Toàn cảnh Tổ hợp Mikazuki Spa & Hotel Resort (Đà Nẵng) do Vinaconex làm Tổng thầu thi công

Toàn cảnh Tổ hợp Mikazuki Spa & Hotel Resort (Đà Nẵng) do Vinaconex làm Tổng thầu thi công

Vinaconex (VCG) tiếp tục được quỹ nước ngoài chú ý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuối tuần qua, MV Index Solutions (MVIS) đã công bố thêm vào danh mục cổ phiếu VCG (HoSE) của Tổng công ty CP Vinaconex với lượng mua vào ước tính 1,7 triệu cổ phiếu trong tuần này.

Đây tiếp tục là minh chứng cho thấy Vinaconex được các quỹ đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài đánh giá cao.

Quỹ dự kiến mua thêm 1,7 triệu cổ phiếu VCG

Quỹ dự kiến mua thêm 1,7 triệu cổ phiếu VCG

3 mảng cốt lõi hoạt động tích cực

Đánh giá tích cực dành cho Vinaconex dựa trên 3 luận điểm năng lực thực hiện những dự án xây lắp quy mô lớn; quỹ đất lớn tại nhiều vị trí thuận lợi tạo nền tảng phát triển dài hạn; và mảng đầu tư tài chính đem lại dòng tiền ổn định.

Trong lĩnh vực xây dựng, hôm 8/6 Tập đoàn Mikazuki Nhật Bản đã khai trương tổ hợp nghỉ dưỡng - giải trí - công viên nước đầu tiên của mình tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 3.900 tỷ đồng. Công trình của chủ đầu tư Nhật Bản lần đầu tiên giao cho tổng thầu trong nước là Vinaconex thi công đã về đích đúng tiến độ, đạt các yêu cầu cao về kỹ mỹ thuật, vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra trong 2 năm qua, trở thành điểm đến thú vị dành cho người dân và du khách Đà Nẵng. Điều này cũng cho thấy năng lực của nhà thầu trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Nhiều dự án đầu tư công với quy mô gói thầu hàng nghìn tỷ đồng như Cầu Vĩnh tuy giai đoạn 2, sân bay Long Thành, sân bay Phú Bài, dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông... cũng đang được Vinaconex tập trung nguồn lực, nhân lực triển khai mạnh mẽ trên các công trường. Các dự án trọng điểm quốc gia thường được chọn mặt gửi vàng với nhiều tiêu chí khắt khe về năng lực đơn vị thi công.

Quốc hội đã thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá 347.000 tỷ đồng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, nguồn vốn thực hiện nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng lên tới 113.850 tỷ đồng, phân bổ vốn cho phát triển hạ tầng giao thông tiếp tục được chú trọng với 570.412 tỷ đồng, chiếm 52% tổng vốn đầu tư từ ngân sách trung ương. Các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc Nam phía Đông, sân bay Long Thành… sẽ được Chính phủ tập trung đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới, mở ra mở ra cơ hội bứt phá lợi nhuận cho nhóm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt.

Trong mảng bất động sản, Vinaconex tăng tốc triển khai dự án Khu đô thị du lịch Cát Bà - Amatina, 99 căn biệt thự đang được hoàn thiện những khâu cuối cùng, chuẩn bị khởi công 2 khối khách sạn cao tầng đầu tiên của dự án. Vinaconex cho biết sẽ phấn đấu giải ngân hơn 2.000 tỷ đồng vào Cát Bà - Amatina trong năm 2022. Sự phục hồi của ngành du lịch sau dịch bệnh sẽ càng tăng thêm sức hấp dẫn của Cát Bà- Amatina.

Bên cạnh đó, dự án 93 Láng Hạ của Vinaconex đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị bán hàng và thu tiền trong Quý 3,4/ 2022. Tổng chi phí đầu tư của dự án lên đến 1.500 tỷ đồng. Đến nay, Vinaconex chưa huy động tiền của khách hàng.

