Lòng hồ Suối Nứa bị lấn chiếm từ nhiều năm nay chưa được xử lý.

Lòng hồ Suối Nứa bị lấn chiếm từ nhiều năm nay chưa được xử lý.

Vi phạm công trình thủy lợi ở Bắc Giang chậm được xử lý

0:00 / 0:00
0:00
Không giải quyết dứt điểm là những tồn tại trong công tác xử lý vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ảnh hưởng không chỉ đến an toàn và hiệu quả của công trình mà còn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai.

Tại huyện Lục Nam, tình trạng vi phạm công trình thủy lợi xảy ra tại nhiều nơi như: Tam Dị, Bảo Sơn, Cẩm Lý, Đan Hội, Tiên Hưng, Đông Hưng. Nhiều hộ dân có đất cạnh công trình thủy lợi đã cố ý lấn chiếm lòng hồ, làm công trình phụ và làm cầu qua kênh dẫn. Mặc dù nhiều trường hợp vi phạm đã nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Tại khu vực hồ Suối Nứa, xã Đông Hưng, ngoài những vi phạm qua nhiều năm chưa được xử lý, hiện nay, một số hộ dân tiếp tục cố tình đổ đất, trồng cây lấn chiếm lòng hồ.

Ông Bùi Văn Hân, Cụm trưởng phụ trách hồ Suối Nứa, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Lục Nam cho biết: "Hộ vi phạm là gia đình ông Nguyễn Văn Thể không phải là người trong xã Đông Hưng mà là người ở xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn.

Người ta thuê người trông nom trang trại chứ không có chủ ở đây. Về lập biên bản vi phạm có cả chính quyền địa phương, trưởng thôn và địa chính của Ủy ban nhân dân xã Đông Hưng đi cùng vào xử lý vi phạm lấn chiếm lòng hồ. Thế nhưng, gia đình chủ hộ lại không có ở đây để làm việc với đoàn kiểm tra".

Việc này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Lục Nam thừa nhận: Đây là 1 trong số 68 trường vi phạm nghiêm trọng về việc lấn chiếm lòng hồ.

"Những vi phạm về lấn chiếm lòng hồ trên địa bàn quản lý đã tồn tại từ 4 năm đến 5 năm qua, một số hộ vi phạm vẫn chưa được xử lý triệt để, các công trình vi phạm vẫn tồn tại trên hành lang công trình. Về phía Xí nghiệp quản lý chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra, phát hiện sớm, lập biên bản và báo cáo chính quyền địa phương để phối hợp".

Ông Ong Thế Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Hưng, huyện Lục Nam thì giải thích: Mặc dù đã thực hiện các biện pháp tuyên truyền, yêu cầu tháo dỡ, buộc trả lại mặt bằng. Tuy nhiên công tác triển khai còn nhiều hạn chế, bất cập. Về quản lý hồ và lòng hồ hiện nay thuộc phạm vi quản lý của công ty TNHH 1 thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc sông Thương. Ngoài ra, việc một số hộ dân từ nơi khác đến mua đất để sản xuất trên địa bàn cũng khiến việc xử lý gặp khó khăn.

"Với địa phương đã cho cán bộ chuyên môn và mời các hộ dân vi phạm ra làm việc và yêu cầu các hộ đó trả lại hiện trạng ban đầu của lòng hồ. Ở đây phải nói rõ là trách nhiệm liên quan đến thẩm quyền quản lý hồ, và mặt bằng đã giao cho công ty Bắc sông Thương quản lý. Công ty phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quản lý kịp thời để xử lý không để ảnh hưởng đến tài sản của nhân dân và công tác quản lý của địa phương cũng như của công ty", ông Ong Thế Chiến cho hay.

Tính đến cuối năm 2021, tổng số vụ vi phạm về công tác quản lý và bảo vệ công trình thủy lợi còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là 3.401 trường hợp. Để chấn chỉnh tình trạng này, từ nay đến cuối năm, tỉnh Bắc Giang yêu cầu các huyện, thành phố phải xử lý dứt điểm 255 trường hợp vi phạm, tập trung tại các huyện: Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên, Lục Ngạn, Yên Dũng, Việt Yên và Yên Thế.

Ông Phạm Văn Đưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 42 hồ lớn và vừa, những hồ có địa hình lòng hồ bằng phẳng, tích nước thấp thường xuyên bị người dân lấn chiếm hoặc để trồng cây. Đổ đất lấn chiếm lòng hồ hoặc san đồi trong lưu vực lòng hồ tiềm ẩn nguy cơ xói đất do mưa, lòng hồ bị bồi lắng và nguy cơ phát sinh lũ cục bộ.

"Chi cục thủy lợi đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định phân cấp công trình và quy định về hành lang bảo vệ công trình thủy lợi chi tiết đến từng công trình làm cơ sở để các địa phương và các công ty xử lý kịp thời các vi phạm. Một số ý chính quyền cấp xã còn chưa thực sự quan tâm đến công tác xử lý vi phạm nên phần nào cũng chưa giải quyết triệt để tình trạng vi phạm. Về phía địa phương đâu đó vẫn chưa quan tâm xử lý, nên khi 1 hộ vi phạm sẽ kéo theo vi phạm của các hộ khác. Các vi phạm thường xảy ra ở ở vùng xa, vùng hẻo lánh, đây cũng là tồn tại cần khắc phục thời gian tới", ông Phạm Văn Đưởng cho hay.

Việc triển khai xử lý dứt điểm những vi phạm về lấn chiếm công trình thủy lợi của tỉnh Bắc Giang vào cuối năm nay có đạt được mục tiêu đề ra hay không thì chưa rõ, nhưng việc xử lý những vi phạm của nhiều hộ dân ở khu vực hồ Suối Nứa, huyện Lục Nam đã và đang bị kéo dài bởi câu chuyện “trách nhiệm”. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý, vận hành khai thác, sử dụng hồ Suối Nứa nói riêng, hồ chứa thủy lợi nói chung trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, nhất là trong mùa mưa bão năm nay, có thể tạo ra tiền lệ xấu, gây khó khăn trong công tác quản lý và đảm bảo an toàn đối với hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn sau này.

Tin bài liên quan