Việc ngân hàng cho DN đảo nợ nhằm được hưởng hỗ trợ lãi suất có vi phạm pháp luật?

Xin hỏi việc ngân hàng cho DN đảo nợ nhằm được hưởng hỗ trợ lãi suất 4%/năm theo Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ thì có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có, bị xử phạt thế nào? Tuyết Ngân, Nguyễn Đức Cảnh, Thái Bình.

Trả lời:

Đảo nợ là việc khách hàng (DN, cá nhân) vay một khoản vay mới để trả món nợ cũ cho chính tổ chức tín dụng đó hoặc để trả nợ cho tổ chức tính dụng khác. Về bản chất, đây chính là biện pháp cơ cấu lại khoản vay theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng nhằm tăng khả năng thu hồi nợ. Tuy nhiên, rủi ro ở chỗ, các khoản vay được cơ cấu lại có thể tăng lên và ảnh hưởng đến cả hệ thống tín dụng. Vì thế, việc đảo nợ sẽ tuân theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn về mặt nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng cho đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể về việc đảo nợ.

Theo nội dung Thông tư 02/2009/TT-NHNN ngày 03/02/2009 quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức và cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh thì việc đảo nợ là không được phép. Nếu vi phạm trong việc thực hiện hỗ trợ lãi suất, chủ tịch HĐQT, giám đốc của ngân hàng đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, ngân hàng đó bị xem xét trong việc xếp loại hàng năm, bổ sung tăng vốn điều lệ, cấp giấy phép mở và thành lập chi nhánh, các đơn vị trực thuộc.

Hành vi đảo nợ của ngân hàng có thể bị xử lý hành chính do việc "đảo nợ không theo quy định của pháp luật" quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 14 Mục 4 Nghị định số 202/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/12/2004 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Theo đó, hành vi đảo nợ của ngân hàng có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 9 triệu đồng.

Tuỳ theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi cho vay đảo nợ, cán bộ tín dụng của ngân hàng và lãnh đạo DN cùng những người có liên quan có thể phải chịu trách nhiệm hình sự (ví dụ: đồng phạm Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Điều 139 Bộ luật Hình sự hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản - Điều 140 Bộ luật Hình sự).

Một vấn đề đặt ra là NHNN nên khảo sát kỹ việc cho vay hỗ trợ lãi suất với mục đích điều chỉnh lại Quyết định 131 theo hướng: bên cạnh việc cho vay các nhu cầu vốn lưu động phát sinh sau ngày 01/02/2009, nên cho phép các khoản nợ vốn của DN trước cũng được hỗ trợ lãi suất. Như vậy, sẽ tránh được hiện tượng cho vay đảo nợ, hạn chế chi phí vay vốn và tiêu cực, tiết giảm thời gian đưa vốn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.