Các công ty liên doanh - liên kết đang mang lại lợi nhuận “khủng” cho VEAM

Các công ty liên doanh - liên kết đang mang lại lợi nhuận “khủng” cho VEAM

VEAM sống nhờ "gà đẻ trứng vàng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn lợi nhuận từ các công ty liên doanh - liên kết đang giúp VEAM “sống khỏe”, bất chấp hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất máy móc nông nghiệp kém hiệu quả trong nhiều năm liền.

Hơn 85% lợi nhuận tới từ hoạt động liên doanh - liên kết

Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (mã VEA) là doanh nghiệp sản xuất các loại động cơ, máy nông nghiệp; sản xuất các loại linh kiện, sản phẩm công nghệ hỗ trợ; chế tạo và lắp ráp ô tô, xe máy; vận chuyển hàng hóa..., thế nhưng lợi nhuận của VEAM những năm qua chủ yếu đến từ hoạt động liên doanh - liên kết, chứ không phải hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Hiện nay, VEAM đang tham gia liên doanh, liên kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, đáng chú ý trong đó là sở hữu 20% vốn điều lệ Công ty Honda Việt Nam, 30% vốn điều lệ Công ty Toyota Việt Nam và 25% vốn điều lệ Công ty TNHH Ford Việt Nam. Đây là những liên doanh “đẻ trứng vàng” đều đặn cho VEAM những năm qua.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của VEAM đạt 2.868 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, song lãi ròng vẫn đạt 4.722 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ, riêng tiền lãi từ các công ty liên doanh - liên kết là 4.031 tỷ đồng, chiếm tới hơn 85%.

Trong khi đó, lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi 9 tháng đầu năm 2023 của VEAM mang về chưa đầy 38 tỷ đồng, dù so với giai đoạn trước thì đã có sự chuyển biến. Trước đây, hoạt động kinh doanh cốt lõi của VEAM thường gây lỗ lớn, đến năm 2021 mới có lãi gần 73 tỷ đồng.

VEAM cho biết, tình hình sản xuất - kinh doanh động cơ máy nông nghiệp liên tục sụt giảm trong nhiều năm qua, lĩnh vực kinh doanh ô tô chưa có dấu hiệu khả quan, nhà máy ô tô VEAM dự báo còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ hàng tồn kho, các sản phẩm mới đưa ra thị trường còn hạn chế… là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Trong khi đó, chính sách đầu tư sản xuất máy nông nghiệp trong nước hiện gặp bất lợi trong cạnh tranh do là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) nên các sản phẩm động cơ máy nông nghiệp sản xuất trong nước không được hoàn thuế VAT đầu vào là nguyên vật liệu hay bán thành phẩm linh kiện cấu thành máy nông nghiệp và sản phẩm của VEAM không là ngoại lệ.

Điều này gây bất bình đẳng giữa máy nông nghiệp nhập khẩu không chịu thuế VAT và máy nông nghiệp sản xuất trong nước bị thu thuế VAT đầu vào nhưng không được hoàn. Do đó, VEAM sẽ kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét điều chỉnh chính sách thuế VAT đối với máy nông nghiệp sản xuất trong nước để gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Để thúc đẩy hoạt động kinh doanh cốt lõi trong năm 2023 cũng như những năm tới, ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM cho biết, trong giai đoạn 2021-2022, VEAM đã phát triển thêm các sản phẩm phục vụ lĩnh vực nông nghiệp như động cơ diesel công suất lớn, các sản phẩm cũng cấp khí cho lĩnh vực sản xuất ô tô…

Riêng mảng ô tô, cùng với triển khai phát triển dòng sản phẩm xe tải VEAM áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro5, nhà máy ô tô VEAM đang đàm phán hợp tác với các đối tác có thương hiệu để lắp ráp các sản phẩm tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy xúc tiến thương mại để xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Công ty Chứng khoán Vietcap dự báo, trong năm 2023, lợi nhuận sau thuế của VEAM đạt 7.207 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Sang năm 2024, lợi nhuận sẽ cải thiện hơn, tăng lên 7.919 tỷ đồng nhờ nhu cầu ô tô và xe máy phục hồi.

Rủng rỉnh tiền chia cổ tức

Dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi còn khiêm tốn, nhưng với nguồn tiền dồi dào nhận được từ các đơn vị liên doanh - liên kết, VEAM vẫn rủng rỉnh tiền mặt để chia cổ tức cho cổ đông.

