Mỗi năm, Cục Đường bộ Việt Nam được giao sử dụng 14.000 - 15.000 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp để bảo trì hệ thống kết cấu tài sản đường bộ quốc gia

Mỗi năm, Cục Đường bộ Việt Nam được giao sử dụng 14.000 - 15.000 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp để bảo trì hệ thống kết cấu tài sản đường bộ quốc gia

Việc “quen tay” nhưng vẫn lọt lỗi tại Cục Đường bộ Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ được Kiểm toán Nhà nước yêu cầu chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng.

Sai sót không đáng có

Tổng kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Thông báo số 113/TB-KTNN thông báo kết quả kiểm toán tại Cục Đường bộ Việt Nam.

Trước đó, thực hiện Quyết định số 1059/QĐ-KTNN ngày 16/8/2023 của Tổng kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và Báo cáo Quyết toán ngân sách năm 2022; chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học - công nghệ giai đoạn 2020 - 2022 tại Bộ Giao thông - Vận tải (Bộ GTVT), Tổ kiểm toán thuộc Đoàn kiểm toán tại Bộ GTVT của Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán tại Cục Đường bộ Việt Nam trong thời gian từ ngày 21/8/2023 đến ngày 3/10/2023.

Cục Đường bộ Việt Nam là một trong 8 cục quản lý nhà nước và là một trong 3 đơn vị có con dấu hình quốc huy của Bộ GTVT. Ngoài việc thực hiện vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam mỗi năm còn được Bộ GTVT giao sử dụng 14.000 - 15.000 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp để bảo trì hệ thống kết cấu tài sản đường bộ quốc gia (trừ đường cao tốc và hệ thống đường địa phương).

Trên thực tế, đây cũng không phải lần đầu tiên, Cục Đường bộ Việt Nam được Kiểm toán Nhà nước “soi”, nhưng đây lại là đợt kiểm toán có phạm vi rộng, bao quát nhất từ trước đến nay, bao gồm công tác chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ tài chính - kế toán, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học - công nghệ giai đoạn 2020 - 2022.

Dù đã nhận được nhiều khuyến nghị từ các đợt kiểm toán chuyên đề trước đây, nhưng tại Thông báo số 113, Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra khá nhiều sai sót, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công cần được sớm chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Sai sót đầu tiên của Cục Đường bộ Việt Nam được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra liên quan đến công tác giao dự toán, điều chỉnh dự toán đối với các khoản kinh phí chi hoạt động kinh tế đường bộ.

Cụ thể, việc điều chỉnh dự toán các đơn vị về bảo dưỡng thường xuyên tại Cục Đường bộ Việt Nam bị Kiểm toán Nhà nước đánh giá là chưa đảm bảo sự đồng nhất (đầu năm trình 100%, cuối năm giảm tỷ lệ còn 85% đối với quý IV); chưa căn cứ nguyên tắc phân bổ đầu năm và chưa dự báo khả năng thực hiện cuối năm. Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện cắt giảm dự toán từ các nhiệm vụ bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ đã được giao dự toán đầu năm cho một số công trình sửa chữa định kỳ mới không được bố trí vốn từ đầu năm không đúng theo phương án, tỷ lệ bố trí từ đầu năm về tổng mức đầu tư

“Những tồn tại này đã dẫn đến việc bố trí dự toán dàn trải, phát sinh nợ bảo dưỡng thường xuyên, nợ sửa chữa định kỳ tại Cục Đường bộ Việt Nam tăng cao”, Kiểm toán Nhà nước đánh giá.

Bên cạnh đó, việc Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu không bao gồm chi phí dự phòng cũng được đánh giá là chưa phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 35; điểm b, khoản 1, Điều 62, Luật Đấu thầu năm 2013; hồ sơ mời thầu các gói thầu được duyệt không quy định cụ thể mức tạm ứng, số lần tạm ứng theo quy định tại khoản 3, Điều 18, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.

Đây là những sai sót không đáng có, phần nào thể hiện sự chưa chuyên nghiệp của Cục Đường bộ Việt Nam, dù đây là công việc có tính thường xuyên mà đơn vị này đã rất “quen tay” triển khai hàng chục năm nay.

