biến thị trường cũng khởi sắc hơn và kết phiên ở mức cao nhất ngày.

Cụ thể, với 102 mã tăng và 61 mã giảm, đóng cửa chỉ số HNX-Index tăng 0,74 điểm (+0,33%) lên 225,82 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 81,14 triệu đơn vị, giá trị 1.361,42 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,38 triệu đơn vị, giá trị hơn 131 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng khởi sắc với SHS tìm lại sắc xanh và đóng cửa tăng nhẹ 0,7%, thanh khoản tiếp tục dẫn đầu thị trường với 17,14 triệu đơn vị khớp lệnh. Cổ phiếu MBS cũng tăng nhẹ 0,5%, BVS tăng khá tốt đạt 3,3%, VIG tăng 1,3%...

Ở nhóm cổ phiếu thép, VGS cũng ghi nhận mức tăng tốt khi đóng cửa tăng 4,5% lên mức 18.600 đồng/CP, với thanh khoản đạt 1,12 triệu đơn vị.

Bộ 3 cổ phiếu nhà apec cũng đều hồi phục với mức tăng đạt trên dưới 1,5%, trong đó IDJ có thanh khoản hơn 4,37 triệu đơn vị, còn API và APS cùng khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Trái lại, cổ phiếu CEO vẫn giảm 3,9% và đóng cửa ở mức giá thấp trong ngày 22.200 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua SHS với hơn 11 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UPCoM, thị trường không có nhiều biến động trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,42 điểm (-0,5%), xuống 84,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,9 triệu đơn vị, giá trị 652,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,1 triệu đơn vị, giá trị 62,43 tỷ đồng.

Một trong những điểm sáng của ngành thép là TVN. Cổ phiếu TVN đã có màn bứt tốc ngoạn mục dù thông tin doanh nghiệp không mấy khả quan. Đóng cửa, TVN tăng 14,5% lên mức giá trần 7.100 đồng/CP, đây cũng là mức đỉnh trong khoảng 1 năm qua của cổ phiếu này. Đồng thời, TVN cũng giao dịch bùng nổ khi có tới 2,36 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công và còn dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.

Cổ phiếu BSR đã lấy lại vị trí dẫn đầu thanh khoản của thị trường với hơn 5,78 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa tăng nhẹ 0,6% lên mức 17.500 đồng/CP.

Tiếp theo là C4G khớp 3,24 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,4% lên mức giá cao nhất trong ngày 14.200 đồng/CP.

Trong khi đó, BII vẫn đứng ở mức giá sàn 1.100 đồng/CP và thanh khoản không mấy thay đổi so với phiên sáng khi đạt hơn 2,94 triệu đơn vị, dư bán sàn 0,56 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng điểm, với VN30F2307 tăng 9 điểm, tương đương +0,8% lên 1.125 điểm, khớp lệnh hơn 152.030 đơn vị, khối lượng mở hơn 62.540 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CSTB2307 giao dịch sôi động nhất với hơn 1,2 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng nhẹ 1,6% lên 640 đồng/cq, theo sau là CSTB2306 với 1,09 triệu đơn vị, kết phiên giảm 6,5% xuống 2.580 đồng/cq.

Tin bài liên quan