Việc tổ chức ít ĐHCĐ và không công bố KQKD có vi phạm pháp luật?

Công ty mà tôi là cổ đông được CPH từ tháng 7/2007. Từ đó đến nay, công ty mới chỉ tổ chức 2 cuộc họp ĐHCĐ thành lập CTCP và ĐHCĐ thông qua việc cơ cấu lại ban lãnh đạo. Vì vậy, cổ đông không có cơ hội biết được kết quả kinh doanh của công ty như thế nào. Xin hỏi, việc tổ chức ít ĐHCĐ như vậy và việc không công bố chính thức kết quả kinh doanh cho cổ đông của công ty trên có vi phạm pháp luật không? Như vậy, làm thế nào để cổ đông có thể biết kết quả kinh doanh của công ty này?

Trả lời:

Họp ĐHCĐ

Theo quy định, sau khi tiến hành CPH, doanh nghiệp phải tiến hành họp ĐHCĐ. Như vậy, công ty tổ chức cuộc họp ĐHCĐ ngay sau khi CPH (tháng 7/2007) là đã tuân thủ quy định pháp luật.

Điều 97, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: ĐHCĐ họp thường niên hoặc bất thường và ít nhất mỗi năm họp một lần. ĐHCĐ thường niên phải họp trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Như vậy, công ty phải tiến hành họp ĐHCĐ thường niên chậm nhất là cuối tháng 4/2008. Công ty đã tiến hành cuộc họp thông qua việc cơ cấu lại ban lãnh đạo vào tháng 2/2008. Nếu cuộc họp này là cuộc họp thường niên thì công ty đã tuân thủ quy định pháp luật; ngược lại, nếu cuộc họp này là cuộc họp bất thường thì công ty đã vi phạm quy định pháp luật về việc tổ chức cuộc họp ĐHCĐ thường niên.

 

Công bố chính thức kết quả kinh doanh cho cổ đông

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 97, Luật Doanh nghiệp 2005, ĐHCĐ họp thường niên thảo luận và thông qua các vấn đề: báo cáo tài chính hàng năm; báo cáo của HĐQT đánh giá thực trạng hoạt động công tác kinh doanh của công ty; báo cáo của ban kiểm soát về quản lý công ty của HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc; mức cổ tức đối với mỗi cổ phần từng loại.

Như vậy, nếu tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên mà các vấn đề nêu trên không được thảo luận và thông qua là trái với quy định của Luật Doanh nghiệp 2005.

Các biện pháp giúp cổ đông biết được kết quả kinh doanh của công ty

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 79, Luật Doanh nghiệp 2005, cổ đông phổ thông có quyền xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp sổ biên bản họp ĐHCĐ và các nghị quyết của ĐHCĐ. Như vậy, bằng cách này, cổ đông có thể biết được kết quả kinh doanh của công ty.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 79, Luật Doanh nghiệp 2005: cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty có quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHCĐ trong trường hợp HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông. Có thể coi việc công ty không tiến hành cuộc họp ĐHCĐ thường niên theo quy định pháp luật là việc HĐQT đã vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông phổ thông tham dự ĐHCĐ và có quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHCĐ. Thông qua cuộc họp đó, các cổ đông có thể biết được kết quả kinh doanh của công ty.