Việc chậm trễ ghi tên cổ đông vào sổ cổ đông có phạm luật?

Công ty tôi bắt đầu tham gia góp vốn vào CTCP A từ năm 2003. Tại thời điểm này, số vốn mà chúng tôi góp là 20 tỷ đồng trên 25 tỷ đồng vốn điều lệ dự kiến góp của CTCP A. Tuy nhiên, đến năm 2007, công ty tôi mới có tên trong danh sách cổ đông sáng lập tại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của CTCP A. Tuy nhiên, tại thời điểm này, vốn điều lệ của CTCP A đã là 200 tỷ đồng, do đó tỷ lệ cổ phần tại CTCP A của chúng tôi chỉ còn rất nhỏ. Xin hỏi, việc chậm trễ này của CTCP A trong việc đưa chúng tôi vào sổ cổ đông có hợp lệ?

Trả lời:

Theo như trình bày, từ năm 2003, công ty của bạn đã tham gia góp vốn vào CTCP A. Vào thời điểm năm 2003, việc góp vốn, ghi tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được áp dụng theo Luật Doanh nghiệp 1999. Bốn năm sau, công ty của bạn mới được ghi tên trong danh sách cổ đông sáng lập của CTCP A. Trong năm 2007, việc góp vốn, ghi tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được áp dụng theo Luật Doanh nghiệp 2005. Mặc dù vào hai thời điểm khác nhau thì luật áp dụng (Luật Doanh nghiệp 1999 và Luật Doanh nghiệp 2005) là khác nhau, nhưng về cơ bản, các nội dung tương ứng liên quan đến việc góp vốn và ghi tên trong danh sách cổ đông sáng lập là không có gì thay đổi.

Điều 87.4, Luật Doanh nghiệp 2005 (giữ nguyên Điều 61.3, Luật Doanh nghiệp 1999) quy định: khi công ty bạn đã thanh toán đủ tiền mua cổ phần, CTCP A phải phát hành và trao cổ phiếu cho công ty bạn. Nếu CTCP A không trao cổ phiếu thì phải ghi thông tin về công ty của bạn vào sổ đăng ký cổ đông. Việc CTCP A chậm trễ ghi công ty bạn vào sổ cổ đông là trái với quy định tại Điều 61.3, Luật Doanh nghiệp 1999 và Điều 87.4, Luật Doanh nghiệp 2005. Công ty của bạn chỉ được coi là cổ đông của CTCP A khi đã thanh toán đủ tiền mua cổ phần và công ty của bạn đã được ghi vào sổ đăng ký cổ đông. Do vậy, việc CTCP A chậm trễ ghi công ty của bạn vào sổ đăng ký cổ đông sẽ ảnh hưởng đến việc công ty của bạn thực hiện các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật.

Điều 165, Luật Doanh nghiệp 2005 (giữ nguyên Điều 121, Luật Doanh nghiệp 1999) quy định rằng: "Người có hành vi vi phạm các quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên, cổ đông, chủ nợ của doanh nghiệp hoặc người khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật". Vì vậy, nếu việc CTCP A chậm trễ ghi công ty của bạn vào sổ đăng ký cổ đông mà gây ra thiệt hại cho công ty của bạn, thì công ty của bạn có quyền yêu cầu CTCP A bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.