Khu công nghiệp Long Hậu tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ảnh: Bình Minh

Khu công nghiệp Long Hậu tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ảnh: Bình Minh

Việt Nam có nhiều lợi thế trở thành trung tâm sản xuất và hậu cần mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận định này được ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc Tiếp thị kinh doanh kiêm Kỹ thuật dự án, Công ty cổ phần Long Hậu (mã LHG) đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây.

Trong bối cảnh vĩ mô quốc tế hiện tại, bức tranh chuỗi cung ứng toàn cầu, các thị trường chủ lực thay đổi như thế nào và Việt Nam được hưởng lợi gì từ sự thay đổi này?

Thị trường châu Âu và Bắc Mỹ đang và sẽ là những đối tác xuất khẩu quan trọng của các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng tại những thị trường này đang chậm lại đáng kể, bên cạnh xu hướng “near-shoring” (gia công sản xuất gần nước đặt hàng) ngày một rõ nét.

Trong khi đó, Trung Quốc đang trong giai đoạn tập trung nâng cao giá trị chuỗi cung ứng, nhiều trung tâm sản xuất và hậu cần mới đang nổi lên, đặc biệt là trên khắp Đông Nam Á và Ấn Độ.

Ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc Tiếp thị kinh doanh kiêm Kỹ thuật dự án, Công ty cổ phần Long Hậu (mã LHG)

Ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc Tiếp thị kinh doanh kiêm Kỹ thuật dự án, Công ty cổ phần Long Hậu (mã LHG)

Với Việt Nam, chúng ta có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm sản xuất và hậu cần mới do tiếp giáp với Trung Quốc và có sự liên kết lớn với thị trường thế giới thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Trong bối cảnh đó, sự dịch chuyển sản xuất và hậu cần đến Việt Nam sẽ tiếp tục được thúc đẩy, đặc biệt là chiến lược phân bổ sản xuất “Trung Quốc+1”. Các nhà đầu tư từ Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… và ngay cả các nhà đầu tư Trung Quốc có chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ gia tăng tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Về lĩnh vực đầu tư, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các ngành đã hoàn thiện cơ bản chuỗi cung ứng như điện tử, dệt may, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, y tế…

Các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp đều đang chủ động mở rộng quỹ đất, phát triển dự án mới bằng nhiều cách như tự tìm quỹ đất, thông qua M&A, hợp tác cùng đối tác… Tuy nhiên, để mỗi địa phương, khu vực phát huy hết thế mạnh đặc thù, theo ông, liệu có cần một sự điều tiết thống nhất, hiệu quả hơn?

Lợi thế của Việt Nam là tiếp giáp với Trung Quốc và có sự liên kết lớn với thị trường thế giới thông qua các hiệp định thương mại quốc tế.

Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp có đặc trưng là cần nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư tương đối dài và khó có thể đảm bảo được tỷ lệ lấp đầy theo kế hoạch. Do vậy, chúng tôi không hạn chế hình thức đầu tư mà tập trung nhiều hơn vào việc tìm kiếm các dự án và phương pháp nâng cao tính khả thi của dự án.

Hiện nay, Chính phủ đang rất tập trung vào việc đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc và vành đai xung quanh các đô thị lớn. Điều này giúp rút ngắn thời gian di chuyển và mang đến tiềm năng phát triển khu công nghiệp cho các địa phương.

Theo từng giai đoạn, các địa phương có các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau. Trong đó, việc xác định vị trí thích hợp để phát triển khu công nghiệp và các ngành nghề tập trung thu hút đầu tư phù hợp với đặc điểm của địa phương mình là tối quan trọng. Trong quá trình đó, nếu các địa phương thực hiện tốt khâu quy hoạch ngay từ đầu sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho mình.

Với các nhà đầu tư, ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp) đang là nội dung được quan tâm. Trong quá trình tiếp cận khách hàng, ông nhận thấy xu hướng này diễn biến ra sao?

