Việt Nam thăng hạng thứ 25 thế giới về an toàn, an ninh mạng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam tăng 25 bậc, đứng thứ 25/194 quốc gia trên thế giới về chỉ số xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu.
Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạnghạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu.

Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạnghạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu.

Theo Báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) 2020 vừa được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công bố, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 25 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

So với kỳ đánh giá gần nhất công bố vào năm 2019, Việt Nam tăng 25 bậc, vượt Thái Lan để xếp thứ 4/11 quốc gia khu vực ASEAN (xếp sau Singapore, Malaysia và Indonesia).

Cụ thể, Việt Nam đạt tổng điểm 94,59/100, với sự cải thiện ở cả 5 trụ cột được ITU đánh giá. Trong đó, 2 trụ cột pháp lý và hợp tác đạt số điểm tuyệt đối 20/20; điểm ở 3 trụ cột kỹ thuật, tổ chức, nâng cao năng lực lần lượt đạt 16,31/20; 18,98/20 và 19,26/20.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), kết quả tăng trưởng 25 bậc như công bố của ITU là nhờ quyết tâm chính trị lớn của Đảng, Chính phủ đối với vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng; nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, trong đó có vai trò Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để Việt Nam có một hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng cơ bản đầy đủ.

Không những thế, Việt Nam còn có sáng kiến nỗ lực thực thi hành lang pháp lý. Tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7/6/2019 về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai đầy đủ mô hình 4 lớp bảo đảm an toàn thông tin, gồm: Lực lượng tại chỗ; tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, thành phố đã nỗ lực vượt bậc để đưa tỷ lệ bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp từ 0% trong năm 2019 lên 100% vào cuối năm 2020.

Cùng với đó, việc Việt Nam sớm có chương trình, đề án để phát triển bài bản, dài hạn cho nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng và xây dựng hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng "Make in Vietnam" cũng góp phần nâng cao năng lực an toàn, an ninh mạng của Việt Nam.

Cũng theo Cục An toàn thông tin, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì quyết tâm, sự nỗ lực trong dài hạn. Báo cáo GCI 2020 mới được ITU công bố cũng ghi nhận sự cải thiện đáng kể về thứ hạng của các quốc gia trong triển khai công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Cụ thể, Ấn Độ tăng 37 bậc, từ vị trí thứ 47 năm 2018 lên xếp thứ 10 trong bảng xếp hạng GCI 2020; Hàn Quốc tăng 11 bậc, từ thứ 15 lên thứ 4; Nhật Bản tăng 7 bậc, từ thứ 14 lên thứ 7; Indonesia vươn lên xếp thứ 24 ngay trên Việt Nam, tăng 24 bậc so với kỳ đánh giá công bố năm 2019.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đầu tư phát triển Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) về an toàn, an ninh mạng; hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin "Make in Viet Nam" và phát triển đội ngũ chuyên gia, nâng cao năng lực an toàn, an ninh mạng Việt Nam.

Tin bài liên quan