Vicostone: 15 năm xoay chuyển nghịch cảnh

Vicostone: 15 năm xoay chuyển nghịch cảnh

(ĐTCK) Nếu chọn một doanh nghiệp niêm yết mang trong mình những câu chuyện kể hấp dẫn và là một hình mẫu cho trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam có thể đưa doanh nghiệp lội ngược dòng ngoạn mục, tham gia dẫn dắt ngành đá nhân tạo gốc thạch anh toàn cầu, đó sẽ là Công ty cổ phần Vicostone (VCS).

Ngày 19/12/2017, Vicostone tròn tuổi 15. Hành trình xoay chuyển nghịch cảnh đưa một doanh nghiệp bên bờ vực phá sản trở thành một ông lớn nằm trong Top 4 thế giới ngành đá nhân tạo gốc thạch anh là những câu chuyện đầy cảm hứng.

Bốn lần tái cấu trúc, mạnh mẽ vươn lên

Tháng 9/2003, Nhà máy đá ốp lát nhân tạo cao cấp khánh thành và đi vào sản xuất. Trong vòng một năm đầu, sản phẩm làm ra không đạt chất lượng, không có thị trường tiêu thụ, kéo theo dây chuyền thiết bị không phát huy công suất, dù CEO được thay đổi đến 3 lần. Quyết định thay tướng lần thứ 4 trở thành tia hy vọng giúp Nhà máy có thể trụ được và lột xác.

Sau khi rà soát lại toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, ông Hồ Xuân Năng, là tân Tổng giám đốc thời điểm đó quyết định: Đổi hướng. Thay vì sử dụng nguyên liệu trong nước, tạo ra những sản phẩm cấp thấp nhưng vẫn có mức giá quá cao so với khả năng tiêu dùng của thị trường trong nước bấy giờ, Vicostone sẽ nhập khẩu nguyên liệu để chế tạo ra sản phẩm thực sự cao cấp và xuất khẩu.

Có quá nhiều việc phải làm, nhiều thử thách tưởng chừng đánh gục những con người trẻ tuổi như thiếu kiến thức và kinh nghiệm vận hành máy móc, làm chủ công nghệ, sản phẩm làm ra không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng. Nhưng bằng sự đam mê, lửa nhiệt huyết bùng cháy, mọi khó khăn dần được khắc phục, Vicostone đã lĩnh hội được know-how (bí quyết), làm chủ và cải tiến nó, biến thành know-how của riêng mình. Bên cạnh đó, Công ty coi hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) là chìa khoá để thực hiện thành công chiến lược cạnh tranh khác biệt.

Công cuộc tái cấu trúc lần 2 diễn ra trong giai đoạn 2007 - 2010 tập trung vào cơ cấu lại nguồn vốn và quy mô hoạt động. Với việc niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường chứng khoán đã trở thành một đòn bẩy quan trọng giúp Vicostone huy động thêm các nguồn vốn mới và cải thiện quản trị, nhờ đó vươn lên nhóm doanh nghiệp đạt công suất hàng đầu thế giới về đá tấm lớn thạch anh.

Tái cấu trúc lần 3 tập trung vào chiến lược: Tạo sự khác biệt với mục tiêu tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mang đặc trưng Vicostone, bằng chính những know-how độc đáo của riêng mình, thoát khỏi chiếc áo của một đơn vị “gia công”. Lúc này, tầm nhìn đầu tư lớn cho R&D, cho kỹ thuật của ông Hồ Xuân Năng đã phát huy tác dụng. Từ ý tưởng “Lấy cảm hứng từ thiên nhiên”, những bộ sưu tập sản phẩm đá nhân tạo vừa có những đặc tính cơ lý vượt trội, thân thiện với môi trường, vừa mang tính nghệ thuật và vẻ đẹp của đá tự nhiên làm từ cốt liệu thạch anh, mỗi khi tung ra thị trường đều tạo được tiếng vang lớn và tiêu thụ mạnh.

Vicostone không chỉ trở thành một trong bốn nhà sản xuất đá thạch anh tấm lớn lớn nhất trên thế giới mà còn là thương hiệu dẫn đầu trong việc sản xuất các sản phẩm độc đáo, khác biệt và có tính dẫn dắt, định hướng thị trường. Các đối thủ cạnh tranh đã làm theo sản phẩm của Công ty nhưng khó có thể bắt chước được những điểm cốt lõi của mẫu đá và càng không thể nhanh chóng sao chép do bí quyết riêng của mỗi sản phẩm.

Song song với chiến lược về sản phẩm, Vicostone đã thực hiện cuộc cách mạng về hệ thống phân phối bằng việc thiết lập các cơ sở bán hàng trực tiếp ở Mỹ, Canada… và triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP).

