TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Việt Nam liệu có nên tiếp tục chính sách “đồng tiền mạnh”?

(ĐTCK) Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa đột ngột điều chỉnh mạnh tỷ giá đồng NDT. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2%. Tuy nhiên, thị trường đánh giá mức thay đổi trên vẫn chưa đủ. Xung quanh vấn đề này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Ông đánh giá như thế nào về quyết định của PBoC?

Đây là lần phá giá mạnh mẽ nhất trong khoảng 20 năm trở lại đây trên thị trường ngoại hối Trung Quốc, đương nhiên, điều này tạo nên chấn động trên thị trường tài chính thế giới. Trong 3 ngày qua, hầu hết các TTCK đều giảm điểm mạnh, chứng tỏ sự quan ngại của các nhà đầu tư về những đợt “địa chấn” mới này. Cho đến ngày 13/8/2015, sau 3 lần điều chỉnh, đồng nhân dân tệ (NDT) đã giảm 4,6%.

Lý do thứ nhất khiến Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá rõ ràng là muốn hỗ trợ xuất khẩu. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại trong thời gian qua. Nửa đầu năm 2015, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, GDP nước này chỉ tăng trưởng quanh mức 4 - 5%, mức thấp nhất trong nhiều năm qua, vậy nên mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay khó đạt được.

Trong khi đó, nền kinh tế trên thế giới ngày càng trì trệ. Giá dầu giảm mạnh do dư cung đang đẩy nhiều quốc gia lâm vào cảnh khó khăn. Điều này ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu của Trung Quốc. Với vị trí là công xưởng của thế giới, Trung Quốc ở trong thế “cưỡi trên lưng hổ”, không thể tạm dừng hoạt động sản xuất, bắt buộc phải bán được hàng. Cách nhanh nhất là phải đẩy mạnh xuất khẩu bằng việc hạ giá bán, hay chính xác là điều chỉnh tỷ giá để hạ giá sản phẩm xuất khẩu.

Quyết định phá giá để hỗ trợ xuất khẩu có lợi cho Trung Quốc, nhưng bất lợi cho tất cả các quốc gia có quan hệ thương mại với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam phải chịu nhiều bất lợi bởi chúng ta là thị trường nhập khẩu lớn từ Trung Quốc. Hàng hóa của Trung Quốc từ lâu đã “áp đảo” hàng hóa trong nước, nay lại thêm lợi thế về giá, càng giúp Trung Quốc “lấn sân” tại thị trường Việt Nam. Điều này đang và sẽ đẩy nhập siêu tăng rất mạnh.

Lý do thứ hai cho việc phá giá đồng NDT là Chính phủ Trung Quốc có lẽ đang “xoay trục” từ chính sách “đồng NDT mạnh”. Từ khi Trung Quốc trở thành công xưởng sản xuất của thế giới, chính sách “đồng NDT mạnh” đã giúp nước này gia tăng sức mua nội địa, tạo lập lòng tin của các thành phần kinh tế vào sự ổn định và giá trị của đồng NDT, thu hút đầu tư nước ngoài. Từ đó, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng tới một thời điểm nào đó, chính sách này có tác dụng ngược, khi đồng NDT vượt xa giá trị thị trường.

Cái giá mà Trung Quốc đã và đang phải trả là bong bóng tại TTCK, thị trường bất động sản, thị trường ngoại hối vỡ, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế. Hiện tượng TTCK Thượng Hải thiệt hại hàng nghìn tỷ USD trong những tháng gần đây chỉ là mảng nổi của tảng băng chìm. Từ những bài học đau đớn này, Trung Quốc đã phải “xoay trục”, thoát khỏi chính sách “đồng NDT mạnh”.

Những động thái vận động hành lang để đưa đồng NDT vào rổ tiền tệ dự trữ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dường như cũng nằm trong kế hoạch “thị trường hóa” đồng NDT, trong đó, NDT tiến dần đến giá thị trường, thay vì bị kìm hãm cố định ở mức thấp so với các loại tiền tệ mạnh khác từ mấy chục năm nay. Đồng NDT đang tiến tới giá trị thực của nó. Trong khi Mỹ phản đối, IMF lại tỏ thái độ ủng hộ chính sách xoay trục này. 

Vậy, với việc NHNN điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2%, ông có bình luận gì?

Đây là một quyết định kịp thời để đối phó với quyết định phá giá của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc điều chỉnh VND ở mức 1% còn quá ít. Theo tôi, NHNN đã hành động đúng lúc nhưng chưa đủ. Để cân bằng tác động của việc phá giá NDT, VND cần phải phá giá ở mức độ tối thiểu 3%, thay vì 1% như quyết định mới được đưa ra.

Chúng ta biết rằng, nhiều quốc gia khác đã tham gia vào một “cuộc chiến tiền tệ”, với mức độ phá giá gần tương đương với Trung Quốc. Việt Nam không chỉ cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc, mà còn phải lo cạnh tranh với tất cả các quốc gia chúng ta đang xuất khẩu hàng hóa sang. 

Liệu sẽ có tiếp một lần điều chỉnh tỷ giá khác trong năm nay, theo ông?

Thực tế, từ đầu năm đến nay, chúng ta đã phá giá VND 4%. Cộng thêm với biến động trên thị trường tự do, VND đã bị mất giá đâu đó khoảng 5%. Tình trạng này có thể sẽ tiếp tục nếu NDT vẫn bị hạ giá trên thị trường hối đoái toàn cầu.

Theo tôi, lần điều chỉnh tỷ giá VND này chưa chắc là lần cuối cùng. Câu hỏi đặt ra là, phá giá bao nhiêu là đủ? Để có một câu trả lời rõ ràng, chúng ta cần quan sát thị trường ngoại hối của Việt Nam và thế giới biến động ra sao, cũng như khả năng chịu đựng của thị trường đến đâu. Đây là một loại “stress test” mà tất cả các nền kinh tế đang thực nghiệm.

Tại thời điểm này, tôi đặt ra một vấn đề xa hơn việc nên hay không tiếp tục điều chỉnh tỷ giá, đó là liệu chúng ta có nên tiếp tục chính sách “đồng tiền mạnh”?

Chúng ta không thể phủ nhận chính sách “đồng tiền mạnh” đã giúp ổn định kinh tế vĩ mô trong 3 thập kỷ qua, ổn định giá cả và tạo lòng tin của dân chúng đối với đồng nội tệ. Nhưng với tình hình kinh tế và tài chính thế giới chuyển động như hiện nay, liệu chính sách này còn phù hợp.

Rõ ràng, Trung Quốc là quốc gia đã từng theo đuổi chính sách tiền tệ tương tự, nhưng nay đang tìm cách thoát khỏi chính sách này và đưa NDT vào quỹ đạo thị trường. Đặc biệt, khi quá trình hội nhập toàn cầu đã đến sát ngưỡng cửa, việc neo VND với USD sẽ tạo rất nhiều rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam.

Tin bài liên quan