Việt Nam là thỏi nam châm thu hút FDI xanh từ Hoa Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia đánh giá cao triển vọng thu hút dòng vốn tín dụng xanh từ Hoa Kỳ cho hành trình phát triển bền vững tại Việt Nam.

Ông Wade Cruse - Đối tác điều hành khu vực Đông Nam Á của Bain & Company (công ty tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ) và ông Andrea Campagnoli - Đối tác sáng lập, kiêm Trưởng văn phòng của Bain tại Việt Nam, cùng trao đổi về triển vọng thu hút dòng vốn tín dụng xanh từ Hoa Kỳ cho hành trình phát triển bền vững tại Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế và sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng?

Ông Campagnoli: Việt Nam đang trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng, cùng với tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ấn tượng. Các khách hàng trên toàn cầu của chúng tôi, bao gồm nhiều quỹ quốc tế và tập đoàn lớn, đang ngày càng quan tâm đến Việt Nam. Chúng tôi cũng đặt niềm tin và mong muốn được đồng hành với nhiều công ty Việt Nam để có những bước tiến mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.

Giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam gặp một số thách thức. Song, chúng tôi tin rằng, các khó khăn chỉ là tạm thời. Chúng tôi dự đoán, Việt Nam sẽ sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng lịch sử và hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp Hoa Kỳ như chúng tôi tại đây vẫn tiếp tục phát triển, bất chấp trở ngại.

Riêng về lĩnh vực mua bán - sáp nhập (M&A), chúng tôi có cái nhìn rất lạc quan về lĩnh vực này trong thời gian tới. Tại Việt Nam, chúng tôi đã tham gia vào khoảng 50% giao dịch M&A được thực hiện bởi các nhà đầu tư tài chính chứ không phải các tổ chức doanh nghiệp. Cụ thể, các giao dịch liên quan tới các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity) vượt mốc 50 triệu USD trong 2 năm qua ở Việt Nam đều có sự tham gia tư vấn, hỗ trợ và kết nối từ phía Bain. Chúng tôi đã đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ y tế, các ngành hàng tiêu dùng, đến dịch vụ tài chính. Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng rất lớn từ các hoạt động M&A ở những ngành nói trên, đặc biệt từ phía nhà đầu tư nước ngoài.

Với việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu, ông đánh giá thế nào về tác động của chính sách này đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Campagnoli: Nhìn chung, việc đánh giá tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đối với việc thu hút FDI tương đối phức tạp do những bất ổn hiện tại xung quanh việc áp dụng mức thuế này. Tuy nhiên, ngay cả với việc áp dụng quy định mới này, các nguyên tắc cơ bản cốt lõi giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu vẫn không thay đổi.

Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực đông đảo, chất lượng cao, hạ tầng dần được hoàn thiện và tương đối đa dạng, nhiều khu công nghiệp được xây dựng, cùng với các chính sách ưu đãi của Chính phủ để thu hút FDI. Tất cả những yếu tố này làm tăng sức hấp dẫn lâu dài của Việt Nam.

Việt Nam đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một mục tiêu tương đối tham vọng. Nhiều ý kiến cho rằng, trong cuộc đua phát triển bền vững này, có nhiều công ty sẽ “tẩy xanh” (greenwashing) hơn là “xanh” một cách thực sự. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Cruse: Quá trình chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam mang cả ý nghĩa kinh tế và phi kinh tế, do đó, các công ty cần nhìn xa hơn lợi ích kinh tế. Họ cần suy nghĩ về giá trị đích thực - giảm ô nhiễm, nâng cao phúc lợi cộng đồng, thúc đẩy sự đa dạng…

Mặc dù các giải pháp công nghệ tương lai như lưu trữ và thu hồi carbon có vẻ hấp dẫn, nhưng tác động thực sự đến từ việc tận dụng các công nghệ hiện có đã được chứng minh.

Báo cáo Kinh tế xanh của chúng tôi nêu bật những hiệu quả tức thời mà các công ty có thể đạt được bằng cách giảm lượng khí thải bằng công nghệ hiện tại. Chúng tôi kêu gọi các công ty bắt đầu hành trình phát triển bền vững ngay từ bây giờ với những gì sẵn có và khi công nghệ phát triển, hãy kết hợp chúng. Cách tiếp cận chủ động này không chỉ đảm bảo kết quả rõ ràng, mà còn giảm thiểu sự khác biệt giữa lời nói và hành động. Điều cốt yếu là tập trung vào các giải pháp hiện tại có thể thúc đẩy sự thay đổi thực sự.

Theo ông, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các công ty Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam trong việc nâng cao năng lực quản trị và quản lý của họ như thế nào?

Ông Cruse: Chúng tôi đã thành lập một liên minh hợp tác với OpenAI và tin rằng, tiềm năng của AI trong bối cảnh hiện nay là rất lớn.

Ví dụ, chúng tôi hỗ trợ Coca-Cola, một trong những khách hàng tiên phong của chúng tôi trong liên minh này, tập trung vào việc cá nhân hóa quảng cáo cho người tiêu dùng thông qua AI. Điều này thường thể hiện dưới dạng quảng cáo điện tử, nhắm mục tiêu trực tiếp đến người dùng thông qua các nền tảng như điện thoại thông minh hoặc mạng xã hội của họ. Khả năng của AI cho phép chúng tôi tạo bản sao quảng cáo không chỉ phục vụ cho đối tượng nhân khẩu học rộng rãi, mà còn phục vụ các sở thích cá nhân cụ thể.

Một ứng dụng quan trọng khác là ở các trung tâm cuộc gọi (call centers), nơi AI có thể được sử dụng để nâng cao dịch vụ khách hàng. Ví dụ, AI có thể cung cấp đề xuất theo thời gian thực cho các đại lý dịch vụ, cho phép họ giải quyết các thắc mắc hoặc vấn đề của khách hàng hiệu quả hơn. Điều này đặc biệt hữu ích vì việc mong đợi các đại lý dịch vụ có mọi thông tin trong đầu là không thực tế. Do đó, AI có thể thu hẹp khoảng cách kiến thức này một cách hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả khách hàng của chúng tôi và khách hàng của họ.

Tin bài liên quan