Tính đến cuối quý III/2023, VEAM gửi ngắn hạn ngân hàng tới 18.482 tỷ đồng, tăng gần 5.900 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tiền gửi ngắn hạn này mang lại cho Công ty tới 875 tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng, tương đương mỗi tháng gần 100 tỷ đồng. Ngoài ra, VEAM vẫn còn 585 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi không thời hạn, tăng gần gấp đôi so với số dư đầu năm.

Vào ngày 20/11/2023, VEAM đã chốt danh sách trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 41,869% bằng tiền mặt, tương ứng mỗi cổ đông sẽ được nhận 4.186,9 đồng cho mỗi cổ phiếu sở hữu. Tham chiếu thị giá cổ phiếu VEA tại thời điểm đóng cửa ngày 30/11/2023 là 33.000 đồng/CP, tỷ suất cổ tức của VEAM đang ở mức 12,7% - cao hơn đáng kể so với mặt bằng lãi suất huy động phổ biến cho kỳ hạn 12 tháng hiện nay từ 5-6%/năm.

Trong 5 năm qua, VEAM luôn chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ trên 40%, thậm chí là hơn 50% trong những năm 2019 và 2020. Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023, ông Nguyễn Khắc Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM đã “đánh tiếng” về mức cổ tức dự kiến năm 2023 (cho năm sau) tương đương năm 2022, nhưng lịch sử cho thấy VEAM thường phấn đấu trả cổ tức cao hơn kế hoạch.

Với việc Bộ Công thương đang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ hơn 1,175 tỷ cổ phiếu VEA, tương ứng 88,47% vốn điều lệ Công ty, VEAM đang là “con cưng” khi luôn mang về khoản cổ tức kếch xù lên đến vài nghìn tỷ đồng mỗi năm cho cơ quan chủ quản.

Một nhóm nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VEA cho hay, chỉ cần Bộ Công thương còn nắm quyền chi phối tại VEAM, nhà đầu tư có thể yên tâm hưởng cổ tức cao bởi lợi nhuận Công ty kiếm được mỗi năm sẽ được chia hết cho cổ đông và thực tế là trong năm 2020, ngoài mức cổ tức được nhận là 4.990 đồng mỗi cổ phiếu, đến cuối năm, phần lợi nhuận chưa phân phối còn xấp xỉ 615 tỷ đồng cũng được chia cho cổ đông với 462,7 đồng/CP được tăng thêm, nâng tổng mức cổ tức năm này lên 5.451,7 đồng/CP.

Được biết, Bộ Công thương đã đề xuất bàn giao đồng thời và nguyên trạng tất cả doanh nghiệp do cơ quan này đang làm đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giai đoạn 2022-2025, bao gồm cả VEAM.

Không chỉ tỷ suất cổ tức cao giúp cổ phiếu trở nên hấp dẫn, thị giá VEA còn kỳ vọng sẽ được hỗ trợ trong tương lai từ “game” chuyển sàn. Dù được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua, nhưng đây vẫn được xem là một động lực thúc đẩy cổ phiếu VEA mỗi khi kế hoạch này có động thái mới.

Rào cản lớn nhất hiện tại là cổ phiếu VEA đang bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo do báo cáo tài chính của Công ty bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp.

Cụ thể, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, đơn vị kiểm toán cho biết, VEAM chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị hơn 166 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng không thể thu thập bằng chứng kiểm toán để đánh giá trị thuần của hàng tồn kho chậm luân chuyển, một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý. Đây đều là những vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm trước.

Sau khi đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM từ năm 2018 và phải thực hiện minh bạch hóa thông tin theo quy định, nhiều vấn đề nghiêm trọng dần được hé lộ trong bức tranh tài chính của VEAM. Từ đó đến nay, nhiều lãnh đạo đương thời cũng như cựu lãnh đạo của VEAM đã vướng vòng lao lý.

Ngoài ra, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ vào tháng 8/2023, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa (ngày 1/7/2014), tổng số nợ VEAM phải thu là hơn 2.595 tỷ đồng. Trong đó, số nợ phải thu quá hạn trên 3 năm và nợ phải thu khó đòi lần lượt là 941 và 210 tỷ đồng, số nợ phải thu chưa đối chiếu là 36,9 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, VEAM bị 5 đơn vị nợ quá hạn số tiền 622,5 tỷ đồng và đang gặp khó khăn trong việc trả nợ, dẫn đến nguy cơ thất thoát lớn.

Tin bài liên quan