Viconship (VSC) chuyển mình, tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những bước đi lớn cho việc gia tăng hiệu quả hoạt động đang được CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (mã VSC) triển khai. 2023 sẽ là năm bản lề của quá trình tái cấu trúc toàn diện tập đoàn.
Viconship (VSC) chuyển mình, tăng tốc

Mở rộng năng lực nội tại

VSC là doanh nghiệp cảng biển có quy mô top 3 Việt Nam, hoạt động chủ yếu ở Hải Phòng. Doanh nghiệp đang sở hữu 2 cảng biển là VIP Green và Green với tổng công suất khai thác năm 2022 đạt gần 1,2 triệu TEU, bằng 80% công suất thiết kế.

VSC còn sở hữu 36% cổ phần Cảng VIMC Đình Vũ, bắt đầu đi vào hoạt động trong quý 4/2022.

Trong năm 2022 vừa qua, Viconship đạt sản lượng bốc xếp gần 2 triệu TEU. Công ty ghi nhận doanh thu đạt 2.007 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và vượt 5,65% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 476,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,2 % so với cùng kỳ và hoàn thành 95,38% kế hoạch cả năm đề ra.

Mảng cảng biển hiện đóng góp 65% doanh thu và 80% cơ cấu lợi nhuận của Công ty. Báo cáo tài chính của VSC cho thấy, doanh thu và lợi nhuận mảng dịch vụ cảng biển và logistic tăng tốt. Lợi nhuận hợp nhất giảm nhẹ do khoản lỗ hơn 10 tỷ đồng từ công ty liên kết, đang trong giai đoạn tái cấu trúc.

VSC được giới phân tích chứng khoán đánh giá cao ở cơ cấu tài chính lành mạnh. Báo cáo tài chính quý 3/2022 của Công ty cho thấy doanh nghiệp không có bất kỳ khoản vay ngắn, dài hạn nào.

Quý IV/2022, Công ty vay ngắn hạn hơn 208 tỷ đồng và vay dài hạn 700 tỷ đồng. Đây được cho là khoản tiền Công ty huy động để đặt cọc hơn 1,000 tỷ đồng cho hợp đồng M&A một cảng biển lớn tại Hải Phòng. Theo bản thuyết minh báo cáo tài chính năm 2022 đã được Pwc kiểm toán, thương vụ sẽ được hai bên đàm phán các điều khoản cuối cùng để ký kết hợp đồng ngay trong quý I/2023.

Trong năm 2022, Công ty đã mở rộng quy mô về mảng cơ sở vật chất phục vụ mảng logistics khi mua lại thành công CTCP Cảng cạn Quảng Bình – Đình Vũ, là 1 trong 10 ICD được Bộ GTVT chính thức công nhận để đưa vào hoạt động từ quý 4/2022, giúp tăng doanh thu của VSC trong thời gian tới.

Nguồn: Quyết định số 584 của Bộ Giao thông vận tải

Nguồn: Quyết định số 584 của Bộ Giao thông vận tải

Mô hình cảng cạn được xây dựng như là cánh tay nối dài của các cảng biển, giúp tăng năng lực lưu trữ & thông quan. Như vậy, ICD Quảng Bình sẽ là điểm tựa vững chắc để gia tăng lợi thế cạnh tranh cho hệ thống cảng của VSC.

Với khoảng cách chỉ 1,5km so với hệ thống cầu cảng khu vực Đình Vũ, 10km tới cảng nước sâu Lạch Huyện, diện tích sử dụng lên tới 185.000m2 và hệ thống quản lý đồng bộ về kho ngoại quan, bãi container, Cảng cạn Quảng Bình sẽ giúp tiết giảm chi phí cho người nhận gửi hàng qua các cảng Hải Phòng.

Bên cạnh việc mở rộng năng lực nội tại, VSC được cho là đang tiến hành lựa chọn Công ty tư vấn đứng đầu trên thế giới (trong Big4) để triển khai tái cấu trúc toàn diện hệ thống song song với mục tiêu chuyển đổi số doanh nghiệp, số hóa toàn bộ các hoạt động của hệ thống, đảm bảo luồng thông tin luôn được cập nhật kịp thời và chính xác, giúp cho Ban điều hành quản lý và vận hành kịp thời.

Tìm cơ trong nguy

Ngành cảng biển được dự báo sẽ đối mặt với khó khăn trong năm 2023, do suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, động thái mở cửa của Trung Quốc, giá dầu hạ nhiệt, giá cước vận tải biển giảm lại là những biến số có thể giúp giảm bớt tác động tiêu cực.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), giá cước vận tải giảm có thể giúp giảm chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa qua đó thúc đẩy giao thương, tăng quy mô xếp dỡ hàng hóa tại các cảng. Với nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 vẫn tăng trưởng dương, đạt 733.18 triệu tấn, tăng 4.28% so với năm 2021.

Doanh nghiệp cảng biển Việt Nam còn có dư địa tăng trưởng nhờ các hiệp định FTA thế hệ mới, những chính sách thúc đẩy phát triển ngành cảng biển & logistics của Chính phủ. Theo quy hoạch tổng thể ngành cảng biển trong 10 năm, đến năm 2030, lượng hàng hóa thông qua cảng là 38 – 47 triệu TEU, tương ứng tăng trưởng 7 – 10%/năm.

Chính phủ cũng đang nghiên cứu để nâng mức phí sàn tại các cảng biển Việt Nam. Theo ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), mức phí xếp dỡ hàng hóa mà doanh nghiệp cảng biển Việt Nam được hưởng chỉ bằng 1/3 chi phí mà hãng tàu thu từ chủ hàng - thấp nhất trong các nước Đông Nam Á.

Với VSC, doanh thu từ mảng dịch vụ cảng biển được nhận định tiếp tục tăng tốt nhờ lợi thế vùng. Thực tế cho thấy, hệ thống cảng ở HP không chỉ hưởng lợi từ các dự án đầu tư nước ngoài tăng mạnh tại HP thời gian qua mà còn của toàn bộ các tỉnh thành phía Bắc, với những thủ phủ công nghiệp mới như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh… Vì vậy mức độ tăng trưởng sản lượng của hệ thống cảng Hải Phòng sẽ lớn hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình ngành. Số liệu từ các cục thống kê địa phương cho thấy, nửa cuối năm 2022, trong khi các cảng phía Nam sụt giảm sản lượng, khai thác tại nhóm cảng Hải Phòng tiếp tục tăng trưởng dương.

Tin bài liên quan