Việt Nam - Ngôi nhà thứ hai của 'đại bàng'

0:00 / 0:00
0:00
Khi đến Việt Nam, tỷ phú Jensen Huang, Chủ tịch, CEO Tập đoàn Nvidia nói, muốn biến Việt Nam thành “quê hương thứ hai” của Nvidia. Câu nói đó đã truyền cảm hứng cho giới đầu tư, nhưng liệu có bao nhiêu “đại bàng” muốn chọn Việt Nam là quê hương thứ hai và phải làm sao để Việt Nam được lựa chọn?
Thu hút đầu tư nước ngoài bất ngờ trở thành một điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2023. Trong ảnh: Nhà máy của NMS (Nhật Bản) tại Hà Nam.

Thu hút đầu tư nước ngoài bất ngờ trở thành một điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2023. Trong ảnh: Nhà máy của NMS (Nhật Bản) tại Hà Nam.

Mảnh ghép sáng màu

Từ một nỗi lo lớn đầu năm, thu hút đầu tư nước ngoài, có thể nói, đã bất ngờ trở thành một điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2023. Cuối tháng 12/2023, kể từ khi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố rằng, năm 2023, đã có 36,61 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, còn vốn giải ngân đạt con số kỷ lục gần 23,2 tỷ USD, điều này đã được nhắc tới rất nhiều.

Sáng 29/12/2023, khi Tổng cục Thống kê họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 2023, thu hút đầu tư nước ngoài cũng trở thành mối quan tâm lớn, dù thực tế bao lâu nay, câu hỏi này ít được đề cập tại các cuộc họp như vậy. Nhưng điều đó là dễ hiểu, bởi con số 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2022, thật ấn tượng. Đáng nói, trong số này, vốn đăng ký mới đạt gần 20,2 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7%. Toàn những mức tăng trưởng ấn tượng.

Thực ra, từ đầu năm 2023, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài dự báo, thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023 có thể đạt 36-38 tỷ USD, còn vốn giải ngân khoảng 22-23 tỷ USD. Một trong những lý do là việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sẽ có tác động tích cực đến thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

“Ở khu vực, Trung Quốc vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu, do vậy, khi họ mở cửa, vốn sẽ chảy vào thị trường này, hạn chế vào Việt Nam và các nền kinh tế khác. Nhưng ngược lại, sự dịch chuyển vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… khỏi Trung Quốc sẽ được đẩy nhanh hơn. Sự dịch chuyển này sẽ được đẩy nhanh đến năm 2025”, ông Đỗ Văn Sử nói.

Nhưng có lẽ, cho đến những ngày tháng cuối cùng của năm 2023, đặc biệt là trong nửa đầu năm, ít ai tin, con số đó có thể đạt được. Bởi lẽ, 6 tháng, con số mới là 13,43 tỷ USD vốn đăng ký, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ đến khi dự án tăng vốn hơn 1 tỷ USD của LG Innotek ở Hải Phòng được ghi nhận, thì vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mới “đảo chiều”. 7 tháng, con số là gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ 2022.

Kể từ thời điểm đó, xu hướng ngày càng tích cực, nhất là khi các dự án quy mô lớn tiếp tục được đầu tư. Từ Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện JINKO Solar Hải Hà, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; đến Dự án Lite-ON 690 triệu USD ở Quảng Ninh; rồi Dự án 500 triệu USD của SK ở Hải Phòng; thương vụ Sumitomo Mitsui Banking Corporation chi 1,5 tỷ USD mua cổ phần của VPBank và gần đây nhất là Dự án điện khí gần 2 tỷ USD tại Thái Bình… Tất cả mang đến mảnh ghép sáng màu cho bức tranh kinh tế 2023.

“Việt Nam tiếp tục là một điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Việt Nam rõ ràng tiếp tục có những thành công lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, sau chặng đường hơn 35 năm nỗ lực.

Ngôi nhà thứ hai

Các con số, đặc biệt là vốn giải ngân kỷ lục, mang tới sự hứng khởi lớn. Nhưng có lẽ, sự hứng khởi đó đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách nhiều hơn.

Giới đầu tư, kinh doanh cả trong và ngoài nước có lẽ hào hứng hơn với các chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol…; các chuyến công du nước ngoài của các nhà lãnh đạo đất nước. Bởi cùng với đó, các cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh được mở ra, rộng lớn hơn bao giờ hết.

Chỉ riêng chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, khi hai nước quyết định đặt trọng tâm hợp tác vào đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, trong đó có bán dẫn và AI, những cơ hội tỷ USD đã được thiết lập. Hàng loạt tên tuổi lớn, như Intel, Qualcomm, Ampere, ARM, Synopsys, Infineon, Marvell… tiếp tục tìm đến, để bắt đầu các cơ hội hợp tác chiến lược.

Han Micron cũng khánh thành nhà máy mới, quy mô 600 triệu USD và sẽ nâng lên 1 tỷ USD trong những năm tới. Amkor đã đưa giai đoạn I của nhà máy 1,6 tỷ USD đi vào hoạt động. Cả Sysnosys, Marvell, Nvidia… cũng đang nghiên cứu các khả năng hợp tác mới ở Việt Nam.

“Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ nói.

Những cơ hội “đáng kinh ngạc” đó không chỉ đến với ngành bán dẫn nói riêng, mà còn là các ngành công nghệ cao nói chung. Bởi thế, hàng loạt kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam của Foxconn, Compal, Goertek, Luxshare, Samsung, LG… đã và đang được triển khai.

