Việt Nam đang gia nhập hàng ngũ các nước thu nhập cao ở Đông Á

0:00 / 0:00
0:00
Cố vấn kinh tế cấp cao của UNDP cho rằng, Việt Nam có cơ hội lớn để đứng vào hàng ngũ các nước có thu nhập cao ở Đông Á bằng con đường xuất khẩu các mặt hàng chế tạo.
GS-TS. Jonathan Pincus, cố vấn kinh tế cấp cao của UNDP

GS-TS. Jonathan Pincus, cố vấn kinh tế cấp cao của UNDP

GS-TS. Jonathan Pincus, cố vấn kinh tế cấp cao của UNDP cho rằng, Việt Nam có cơ hội lớn để đứng vào hàng ngũ các nước có thu nhập cao ở Đông Á bằng con đường xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, đặc biệt là đồ điện tử, máy tính, thiết bị an ninh mạng, thiết bị truyền dẫn và thiết bị quang học.

Năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát thành công Covid-19 và là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới đạt tăng trưởng dương (2,91%). Điều này khiến ông nghĩ gì về sự kiên cường của Việt Nam trước những cú sốc lớn như đại dịch?

Phản ứng của Việt Nam trước Covid-19 là minh chứng rất rõ rằng, việc đạt được tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào khả năng đối phó với khủng hoảng y tế. Kinh nghiệm của Việt Nam cũng cho thấy, không có sự đánh đổi giữa sức khỏe người dân và sinh kế. Sẽ không thể có tăng trưởng kinh tế nếu không kiểm soát được Covid-19 trước. Vì vậy, việc Việt Nam đạt được 2 mục tiêu là vừa bảo vệ sức khỏe của người dân, vừa giữ tăng trưởng kinh tế là không hề mâu thuẫn.

Việt Nam phản ứng khá sớm trước dịch bệnh, với việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) và ban hành Kế hoạch ứng phó với Covid-19 cấp quốc gia ngay trong tháng 1/2020. Chính phủ Việt Nam đã cho thấy tầm nhìn xa và năng lực tổ chức việc ứng phó với mối đe dọa của đại dịch.

Nền kinh tế có độ mở lớn, trong khi hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI - khu vực có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế - lại chịu tác động nhiều từ bên ngoài. Điều này sẽ đáng lo ra sao nếu đại dịch tiếp tục phức tạp trên thế giới và việc phân phối vắc-xin không như kỳ vọng, thưa ông?

Kể từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã vượt trội hơn so với các quốc gia có thu nhập trung bình khác nhờ việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chế tạo và tiếp cận được nhiều thị trường mới cho mặt hàng nông sản giá trị cao hơn. Tăng năng suất lao động ở Việt Nam cũng thuộc hàng cao nhất thế giới, còn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng chế tạo đã thực sự là một hiện tượng trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay.

Điện thoại di động, bán dẫn và mạch tích hợp, máy tính, thiết bị phát sóng và máy móc, thiết bị điện là những mặt hàng xuất khẩu có hiệu suất cao hơn hẳn, với tốc độ tăng trưởng 20 - 40%/năm. Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như hàng may mặc, sợi bông và vải, giày dép và đồ nội thất cũng tăng trưởng nhanh chóng.

Tăng trưởng nhờ xuất khẩu đã tạo ra hàng triệu việc làm ổn định và hàng tỷ USD ngoại hối - hai yếu tố cần thiết cho tăng trưởng của Việt Nam. Trong dài hạn, Việt Nam cần đặt mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng trong nước từ việc tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng, vì các nhà cung ứng hoặc doanh nghiệp FDI lớn lại là những doanh nghiệp toàn cầu có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, trong khi hầu hết doanh nghiệp Việt Nam có quy mô khá nhỏ.

Nhưng cần khẳng định rằng, Việt Nam đã cải thiện năng lực công nghệ đáng kể trong lĩnh vực điện tử, thiết bị truyền dẫn, máy tính, phần mềm và thiết bị quang học. Chính phủ có thể giúp các doanh nghiệp này bằng cách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), khuyến khích doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn đầu vào ngay trong nước.

Ngoài ra, Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển sản phẩm mới bằng cách sử dụng các công nghệ chu kỳ ngắn, nói cách khác là các công nghệ mới không phụ thuộc vào chuỗi bằng sáng chế hiện nay.

Điều quan trọng nữa là phát triển kết cấu hạ tầng tập trung để giúp doanh nghiệp trong nước hưởng lợi từ sự tập trung này và chia sẻ thông tin giữa họ với doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, phát triển thị trường vốn trong nước để bơm vốn cho doanh nghiệp trong nước cũng là việc rất quan trọng.

Xuất khẩu đã tạo ra hàng triệu việc làm ổn định và hàng tỷ USD ngoại hối - hai yếu tố cần thiết cho tăng trưởng của Việt Nam
Xuất khẩu đã tạo ra hàng triệu việc làm ổn định và hàng tỷ USD ngoại hối - hai yếu tố cần thiết cho tăng trưởng của Việt Nam

Nhắc đến chuyện “tiếp máu” cho doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm đến 98% trong tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp cả nước và đóng góp 45% vào GDP, nhưng luôn trong trạng thái khát vốn và các khoản vay ưu đãi. Vậy, đâu là liều thuốc hữu hiệu để giải cơn khát vốn cho khối doanh nghiệp này?