Nhiều trụ sở chưa có “sổ đỏ”

Tại Thông báo số 113, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục các tồn tại liên quan đến hợp đồng các gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ chưa có quy định về phương pháp điều chỉnh giá đối với các khối lượng điều chỉnh, bổ sung hợp đồng và các khối lượng nằm ngoài phạm vi của hợp đồng; một số hợp đồng xây dựng gói thầu xây lắp chưa nêu đầy đủ được nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng theo quy định; phê duyệt thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu xây lắp trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu ghi theo tháng chưa phù hợp quy định; phê duyệt giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu không bao gồm chi phí dự phòng…

Cùng với Cục Đường bộ Việt Nam, một số đơn vị để xảy ra các các tồn tại nói trên được Kiểm toán Nhà nước nêu đích danh là Khu quản lý đường bộ I, Khu quản lý đường bộ II, Sở GTVT tỉnh Hà Giang.

Một trong những điểm đáng chú ý khác được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong Thông báo số 113 là công tác quản lý sử dụng tài sản công, đặc biệt là đất đai, trụ sở làm việc tại Cục Đường bộ Việt Nam.

Tại thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc (tháng 8/2023), có tới 30/40 cơ sở nhà đất Cục Đường bộ Việt Nam chưa hoàn thành việc sắp xếp lại và xử lý theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định về việc sắp xếp lại, xử lý các loại tài sản công; 14/40 cơ sở nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 1/40 cơ sở đất chưa xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của đơn vị theo quy định tại Điều 100 và Điều 101, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.

Các cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm: trụ sở Ban Quản lý dự án 3; trụ sở Chi cục Quản lý đường bộ tỉnh Lạng Sơn; trụ sở Văn phòng Quản lý đường bộ I.8; trụ sở Văn phòng Quản lý đường bộ II.1; trụ sở Văn phòng Quản lý đường bộ II.3; Văn phòng Quản lý đường bộ III.1; Văn phòng Quản lý đường bộ III.3; Văn phòng Quản lý đường bộ III.5; Văn phòng Quản lý đường bộ IV.3; Văn phòng Quản lý đường bộ IV.4; Văn phòng Quản lý đường bộ IV.7; Văn phòng Chi cục IV.5; Trung tâm Kỹ thuật đường bộ - Phòng Thí nghiệm LAS 204; trụ sở Ban Quản lý dự án 4.

Trong Thông báo số 113, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan chấn chỉnh việc phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các trình tự, thủ tục liên quan về nộp tiền thuê đất theo quy định và khẩn trương hoàn thiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 95, Luật Đất đai năm 2013.

Về quản lý ô tô, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Cục Đường bộ Việt Nam đang quản lý sử dụng 179 xe (3 xe dùng chung, 169 xe chuyên dùng, 7 xe ô tô phục vụ hoạt động của dự án). Tuy nhiên, hiện Cục Đường bộ Việt Nam vẫn chưa được Bộ GTVT ban hành tiêu chuẩn định mức và chưa có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính về tiêu chuẩn, định mức của xe ô tô chuyên dùng, xe ô tô phục vụ hoạt động của dự án, do đơn vị thay đổi mô hình tổ chức từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam.

Đến thời điểm kiểm toán, Cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ mới trình Bộ GTVT về phương án sắp xếp xe ô tô phục vụ công tác chung (1 xe) và định mức xe ô tô chuyên dùng sử dụng cho nhiệm vụ đặc thù của khối cơ quan hành chính (86 ô tô) thuộc Cục Đường bộ Việt Nam.

Kết quả kiểm toán còn cho thấy, công tác quản lý kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học - công nghệ tại Cục Đường bộ Việt Nam còn một số tồn tại, trong đó, hầu hết tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học - công nghệ chưa được xử lý dứt điểm theo quy định, dẫn đến chưa thanh lý được hợp đồng nghiên cứu.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng chưa có phương án quản lý và sử dụng tài sản theo quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP và chưa xác định giá trị tài sản là các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ theo quy định tại Thông tư số 10/2019/TT-BTC về việc hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT về thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GTVT để tổng hợp báo cáo Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II trước ngày 31/3/2024.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị tăng thu ngân sách đồng 1,4 tỷ đồng, gồm các khoản thuế trị giá 383,657 triệu đồng; nộp ngân sách nhà nước 1,023 tỷ đồng kinh phí thẩm tra quyết toán không còn nhiệm vụ chi.

“Quá thời hạn nêu trên, đơn vị được kiểm toán phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước theo quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước”, đại diện Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.

Tin bài liên quan