Bị cáo Châu Thị Thu Nga.

Bị cáo Châu Thị Thu Nga.

Vì sao khách hàng không đòi Châu Thị Thu Nga bồi thường 348 tỷ đồng?

(ĐTCK) Trong khi Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) đề xuất hướng giải quyết buộc bị cáo Châu Thị Thu Nga phải bồi thường số tiền 348 tỷ đồng, thì các bị hại đồng loạt cho rằng trách nhiệm dân sự thuộc về Housing Group.

Tổng số khách hàng nộp tiền góp vốn vào Housing Group là 762 người. Có 131 pháp nhân, cá nhân tham dự phiên tòa xét xử Châu Thị Thu Nga và đồng phạm phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có Công ty Hải Âu.

Sáng 10/10, trước tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi của Công ty Hải Âu cho biết, qua phần xét hỏi thấy tài sản của Housing Group không còn gì. Luật sư đề nghị Housing Group phải bồi thường bằng tiền mặt số tiền 7 tỷ đồng cho Công ty Hải Âu. Trường hợp không có tiền mặt, Housing Group phải thông báo để Công ty Hải Âu tiếp tục đàm phán, ký kết với Housing Group các thỏa thuận về tài sản, quyền tài sản của Housing Group.

Đại diện ủy quyền Công ty Hải Âu nói thêm, thiệt hại của công ty là rất lớn, không phải hơn 7 tỷ. Công ty Hải Âu nộp số tiền gần 100 tỷ đồng, giờ vẫn còn đầy đủ hồ sơ.

Không chỉ Công ty Hải Âu, các bị hại là cá nhân cũng nêu ý kiến không yêu cầu bị cáo Châu Thị Thu Nga bồi thường mà trách nhiệm, nghĩa vụ phải thuộc về Housing Group.

Bà Vũ Thị Phương N., khẳng định, các khách hàng ký hợp đồng với Housing Gourp.

“Chúng tôi không có ý kiến phần hình sự, chỉ kiến nghị phần dân sự. Housing Group là một thực thể đang tồn tại. Viện KSND đề nghị bị cáo Châu Thị Thu Nga trả số tiền 348 tỷ đồng là có sự nhầm lẫn quan hệ chủ thể, thay đổi quan hệ pháp luật từ cá nhân – pháp nhân thành cá nhân – cá nhân. Điều này không đúng bản chất giao dịch”, bà N. lập luận.

Bị hại này nói thêm: “Chúng tôi tha thiết và cháy bỏng lấy được nhà, không mong ước lấy lại tiền”.

“Chúng tôi hiểu rằng bản thân bị cáo Nga không có tiền trả, Viện KSND đề nghị như trên không thực sự bảo vệ quyền lợi của chúng tôi. Chúng tôi không mong muốn điều đấy. Cá nhân tôi đề nghị tòa hãy nêu bản án công tâm, bị cáo Nga biển thủ của Housing Group thì phải trả lại cho công ty. Chúng tôi không liên hệ trực tiếp với bà Nga. Đất vẫn còn đó, chúng tôi tha thiết mong muốn, cơ quan nhà nước bảo vệ hơn 700 khách hàng có nhà để ở”, bị hại này tha thiết.

Ông Nguyễn Tuấn Hùng, người từng có kinh nghiệm trong ngành bất động sản cho hay: “Tôi rất thông cảm với công ty. Có thể họ không lừa đảo, nhưng dự án bị dừng giữa chừng vì quan hệ không đến nơi đến chốn. Việc kinh doanh phải chấp nhận và phải có biện pháp phòng rủi ro. Chúng tôi nghĩ rằng phải tổ chức xây dựng cho dự án này sống lại”.

Một bị hại lớn tuổi khác cho rằng, UBND TP. Hà Nội cấp phép cho liên danh nghiên cứu lập quy hoạch thì phải có trách nhiệm. Nạn nhân khác kiến nghị cần tìm một doanh nghiệp có năng lực tài chính đủ mạnh, có chuyên môn và phải đáp ứng được nguyện vọng khách hàng thực hiện dự án.

Đại diện Công ty HAIC (bên liên danh với Housing Group) cho biết, số tiền Housing Group chuyển cho HAIC là 34 tỷ đồng. HAIC đã xuất hóa đơn và chuyển trả Housing Gorup số tiền 15,3 tỷ đồng. Số tiền hơn 18 tỷ đồng còn lại, công ty đưa vào dự án. Việc thực hiện dự án phụ thuộc vào quyết định của UBND TP. Hà Nội. 

Ông Lê Sáu, đại diện Housing Group đề xuất làm rõ trong khoản tiền 348 tỷ đồng cần tách phần nào công ty chịu trách nhiệm, phần nào quy kết bà Châu Thị Thu Nga chịu trách nhiệm với công ty.

Theo ông Sáu, hiện ô đất CT5 bị kê biên và UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên - Môi trường quản lý. Còn ô HH2, công ty đang quản lý và đặt trụ sở. Trong 3 năm qua, công ty đang nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn, đối tác để có thể tiếp tục triển khai dự án.

Ngân hàng đòi tiền Housing Group

Có mặt tại tòa, đại diện Ngân hàng VPBank - bên có quyền và nghĩa vụ liên quan cho biết, Housing Group có khoản vay hơn 7 tỷ đồng tại ngân hàng này. Tính đến tháng 10/2017, Housing Group còn nợ gốc và lãi là hơn 12 tỷ đồng.

Ngân hàng nhận thế chấp 3 tài sản là quyền sở hữu, quyền sử dụng 2 căn hộ của vợ chồng bà Châu Thị Thu Nga và công trình gắn liền với đất tại Khu công nghiệp Thạch Thất (huyện Quốc Oai, Hà Nội) thuộc quyền sở hữu của Housing Group. Hiện cơ quan điều tra kê biên, phong tỏa tài sản trên.

VPBank cho rằng, việc áp dụng lệnh kê biên xâm phạm quyền, lợi ích của Ngân hàng. Ngân hàng gửi nhiều văn bản kiến nghị cơ quan điều tra, Viện KSND, tòa án hủy bỏ lệnh kê biên trên để ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo. 

Tin bài liên quan