Tái cơ cấu lần thứ tư được thực hiện từ năm 2014 đến nay, tập trung vào kinh doanh cốt lõi, trở thành công ty con của Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh (Phenikaa) để tăng trưởng bền vững. Giai đoạn này chứng kiến sự thay đổi vượt bậc của Vicostone khi liên tục hoàn thành vượt kế hoạch, tăng trưởng kép về doanh thu và lợi nhuận 25%/năm. Thành quả ngọt ngào đã đến với các cổ đông của Vicostone khi giá cổ phiếu vượt ngưỡng 200.000 đồng/cổ phần, tăng gần 30 lần. Tăng mạnh về thị giá, cổ tức liên tục duy trì ở mức cao, VCS được giới đầu tư mệnh danh là “cổ phiếu hoa hậu”.

Như vậy, sau mỗi lần tái cấu trúc, Vicostone lại phát triển lên một mức cao hơn và kết quả đạt được rất ấn tượng. Nếu so sánh các con số năm 2016 với năm 2006, doanh thu tăng 16 lần, lợi nhuận trước thuế tăng 145 lần, lợi nhuận sau thuế tăng120 lần, tài sản tăng 7 lần, vốn chủ sở hữu tăng 41 lần.

Gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ, chinh phục những đỉnh cao mới

Năm 2017 sẽ là một bước ngoặt với Vicostone khi Công ty lọt vào top doanh nghiệp đạt lợi nhuận nghìn tỷ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thu nhập trên mỗi cổ phần thuộc nhóm cao nhất thị trường (trên 12.000 đồng/cổ phần). Nhưng quan trọng hơn, kết quả này sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm tới, thể hiện qua mục tiêu tăng trưởng kép về doanh thu và lợi nhuận ít nhất 20%/năm cho tới năm 2020 và 5 năm tiếp theo.

“Voi thường khó phi nước đại”, khi quy mô lợi nhuận đạt đến mức cao, khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng luôn là vấn đề đau đầu của doanh nghiệp. Vậy Vicostone sẽ tiếp tục tăng trưởng bằng cách nào? Lãnh đạo Công ty cho biết, phát triển bền vững và hiệu quả tiếp tục là một trong những yêu cầu chiến lược của Công ty và của cả Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh, với tầm nhìn trở thành thương hiệu đá thạch anh hàng đầu bằng việc không ngừng phát triển và áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới để tạo ra các tác phẩm khác biệt về tính nghệ thuật và truyền cảm hứng cho mọi đối tượng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Vicostone cho biết, hiện nay Công ty dành hơn 1% tổng doanh thu cho công tác R&D, trong đó nghiên cứu và phát triển sản phẩm được xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của doanh nghiệp.

Một điểm chung của các công ty tăng trưởng lâu bền nhất trên thế giới là trở thành những người dẫn đầu, đặc biệt về công nghệ (theo nghiên cứu của Diễn đàn kinh tế thế giới), liệu Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp dẫn đầu thế giới về một ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao nào đó? Câu trả lời là, dám ước mơ, mới có thể bước tới.

15 năm chưa phải là dài, song cũng đã bồi đắp cho “con tàu” Vicostone nguồn năng lượng mạnh mẽ, những trải nghiệm “ra khơi” quý giá để tiếp tục tiên phong chở theo sứ mệnh và khát khao chinh phục trên hành trình “ra biển lớn”.

Nhân dấu mốc 15 năm thành lập, Vicostone giới thiệu bộ nhận diện thương hiệu mới được thiết kế theo phong cách hiện đại và đơn giản nhằm giúp thương hiệu nổi bật và gần gũi hơn trong mắt khách hàng.

Bộ nhận diện thương hiệu 2017 gây ấn tượng ở biểu tượng cánh chim phượng hoàng bay dưới mặt trời mang theo thông điệp: “Hiện thực hóa mọi cam kết”.

Hình ảnh chim phượng hoàng mang dáng dấp chữ V cách điệu, đang sải cánh bay vừa thể hiện khát vọng bay cao hơn, xa hơn, chinh phục những đỉnh cao, hội nhập được với kinh tế toàn cầu, vừa thể hiện niềm tin vào kết quả tích cực phía trước. Hình ảnh mặt trời, dù là lúc ban mai hay hoàng hôn, đều biểu tượng cho nguồn năng lượng bất tận. Vươn cao hơn, bay xa hơn để đón nhận sinh khí (cơ hội) của vũ trụ là hành động vừa bản lĩnh nhưng cũng đầy thách thức, như chính con đường mà Phenikaa đã và đang chọn: Chấp nhận thách thức, không ngừng tích tụ nguồn lực, nắm bắt các cơ hội, để đạt đến những tầm cao mới.

Tin bài liên quan