Vừa qua, VietinBank đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 để thông qua các nội dung quan trọng.

Vừa qua, VietinBank đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 để thông qua các nội dung quan trọng.

VietinBank nâng cao năng lực tài chính, chú trọng quản trị rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên cơ sở bám sát chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh trung hạn 2021-2023, VietinBank đã đạt được những kết quả tích cực cả về quy mô và hiệu quả, tạo tiền đề vững chắc cho hoạt động kinh doanh giai đoạn tiếp theo.

Đổi mới, sáng tạo, linh hoạt và những kết quả nổi bật

Năm 2021, công tác quản trị điều hành của VietinBank có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng chủ động, thúc đẩy tư duy quản lý linh hoạt, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung; đồng thời bảo đảm tính kỷ luật, kỷ cương, có giám sát chặt chẽ. Nhờ đó, VietinBank đã đạt được những kết quả tích cực:

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, hiệu quả, tăng trưởng vào các khu vực địa bàn trọng tâm, trọng điểm, các ngành, lĩnh vực có tiềm năng. Dư nợ tín dụng tại thời điểm 31/12/2021 đạt hơn 1,14 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2020. Trong đó, dư nợ tăng trưởng tập trung vào các phân khúc khách hàng có tỷ suất sinh lời cao, tỷ trọng dư nợ bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục được cải thiện.

Thứ hai, thực hiện cân đối vốn hiệu quả, điều hành tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng trên cơ sở đảm bảo các hệ số an toàn thanh khoản, tối ưu hóa cơ cấu vốn để kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả thu nhập lãi thuần. Kết thúc năm 2021, nguồn vốn huy động thị trường I (khu vực dân cư và tổ chức) hợp nhất đạt 1,16 triệu tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2020. Nguồn vốn CASA (tiền gửi không kỳ hạn) thị trường I tiếp tục được cải thiện, tăng hơn 20% so với năm 2020.

Thứ ba, đa dạng hóa cơ cấu thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Năm 2021, VietinBank đã triển khai các chủ điểm kinh doanh theo hướng cung cấp giải pháp dịch vụ tài chính - ngân hàng toàn diện cho khách hàng, lấy khách hàng là trung tâm, trở thành ngân hàng phục vụ chính và đáp ứng nhu cầu của toàn bộ hệ sinh thái khách hàng với các quy trình xử lý đơn giản, thời gian xử lý giao dịch nhanh. Theo đó, tỷ lệ thu ngoài lãi năm 2021 đạt 21,4%, trong đó tăng trưởng thu phí tài trợ thương mại, phí bảo lãnh, lợi nhuận hoạt động kinh doanh ngoại tệ của Ngân hàng rất tích cực. VietinBank tiếp tục đứng Top đầu về cả doanh số và thị phần kinh doanh ngoại tệ trên thị trường, góp phần cải thiện cơ cấu thu nhập theo hướng bền vững.

Thứ tư, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nợ, thu hồi nợ xấu, nợ xử lý rủi ro đạt kết quả ấn tượng.

VietinBank tăng cường công tác quản trị rủi ro, công tác dự báo, nhận diện các khách hàng tiềm ẩn rủi ro, chủ động xây dựng các kịch bản chất lượng nợ. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,26%. VietinBank chủ động tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hợp nhất tại 31/12/2021 đạt 180,4%.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả sử dụng, quản trị chi phí. VietinBank đạt hiệu quả sử dụng, quản trị chi phí đạt mức tốt nhất trong nhiều năm qua. Tỷ lệ CIR (chi phí trên thu nhập) được kiểm soát tốt, ở mức 32,3%.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị thành viên. Năm 2021, các công ty con, ngân hàng con và công ty liên kết hoạt động hiệu quả, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 22% so với năm 2020.

Trong năm qua, VietinBank chủ động cắt giảm hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí, thoái lãi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank năm 2021 đạt 17.589 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2020.

VietinBank tập trung nguồn lực, triển khai hiệu quả các chủ điểm kinh doanh.

VietinBank tập trung nguồn lực, triển khai hiệu quả các chủ điểm kinh doanh.

Đặc biệt, tháng 7/2021, Ngân hàng đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng thông qua phương án phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức tiền mặt các năm 2017-2019 và hiện là ngân hàng lớn thứ hai trong ngành về vốn điều lệ, qua đó tạo tiền đề giúp VietinBank nâng cao năng lực tài chính, tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng cường khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Thúc đẩy tăng trưởng đột phá

Bước sang năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội tăng trưởng trở lại, VietinBank tiếp tục tập trung các nguồn lực để triển khai mạnh mẽ các chủ điểm kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng đột phá, triển khai thực hiện có kết quả chiến lược dài hạn và các mục tiêu, kế hoạch của năm 2022.

Trên thực tế, ngay từ quý đầu năm, hoạt động kinh doanh của VietinBank đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, quy mô tổng tài sản của VietinBank tại thời điểm 31/3/2022 là 1.663.730 tỷ đồng, tăng 8,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng trưởng tích cực, tập trung vào các phân khúc khách hàng có tỷ suất sinh lời cao, tỷ trọng dư nợ bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục được cải thiện.

Tiền gửi của khách hàng đạt 1.213.000 tỷ đồng, tăng 4,4% so 31/12/2021, nguồn vốn được cân đối phù hợp với tăng trưởng dư nợ tín dụng, chú trọng gia tăng tiền gửi thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn ngắn. Quy mô và tỷ trọng tiền gửi CASA tiếp tục tăng trưởng…

Thu nhập hoạt động tăng trưởng 8,9% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý là thu xử lý rủi ro và thu kinh doanh ngoại tệ tăng trưởng tương ứng 163% và 130% so với cùng kỳ 2021. Lãi thuần từ hoạt động khác đạt 1.877 tỷ đồng, tăng trưởng 328% so cùng kỳ 2021.

Chi phí hoạt động tiếp tục được kiểm soát và nâng cao hiệu quả, ưu tiên chi phí cho các hoạt động trực tiếp phục vụ hoạt động kinh doanh, các hoạt động chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng nhân sự để tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của Ngân hàng.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý I/2022 khoảng 4.400 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng (tương đương tăng 228%) so với cùng kỳ năm trước do VietinBank luôn chủ động nhận diện rủi ro và chuyển nhóm nợ phù hợp với mức độ rủi ro của khách hàng; đồng thời thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo đúng quy định của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 180% năm 2021 lên hơn 190%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng trong quý I/2022 đạt hơn 5.800 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu tài chính dự kiến năm 2022 của VietinBank:

- Tổng tài sản: Tăng trưởng từ 5-10%;

- Dư nợ tín dụng: Theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (mức tăng trưởng cụ thể theo điều hành chính sách tiền tệ, chỉ tiêu do Ngân hàng Nhà nước giao và nhu cầu cần thiết của nền kinh tế);

- Nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư: Tăng trưởng 8-10%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

- Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN: dưới 1,8%;

- Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ: Tăng trưởng 15% và được điều chỉnh theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (VietinBank tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh, thực hiện tốt vai trò ngân hàng chủ lực, trụ cột và chủ đạo của nền kinh tế);

- Cổ tức: Tỷ lệ chi trả cổ tức và cơ cấu chi trả cổ tức (tiền mặt, cổ phiếu) thực hiện theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tuân thủ quy định của pháp luật;

- Các tỷ lệ an toàn hoạt động: Tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tin bài liên quan