Việc khai thác, kinh doanh không gian và quỹ đất ven sông Sài Gòn sẽ tạo ra nguồn lực kinh tế lớn. Ảnh: Lê Toàn

Việc khai thác, kinh doanh không gian và quỹ đất ven sông Sài Gòn sẽ tạo ra nguồn lực kinh tế lớn. Ảnh: Lê Toàn

Vẽ lại đôi bờ sông Sài Gòn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiềm năng sông Sài Gòn mang lại cho TP.HCM là rất lớn, nhưng chưa được khai thác hiệu quả và để làm được điều đó, nhiều chuyên gia cho rằng, trước tiên cần phải điều chỉnh lại quy hoạch chung.

Tiềm năng đường ven sông Sài Gòn

Chủ trương sử dụng quỹ đất ven sông Sài Gòn là sự trăn trở trong nhiều năm của lãnh đạo TP.HCM cũng như giới chuyên gia về quy hoạch kiến trúc. Trong đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020-2045” vừa được UBND TP.HCM phê duyệt, một trong những mục tiêu mà Thành phố đề ra là phát triển hành lang sông Sài Gòn và kênh rạch nội thành nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tạo nét đặc trưng độc đáo của đô thị, sức cuốn hút và tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ cho TP.HCM và vùng thành phố sáng tạo.

TP.HCM chia sông Sài Gòn ra 2 vùng, gồm vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long (quận 12) và vùng trung - hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ (ngã ba sông Sài Gòn - sông Soài Rạp). Định hướng của Thành phố là sẽ từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông Sài Gòn, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế, dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh.

Theo UBND TP.HCM, lộ trình từ nay đến năm 2025, Thành phố sẽ triển khai chương trình hành động cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn - khu vực trung tâm Thành phố gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ; ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước và từ 2025-2045, triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp với hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí, đồng thời hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch tại khu vực dọc sông…

Được biết, dự án đại lộ ven sông Sài Gòn được “thai nghén” từ năm 2017 do Tập đoàn Tuần Châu đề xuất ý tưởng và nghiên cứu, trước khi được chuyển giao cho Tập đoàn Đèo Cả vào tháng 5/2020. Tại thời điểm đó, ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu cho biết, ý tưởng xây dựng dự án đại lộ ven sông Sài Gòn được ông cùng các cộng sự dày công nghiên cứu trong thời gian dài và được các chuyên gia kinh tế đánh giá sẽ tạo nên sự đột phá về hạ tầng tại TP.HCM.

Theo thiết kế, tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn có chiều dài khoảng 64 km, nối từ cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) dọc theo sông Sài Gòn đi về điểm cuối là ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Bình Thạnh, quận 1. Tập đoàn Tuần Châu cam kết trong vòng 24 tháng sẽ hoàn thành, bởi dự án đã được các ngân hàng, các nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng cam kết tài trợ vốn và nguyên vật liệu với giá trị cam kết hơn 30.000 tỷ đồng.

Để có được bản thiết kế này, Tập đoàn Tuần Châu đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để khảo sát, thuê đơn vị thiết kế. Khi đó, dự kiến tổng kinh phí đầu tư dự án vào khoảng 2,5 tỷ USD. Khi hoàn thành, người dân TP.HCM chỉ mất khoảng 25-30 phút đi từ Củ Chi về quận 1.

Ngoài rút ngắn thời gian đi lại, tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ thúc đẩy phát triển vùng đất đầy tiềm năng ở khu Tây Bắc TP.HCM, giúp giãn hơn 1 triệu dân từ vùng trũng hay bị ngập úng này lên một vùng đất cao hơn, hình thành các khu đô thị mới văn minh, hiện đại trong tương lai, kết nối giao thông thuận tiện với Bình Dương, Tây Ninh, Long An và khu vực lân cận. Chưa kể, tuyến đại lộ này cũng giúp khai thác khoảng 15.000 ha đất hoang hóa tại Củ Chi, mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và Nhà nước, tạo giá trị gia tăng cho Thành phố.

Cần quy hoạch lại

Thực tế, ý tưởng xây dựng tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn nhận được nhiều sự ủng hộ, thế nhưng trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM đến năm 2030 lại không có tên “siêu” dự án này. Theo các chuyên gia, để thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM, việc cần làm trước tiên và có thể nói là trọng tâm trong năm 2022 là lập đề cương nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung sông Sài Gòn, bởi có hàng trăm đồ án quy hoạch dọc con sông này cần phải điều chỉnh, kế đến là quy hoạch phát triển sông Sài Gòn phải đồng bộ, gắn với điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Thủ Đức và TP.HCM.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - người có nhiều ý kiến đóng góp cho dự án này, đặc biệt nhấn mạnh tới việc TP.HCM làm quy hoạch ven sông tốt cũng là cơ hội để tạo khu vực không gian công cộng sông nước phục vụ người dân, trong đó việc tổ chức khai thác kinh tế, dịch vụ là một phần của quy hoạch, trọng tâm là đánh giá được quỹ đất ven sông Sài Gòn hiện nay, từ đó đưa ra được định hướng hệ thống giao thông kết nối.

Cùng góc nhìn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nêu quan điểm, cần sớm có quy hoạch bờ sông trước để chỉnh trang đô thị một cách bài bản. Trong đó, việc tổ chức khai thác kinh tế, dịch vụ sẽ đánh thức tiềm năng ven sông Sài Gòn, hướng đến mô hình “đô thị sông nước sinh thái”.

“Việc khai thác, kinh doanh không gian và quỹ đất ven sông Sài Gòn sẽ tạo ra nguồn lực kinh tế lớn và để kế hoạch không còn nằm trên giấy, cần có sự tham gia của nhiều nguồn lực xã hội. Vì vậy, UBND TP HCM cần có quy chế quản lý, rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, trước hết là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh, rạch nội thành, không để tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông hay biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở tiếp tục diễn ra…, có như vậy mới khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững”, ông Châu nói.

Còn ông Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM đánh giá, chủ trương mở tuyến giao thông hai bên sông Sài Gòn để khai thác dòng sông từ cảnh quan, môi trường nước, phát huy hiệu quả sử dụng đất, phát triển dịch vụ là phù hợp với thực tế phát triển của Thành phố. Theo ông Cương, nếu trước đây chưa thấy hết nhu cầu này và chưa có quy hoạch rõ ràng thì nay phải làm nhanh và quyết tâm.

“Ngoài khai thác dịch vụ, du lịch, tuyến đường ven sông còn giúp hoàn chỉnh kết nối trung tâm TP.HCM với khu vực phía Bắc, góp phần giảm tải cho Quốc lộ 22. Để làm được điều đó, cần có chủ trương đồng bộ, chính sách rõ ràng, tránh tình trạng làm được một đoạn rồi ách tắc, không mang lại hiệu quả”, ông Cương nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị chuyên gia này còn cho rằng, cần có chính sách khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông, tạo điều kiện cho người dân tham gia quá trình này và cùng hưởng lợi. “Có chính sách phù hợp thì cả Nhà nước và nhân dân cùng hưởng lợi từ tuyến đường ven sông Sài Gòn. Người dân không phải di dời đi nơi khác, mà điều kiện sống không bằng chỗ cũ. Họ cùng xây dựng con đường và có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước”, ông Cương nói.

Tin bài liên quan