Việt Nam, Nhật Bản và Thái Lan vẫn đi sau trong cuộc đua thanh toán không tiền mặt

Việt Nam, Nhật Bản và Thái Lan vẫn đi sau trong cuộc đua thanh toán không tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
Theo Nikkei Asia, cùng với Thái Lan và Nhật Bản, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia có tỷ lệ thanh toán tiền mặt cao nhất khu vực châu Á.

Mặc dù châu Á là khu vực đi đầu trong đổi mới thanh toán kỹ thuật số, nhưng với Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam, tiền mặt vẫn đóng vai trò quan trọng với nhiều giao dịch.

Tờ Nikkei Asia dẫn một báo cáo ngành vừa công bố hôm thứ Tư (12/4) cho thấy trong năm 2022, tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt ở Thái Lan cao nhất khu vực với 56%, tiếp theo là Nhật Bản ở mức 51% và Việt Nam ở mức 47%.

Tất cả số liệu trên được lấy từ báo cáo của công ty xử lý thanh toán và ngân hàng FIS có trụ sở tại Mỹ. Báo cáo theo dõi xu hướng thanh toán của người tiêu dùng từ hơn 40 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, khi họ mua sắm tại các điểm bán hàng cũng như mua qua kênh online.

Tỷ lệ giao dịch sử dụng tiền mặt tại các quốc gia trong khu vực châu Á vào năm 2022 (đơn vị: %). Nguồn: FIS.
Tỷ lệ giao dịch sử dụng tiền mặt tại các quốc gia trong khu vực châu Á vào năm 2022 (đơn vị: %). Nguồn: FIS.

Theo FIS, mặc dù Thái Lan đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tăng tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng trong những năm gần đây, nhưng “tỷ lệ dân số chưa có tài khoản ngân hàng vẫn còn cao, đồng nghĩa thẻ thanh toán vẫn chưa thâm nhập mạnh mẽ vào đời sống".

Trong khi đó tại Nhật Bản, một nền kinh tế đang đối diện với tình trạng dân số già hóa, tiền mặt vẫn được sử dụng chủ yếu. Nguyên nhân do mạng lưới ATM tại đây được lắp đặt rộng rãi và phí thẻ tín dụng tương đối cao, khiến các tiểu thương ngại thanh toán qua các hình thức kỹ thuật số. FIS dự đoán đến 2026, tỷ lệ sử dụng tiền mặt ở Nhật Bản là 37%, cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khi các quốc gia khác đã nhanh chóng áp dụng hình thức thanh toán bằng ví điện tử thông qua các siêu ứng dụng.

Nikkei Asia nhận định vào năm 2026, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu trong việc sử dụng ví điện tử cho các giao dịch cá nhân, với tỷ lệ 59%. Con số này cao hơn so với các khu vực khác như Trung Đông và châu Phi (24%), châu Âu (20%) và Bắc Mỹ (16%). Tỷ lệ ví điện tử sử dụng trong các giao dịch trực tuyến cũng được dự đoán sẽ tăng từ mức 69% trong năm 2022 lên 73% vào năm 2026.

Tại Đông Nam Á, Grab và GoTo (công ty mẹ Gojek) đã và đang mở rộng thị phần trong mảng thanh toán trực tuyến khi cho phép người dùng trả tiền qua ví điện tử không chỉ với dịch vụ gọi xe, đặt đồ ăn mà còn có thể dùng ví điện tử để giao dịch tại các cửa hàng online lẫn offline. Ngoài ra, các ứng dụng khác như Momo của Việt Nam và GCash của Philippines cũng đang trở thành lựa chọn phổ biến cho người dùng tại khu vực này.

Nikkei Asia giải thích rằng việc bùng nổ thị trường thương mại điện tử trong giai đoạn Covid-19 được cho là nguyên nhân chính dẫn tới sự tăng trưởng không ngừng của hình thức thanh toán online tại châu Á. Đặc biệt, với khu vực Đông Nam Á, thanh toán qua ví điện tử ngày càng nở rộ khi phần lớn dân số tại đây chưa có tài khoản ngân hàng.

Bà Yvonne Szeto, Phó chủ tịch hãng thanh toán Worldpay, đánh giá châu Á đang đi đầu trong đổi mới thanh toán kỹ thuật số cũng như dẫn dắt sự phát triển trong lĩnh vực thanh toán xuyên biên giới và tiền tệ kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương.

"Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực đầu tiên trên thế giới ghi nhận ví điện tử trở thành phương thức thanh toán chủ đạo. Và sự phổ biến của loại hình này chắc chắn sẽ không giảm đi”, Phó chủ tịch Yvonne Szeto nói thêm.

Tin bài liên quan