"Việc cấm cùng mua - bán một loại CK trong phiên đã cản trở quyền tự do mua bán” - Ảnh minh họa: Hoài Nam

"Việc cấm cùng mua - bán một loại CK trong phiên đã cản trở quyền tự do mua bán” - Ảnh minh họa: Hoài Nam

"Việc cấm cùng mua - bán một loại CK trong phiên đã cản trở quyền công dân”

(ĐTCK-online) Ông Trương Anh Tuấn, Phó chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc hạn chế giao dịch cùng mua - bán một loại chứng khoán trong phiên đã cản trở quyền công dân, quyền tự do mua bán hàng hóa, định đoạt tài sản.

Ông Tuấn nói:

Luật Chứng khoán không đề cập đến việc mua bán cùng phiên, nên có thể hiểu việc mua bán cùng phiên được coi là hành vi không bị cấm. Về giao dịch chứng khoán, Điều 41 Luật Chứng khoán chỉ quy định về hình thức khớp lệnh (là khớp lệnh tập trung và phương thức khác theo quy định tại Quy chế giao dịch của Sở) và chứng khoán niêm yết tại Sở không được giao dịch ở bên ngoài.

Tôi nghĩ, việc hạn chế giao dịch cùng mua - bán một loại chứng khoán trong phiên đã cản trở quyền công dân, quyền tự do mua bán hàng hóa, định đoạt tài sản. Việc cấm cùng mua - bán một loại chứng khoán trong phiên chẳng khác nào cấm các đơn vị kinh doanh vàng mua bán cùng một sản phẩm vàng trong ngày hay ngân hàng mua bán cùng một loại ngoại tệ trong ngày, điều không thể xảy ra, vì vi phạm Luật Dân sự. Do đó, có thể nói, trừ Luật Chứng khoán, các văn bản liên quan không cấm đoán việc giao dịch này thì bất kể các hành vi cấm giao dịch mua bán chứng khoán trong cùng một phiên, dù là cấm do ai hay bởi lý do gì thì vẫn được coi là vi phạm pháp luật.

Với môi trường kinh doanh ngày càng tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy quyền tự chủ như hiện nay, việc cấm như vậy có thể gây thiệt hại đến quyền lợi của NĐT. Nếu xảy ra tranh chấp, NĐT hoàn toàn có quyền lên tiếng bảo vệ hành vi giao dịch hợp pháp của mình.

Tôi được biết, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã soạn thảo xong Thông tư hướng dẫn giao dịch, trong đó có việc cho phép NĐT được cùng mua, bán một loại chứng khoán trong ngày, đang chờ Bộ Tài chính phê chuẩn.

Theo đó, cho phép NĐT mua, bán cùng một loại chứng khoán, nhưng trên nguyên tắc bán số chứng khoán trên tài khoản hiện có của NĐT, chứ không phải là cho phép bán chứng khoán vừa mua được trong ngày giao dịch. Có thể coi đây là văn bản hướng dẫn quan trọng trong bối cảnh Luật Chứng khoán không cấm, nhưng tại các Sở, các văn bản hướng dẫn giao dịch hoặc là cấm, hoặc là không rõ ràng.

Văn bản này lẽ ra phải được hoàn thiện để bổ sung sớm hơn vào hệ thống pháp luật về giao dịch chứng khoán còn dang dở từ lâu. NĐT cần một văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành thực sự, chứ không thể mãi nằm dưới dạng dự thảo. Chừng nào hướng dẫn giao dịch này cùng với một số giao dịch khác còn bỏ ngỏ thì vẫn còn một khoảng trống pháp lý rất lớn đối với NĐT.