Điều tuyệt vời nhất ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa là một số trong số họ đã phát triển thành doanh nghiệp lớn. Các đế chế công nghiệp của ngày mai đều từ những công ty nhỏ của hôm nay. Để kiến tạo cơ hội thành công cao nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được tiếp cận nguồn tài chính trong nước. Điều này đòi hỏi phải cải thiện 3 cấu phần của thị trường tài chính trong nước, gồm: khung pháp lý và các quy định; hạ tầng thị trường vốn; năng lực quản lý và công nghệ của các tổ chức tài chính trong nước.

Trước hết, dù khung pháp lý và quy định liên quan đến thị trường tài chính trong nước được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn nhiều điều phải làm. Hiện nay, thủ tục phá sản tại Việt Nam còn phức tạp và mất nhiều thời gian. Các ngân hàng miễn cưỡng với việc cưỡng chế tài sản thế chấp, vì các thủ tục phức tạp và nhiều thách thức pháp lý. Do thiếu rõ ràng về quyền sở hữu (tài sản - PV), các ngân hàng có thể phải dựa vào các mối quan hệ khi ra quyết định cho vay.

Thứ hai, hạ tầng thị trường vốn ở đây hàm ý bao gồm các cơ quan xếp hạng tín dụng và cơ quan đăng ký các khoản vay và tài sản hiện có. Nếu thông tin của khách vay vốn được công khai và đáng tin cậy, thì ngân hàng sẽ tự tin hơn khi cấp vốn vay cho các doanh nghiệp lạ lẫm.

Thứ ba, các tổ chức tài chính nhà nước quy mô lớn có thể cung cấp những sản phẩm mà doanh nghiệp nhỏ cần. Chẳng hạn, đối với hình thức bao thanh toán, các tổ chức tài chính mua các khoản phải thu từ doanh nghiệp nhỏ với giá chiết khấu để bù đắp chi phí vốn. Điều này giúp doanh nghiệp nhỏ về mặt dòng tiền và giảm chi phí quản lý. Bao thanh toán đã phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc và Hàn Quốc, đặc biệt là giữa các nhà cung ứng cho các công ty đa quốc gia quy mô lớn.

Một sản phẩm tài chính khác cần phát triển là hoán đổi mặc định tín dụng. Đây là một dạng bảo hiểm của bên cho mua để giảm thiểu rủi ro khi cho doanh nghiệp nhỏ vay.

Chính phủ hiện có nhiều kênh tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước, các quỹ cho vay trực tiếp đặc biệt. Việc định vai rõ ràng giữa các tổ chức cho vay theo hướng mỗi tổ chức phát triển kỹ năng riêng để phục vụ một thị trường ngách cụ thể sẽ cải thiện được sự phối hợp và hiệu quả đáp ứng nhu cầu vay vốn. Chính phủ, thông qua các tổ chức cho vay và các cơ quan chuyên môn khác, có thể cùng với doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng một hệ thống dự án khả thi, có khả năng sinh lời, bao gồm các dự án thân thiện môi trường và đủ điều kiện áp dụng các công cụ tài chính xanh.

Thế giới được dự báo còn đối diện với những bất định cho đến năm 2022, thậm chí kéo dài sang năm 2023. Là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam ắt đứng trước những rủi ro lớn từ bên ngoài. Vậy phải chăng, cần hướng trọng tâm vào phát triển nền sản xuất trong nước và thị trường tiêu thụ nội địa để nuôi đà tăng trưởng dài hạn?

Thực chất, các thị trường xuất khẩu thúc đẩy cạnh tranh và tăng năng suất, đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo. Thay thế nhập khẩu các mặt hàng chế tạo có thể đóng một vai trò quan trọng, nhưng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, đã tạo ra sự khác biệt ở châu Á.

Hơn nữa, thúc đẩy sản xuất phục vụ xuất khẩu cũng đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc giải quyết việc làm và nâng cao mức sống của người dân. Việt Nam đã thành công trong việc giảm nghèo xuống mức rất thấp bằng cách tạo ra hàng triệu việc làm mới mỗi năm.

Nhu cầu tiêu dùng trong nước đóng một vai trò trong việc tạo việc làm, nhưng tiêu thụ nội địa của Việt Nam hiện không đủ lớn để tạo ra nguồn cầu có quy mô hiệu quả để chuyển đổi việc làm của hàng triệu người lao động trong nước đang làm việc trong các lĩnh vực năng suất thấp. Không để ai bị bỏ lại phía sau đồng nghĩa với việc tạo ra những công việc tốt, hiệu quả cho tất cả những người có khả năng lao động. Kinh nghiệm của các nước đang phát triển thành công cho thấy, một công cụ hiệu quả là xuất khẩu.

Đó cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay và những năm tới, thưa ông?

Động lực thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và những năm tới sẽ là tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế tạo. Điều này không có nghĩa là nông nghiệp và dịch vụ không quan trọng. Trên thực tế, năng suất lao động trong nông nghiệp không tăng nhanh, thì lĩnh vực chế tạo cũng khó có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian dài.

Ngoài ra, các dịch vụ hiện đại thường phát triển cùng với lĩnh vực chế tạo, như dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm, phát triển phần mềm, dịch vụ kinh doanh, hậu cần, vận tải và khách sạn.

Việt Nam có cơ hội lớn để đứng vào hàng ngũ các nước có thu nhập cao ở Đông Á bằng con đường xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, đặc biệt là đồ điện tử, máy tính, thiết bị an ninh mạng, thiết bị truyền dẫn và thiết bị quang học.

Tin bài liên quan