Dù có lợi thế về thương hiệu và kinh nghiệm sản xuất, nhưng Chè Kim Anh hiện đang đứng bên bờ vực phá sản

Dù có lợi thế về thương hiệu và kinh nghiệm sản xuất, nhưng Chè Kim Anh hiện đang đứng bên bờ vực phá sản

Vị đắng Chè Kim Anh

(ĐTCK) Từng là đơn vị đầu tiên được lựa chọn để cổ phần hóa trong ngành chè, với thương hiệu Chè Kim Anh được thị trường biết đến và đánh giá cao, song cổ đông Công ty lại nhận về toàn vị đắng chát. Từ mức vốn điều lệ 10,5 tỷ đồng, CTCP Chè Kim Anh tính đến hết năm 2015 có vốn chủ sở hữu là âm 7,844 tỷ đồng.

Từ quá khứ hứa hẹn…

Với người tiêu dùng trong nước, thương hiệu Chè Kim Anh dường như không còn quá xa lạ. Chè hương nhài, hương sen… đã từng là loại đồ uống xuất hiện trong đa số các gia đình, công sở Việt. Thậm chí, giai đoạn sau cổ phần hóa, Chè Kim Anh còn khá thành công trong việc xuất khẩu chè ra thị trường quốc tế. Năm 1999, chỉ 3 tháng sau khi chuyển sang hình thức CTCP, Công ty đạt thành tích sản xuất 500 tấn chè đen, trong đó xuất khẩu được 230 tấn, bán trong nước 270 tấn, tương đương 45% sản lượng của cả năm này và tăng 12% so với năm 1998.

Nói như vậy để thấy rằng, việc cổ phần hóa Chè Kim Anh trong quá khứ đã từng mang lại sức mạnh lớn lao cho doanh nghiệp này. Một chút thông tin nhắc lại, Chè Kim Anh được cổ phần hóa vào giữa năm 1999, với vốn điều lệ 9,2 tỷ đồng, chia thành 92.000 cổ phần (mệnh giá 100.000 đồng/CP), trong đó cổ đông Nhà nước là Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) nắm 30% vốn điều lệ, bán cho người lao động 48% và 22% bán ra bên ngoài.

Giai đoạn 2000-2001, lợi nhuận của Chè Kim Anh đã tăng mạnh, đạt 1,6 tỷ đồng vào năm 2000 và 1,178 tỷ đồng vào năm 2001, lớn hơn hẳn so với con số 577,46 triệu đồng của năm 1999,  năm thực hiện cổ phần hóa. 

… đến hiện tại u ám

Báo cáo tổng kết tình hình hoạt động của Chè Kim Anh giai đoạn 2011-2015 cho thấy, dù đặt kế hoạch doanh thu 126,7 tỷ đồng, tương ứng 25,34 tỷ đồng/năm, thấp hơn nhiều so với doanh thu giai đoạn 1999-2000 là 35 tỷ đồng/năm (năm 2000 là 30 tỷ đồng/năm), nhưng Công ty vẫn chỉ đạt 85% kế hoạch giai đoạn.

Tính trung bình giai đoạn 2011-2015, mỗi năm, Chè Kim Anh chỉ đạt 20,14 tỷ đồng doanh thu, trong đó, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch của Nhà máy Chè Kim Anh là 88%, Nhà máy Chè Định Hóa là 71%. Về lợi nhuận, cả giai đoạn, Công ty lãi vỏn vẹn 849,44 triệu đồng, trong đó, Nhà máy Chè Kim Anh lãi 5,481 tỷ đồng, còn Nhà máy Chè Định Hóa lỗ 4,632 tỷ đồng.

Với thành tích giật lùi này, đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của Công ty đã bị âm 7,844 tỷ đồng, trên vốn điều lệ là 10,5 tỷ đồng. 

Áp lực tài chính nặng nề

Không có đủ thông tin chi tiết, nhưng theo Ban lãnh đạo Chè Kim Anh, tình trạng thua lỗ này chủ yếu đến từ việc đầu tư Nhà máy Chè Định Hóa. Cụ thể, ngoài việc hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, những khoản nợ do nhà máy này để lại đã góp phần nhấn chìm hoạt động chung của toàn hệ thống. Thông tin từ Ban lãnh đạo Công ty cho thấy, khoản vay vốn ODA đầu tư cho Nhà máy Chè Định Hóa không những không mang lại hiệu quả, mà còn khiến toàn công ty rơi vào khó khăn do phải trả nợ thay. Chính áp lực nợ của nhà máy này đã khiến thanh khoản của Chè Kim Anh trở nên kiệt quệ.

“Công ty hoạt động trong điều kiện thua lỗ kéo dài, vốn bị âm tới 2 lần so với vốn điều lệ, công nợ phải trả rất lớn, đặc biệt là nợ ngân hàng, nợ Vinatea, nợ bảo hiểm, nợ thuế... Thực chất, hiện Công ty đang sản xuất kinh doanh chủ yếu bằng vốn ứng trước của khách hàng và nhà cung cấp.

Mặt khác, trong khi vốn kinh doanh là vốn vay, nhưng Chè Kim Anh vẫn phải trả các khoản vay cũ và xử lý những tồn tại trước đây, nhất là các khoản nợ của Nhà máy Chè Định Hóa, càng làm cho tình hình tài chính trở nên khó khăn. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Công ty đã trả được hơn 4,5 tỷ đồng nợ”, báo cáo đánh giá tình hình hoạt động giai đoạn 2011-2015 của Chè Kim Anh viết.

Tính đến 31/12/2015, Chè Kim Anh còn 8,9 tỷ đồng phải trả ngắn hạn; 3,644 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn; 9,981 tỷ đồng vay nợ dài hạn. 

Lời giải nào cho bài toán thua lỗ?

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra đầu năm 2016, Chè Kim Anh đưa ra phương án tăng vốn điều lệ lên 30 tỷ đồng cho giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, dự báo khả năng có lãi trở lại là 3,9 tỷ đồng cho giai đoạn này. Thế nhưng, phương án này đã bị cổ đông phủ quyết.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, nguồn tin từ Tổng công ty Chè Việt Nam cho biết, dù Chè Kim Anh đang đứng trước nguy cơ phá sản, nhưng lại sở hữu những điểm mạnh liên quan đến thương hiệu và kinh nghiệm sản xuất. Hiện nay, Vinatea đang lên kế hoạch tái cấu trúc lại Chè Kim Anh.

“Sẽ rất khó khăn để vực dậy sản xuất một doanh nghiệp với tình trạng tài chính quá yếu như vậy, nhưng Vinatea vẫn đặt mục tiêu phát triển thương hiệu mạnh này trong giai đoạn tới”, nguồn tin trên nói.

Tin bài liên quan