Tôi nhận thấy rằng, mức độ quan tâm của nhà đầu tư đến ESG hiện chưa đồng đều và chủ yếu xuất phát từ yêu cầu của khách hàng (chủ nhãn hàng) đối với các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, ngay từ ban đầu, chúng tôi xác định xây dựng mô hình khu đô thị sinh thái bền vững thông qua việc phát triển khu công nghiệp có hạ tầng, tiện ích phục vụ cho sự phát triển bền vững. Cụ thể, ngay từ chính sách thu hút đầu tư, Long Hậu ưu tiên các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp không khói thải, doanh nghiệp đầu tư sản phẩm xanh và nhà máy có hệ thống giảm thải carbon...

Về sản phẩm, Long Hậu cung cấp các loại hình nhà xưởng cho thuê có tính chuyên biệt, phục vụ cho từng nhóm khách hàng cụ thể và theo đuổi các tiêu chí xanh cũng như ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Chẳng hạn, nhà xưởng cao tầng phát triển theo định hướng khu tổ hợp sản xuất cao tầng đạt tiêu chuẩn xanh, phục vụ cho ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường như trung tâm kiểm định, phòng lab, sản xuất trang thiết bị y tế, lắp ráp linh kiện điện tử... Đây là mô hình tối ưu cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiện ích hoàn thiện, quản lý chặt chẽ về xả thải, an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định và tối ưu giá trị đất sử dụng.

Nhà xưởng xây sẵn tiêu chuẩn có thiết kế phù hợp cho nhóm ngành công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, chế biến đóng gói thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế và kho bãi. Một số khu nhà xưởng xây sẵn tại Long Hậu đã được triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái - nguồn năng lượng xanh để cung cấp điện năng cho hoạt động sản xuất. Chúng tôi cũng phát triển nhà xưởng công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng phục vụ công nghiệp công nghệ cao, phụ trợ công nghệ cao và sắp tới là mô hình kho dịch vụ thông minh phục vụ cho ngành bán lẻ và thương mại điện tử.

Từ thực tế nhu cầu khách thuê, phân khúc nào đang được quan tâm?

Tại Khu công nghiệp Long Hậu, từ năm 2020 đến nay ghi nhận số lượng lớn khách hàng quan tâm và có nhu cầu tìm thuê nhà xưởng xây sẵn, diện tích từ 1.000-3.000 m2, tập trung ở nhóm công nghiệp nhẹ, điện tử, thực phẩm và logistics. Trong đó, đa số là các dự án mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư đã có nhà máy tại Việt Nam và hoạt động hiệu quả.

Khu nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cũng đang đón nhận sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực lắp ráp, gia công các sản phẩm điện tử đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản…

Hiện tại, Long Hậu đang phát triển các dòng sản phẩm nhà xưởng xây sẵn cho thuê với diện tích đa dạng, đầy đủ tiện ích, đi kèm dịch vụ hỗ trợ khách hàng trong suốt quá trình hoạt động. Đây là phương án linh hoạt và tối ưu chi phí cho nhà sản xuất trong bối cảnh quỹ đất phát triển dự án dần thu hẹp, giá đất liên tục tăng, trong khi giá thuê nhà xưởng vẫn ổn định. Các khu nhà xưởng được quy hoạch một khu vực chung, nhưng vẫn tách biệt từng nhà xưởng, giúp doanh nghiệp hoạt động riêng biệt và có thể đăng ký loại hình doanh nghiệp chế xuất.

Trong thời gian tới, Long Hậu dự kiến mở rộng thêm 90 ha quỹ đất tại Khu công nghiệp Long Hậu hiện hữu và 150 ha về phía cảng quốc tế Long An. Các dự án mới này đóng vai trò là khu vực sản xuất gắn liền với hệ thống kho cảng của TP.HCM và tỉnh Long An.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển các khu công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Long với Khu công nghiệp An Định (huyện Măng Thít) quy mô 200 ha. Đây sẽ là khu công nghiệp dịch vụ tiêu biểu đầu tiên tại khu vực Tây Nam Bộ, nơi tập kết nguồn nguyên vật liệu, phù hợp phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, dịch vụ logistics, chế biến thực phẩm, nông sản và may mặc.

Tin bài liên quan