Ông John Neuffer đã nhắc tới sự “thăng hoa” của thị trường bán dẫn trong năm 2023, sau khi những khó khăn vào thời điểm đại dịch Covid-19 đã qua đi. Việt Nam dường như cũng đang “thăng hoa” trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngay sau chuyến viếng thăm Việt Nam của đoàn Hiệp hội Bán dẫn Mỹ, tỷ phú Jensen Huang, Chủ tịch, CEO của Tập đoàn Nvidia đã đến Việt Nam. Chuyến thăm này ngay lập tức gây tiếng vang lớn trong cộng đồng công nghệ và giới đầu tư toàn cầu. Bởi lẽ, Jensen Huang chính là “phù thủy” của ngành AI toàn cầu. Hơn nữa, sự phát triển của Nvidia thật đáng kinh ngạc, giá trị vốn hóa đã cán mốc 1.000 tỷ USD vào cuối tháng 5/2023.

“Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia. Chúng tôi sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam”, ông Jensen Huang đã nói như vậy trong chuyến viếng thăm Việt Nam.

Và điều này đã tạo sự hứng khởi và truyền cảm hứng lớn tới giới đầu tư. Dù tuyên bố của ông Jensen Huang chưa trở thành sự thật, nhưng câu hỏi được đặt ra là, liệu còn bao nhiêu “đại bàng” nữa muốn biến Việt Nam thành ngôi nhà thứ hai của mình?

Con số này thực ra không hề ít. Từ nhiều năm trước, Samsung đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai và đó là lý do nhà đầu tư này đã dốc 20 tỷ USD vào thị trường Việt Nam, đưa Việt Nam không chỉ trở thành cứ điểm đầu tư, mà còn là cứ điểm R&D.

“Chúng tôi sẽ góp phần xây dựng quê hương thứ hai của mình bằng cách nỗ lực vì sự phát triển của Việt Nam, đơn cử như việc hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam nói và cho biết, triết lý “đồng thịnh vượng” luôn được Samsung nỗ lực thực hiện ngay từ những ngày đầu tới Việt Nam.

Không khẳng định Việt Nam là “ngôi nhà thứ hai”, nhưng ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban Giám đốc điều hành Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết, với AEON, Việt Nam chính là “thị trường quan trọng thứ hai” bên cạnh Nhật Bản. Vì thế, AEON vẫn đang tăng tốc đầu tư, mới đây đã ký thỏa thuận hợp tác để mở trung tâm mua sắm lớn ở Cần Thơ và Bắc Giang. Vốn đầu tư cho hai trung tâm này có thể lên tới 500 triệu USD.

Trong khi đó, Foxconn, Goertek…, hay Intel đều coi Việt Nam là một trong những cứ điểm sản xuất quan trọng nhất. Họ tiếp tục bỏ vốn vào thị trường đầy tiềm năng Việt Nam.

Kéo “đại bàng” đến xây nhà

Những ngày cuối năm 2023, Intel quyết định đầu tư vào Israel một dự án lên tới 25 tỷ USD. Dù thông tin này đã được đồn đoán trước đó, nhưng con số 25 tỷ USD khiến giới quan sát bất ngờ. Reuters cho biết, để nhận được dự án này, Chính phủ Israel đã đồng ý cấp cho Intel một khoản tài trợ lên tới 3,2 tỷ USD, bằng 12,8% tổng vốn đầu tư của dự án.

Câu chuyện này cũng giống như trước đó, cả Ba Lan và Đức đã đưa ra các cam kết hỗ trợ không nhỏ để nhận được các dự án lớn của Intel. Ở Ba Lan là 4,6 tỷ USD, còn ở Đức là 30 tỷ EUR (33 tỷ USD). Trong khi đó, lại có thông tin rằng, Intel đã hủy bỏ kế hoạch đầu tư giai đoạn II tại Việt Nam.

Dù thông tin chưa được xác nhận, nhưng điều này cho thấy, cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng trở nên gay gắt hơn. “Đối thủ” của Việt Nam sẽ không chỉ là các nền kinh tế trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, hay Ấn Độ và thậm chí là Trung Quốc, mà còn có thể xa hơn nữa.

Trong báo cáo mới nhất, Tổ công tác điều hành vĩ mô 1317 cho rằng, dù làn sóng đầu tư mới đang kỳ vọng được mở ra đối với Việt Nam, nhất là sau các cam kết hợp tác của các đối tác Mỹ và dù Việt Nam vẫn là một trong những ưu tiên được lựa chọn, song thách thức cũng không nhỏ. Bởi dự báo, năm 2024, triển vọng đầu tư nước ngoài toàn cầu có thể sẽ có nhiều bất định hơn, ảnh hưởng đến xu hướng dịch chuyển vốn, bao gồm xu hướng “hồi hương”, dịch chuyển sản xuất về gần và sang các nước đồng minh thân cận.

Thêm vào đó, theo Tổ công tác điều hành vĩ mô 1317, kể từ ngày 1/1/2024, Việt Nam cũng sẽ tham gia “sân chơi” thuế tối thiểu toàn cầu. Vì thế, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách thu hút, giữ chân nhà đầu tư, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tranh thủ cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thu hút nhiều hơn nữa các tập đoàn đa quốc gia rót vốn vào các lĩnh vực mới như chip bán dẫn, AI…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang Dự thảo Nghị định thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, với mục tiêu thu hút và giữ chân đại bàng, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. “Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án ngành bán dẫn. Chúng tôi đang tích cực xây dựng và sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Nhưng cùng với các cơ chế ưu đãi, điều nhà đầu tư cần còn là sự sẵn sàng về đất đai, hạ tầng, nhân lực và cả sự cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, cũng như sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, thậm chí là sự lớn mạnh của khu vực doanh nghiệp trong nước, để đủ sức trở thành đối tác của họ trong cuộc chơi toàn cầu.

Tin bài liên quan