Dự án Thủy điện Đăk ba, Quảng Ngãi do Vinaconex đầu tư xây dựng cũng đã thông hầm toàn tuyến vượt tiến độ 01 tháng, quyết tâm hoàn thành mục tiêu phát điện trong Q4/2022. Khi hoàn thành, thủy điện Đăk Ba có công suất lắp máy 30MW, điện năng trung bình năm 100,43 triệu kWh

Chân kiềng thứ ba đem lại sự vững vàng cho Vinaconex là mảng đầu tư tài chính, với dòng doanh thu ổn định, đạt mức gần 1000 tỷ đồng/năm, tập trung vào các mảng năng lượng sạch, các công trình thủy điện, giáo dục… thông qua các công ty liên doanh/liên kết. Đây cũng là những lĩnh vực được dự báo nhanh chóng hồi phục về mức cao hơn trước đại dịch khi nền kinh tế bình thường trở lại.

Nền tảng tài chính vững vàng

Cùng với việc trúng thầu nhiều dự án xây dựng/xây lắp lớn trong năm 2021/2022 và hạch toán doanh thu bất động sản, mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2022 của Vinaconex là hơn 15.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.400 tỷ đồng, tăng lần lượt 243% và 269% so với thực hiện 2021.

Thực hiện các dự án có quy mô lớn, đòi hỏi năng lực tài chính của Vinaconex ở mức cao trong nhóm các doanh nghiệp lớn. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của TCT đã cho thấy bức tranh tài chính khá tích cực.

Theo đó, doanh thu trong quý 1/2022 tăng khá cao so với cùng kỳ chủ yếu là do tăng doanh thu từ hoạt động xây dựng/xây lắp (tăng gần 100%, chiếm 67% doanh thu). Đáng chú ý, trong quý 1/2022, Vinaconex chưa ghi nhận doanh thu từ mảng bất động sản. Doanh thu trong mảng này kỳ vọng sẽ có nhiều đột phá trong quý 3 và quý 4 năm nay, đến từ 2 dự án lớn là Cát Bà – Amatina và 93 Láng Hạ.

Tại ngày 31/3/2022, tổng tài sản của Vinaconex đạt 30.628 tỷ đồng. Hàng tồn kho (chủ yếu chi phí phát sinh nhưng chưa ghi nhận doanh thu của các dự án bđs và hợp đồng xây dựng/xây lắp) là 3.742 tỷ, tăng 8% so với đầu năm 3.466 tỷ. Trong số dư hàng tồn kho thì số dư liên quan tới các dự án BĐS mà Vinaconex đang thực hiện lên tới hơn 2.500 tỷ. Đây sẽ là cơ sở để hạch toán doanh thu lớn từ BĐS trong năm 2022 như kế hoạch đã đề ra.

Để thực hiện các dự án mà Vinaconex tham gia thi công, đầu tư, TCT cũng đã phát hành trái phiếu cho các định chế tài chính chuyên nghiệp. Trái phiếu do Vinaconex phát hành có lãi suất hợp lý, đều có tài sản đảm bảo, nhằm cung cấp vốn phát triển các dự án bất động sản đang triển khai như Cát Bà – Amatina, dự án 93 Láng Hạ, đáp ứng vốn cho nhu cầu thi công các dự án đầu tư công quy mô lớn. Hiện nay, Vinaconex đã trả nợ trước hạn trái phiếu 500 tỷ đồng từ nguồn tiền thu từ các dự án xây lắp và đầu tư.

Như vậy có thể thấy, quý 1/2022, báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của Vinaconex có nhiều điểm tích cực. Đặc biệt vì quý 1/2022 chưa ghi nhận doanh thu bất động sản nên lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ có nhiều bứt phá về doanh thu lợi nhuận trong các quý tiếp theo, cũng là bảo chứng cho kế hoạch kinh doanh năm 2022 của Công ty nhiều khả năng cán đích sớm.

Tin bài liên quan