Vinamilk (VNM): Dù lãi ròng giảm vẫn dự kiến chi trả cổ tức 40% bằng tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vừa qua, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - HoSE: VNM) vừa công bố báo cáo thường niên 2022 với nhiều điểm đáng chú ý. 
Vinamilk (VNM): Dù lãi ròng giảm vẫn dự kiến chi trả cổ tức 40% bằng tiền mặt

Theo đó, VNM ghi nhận doanh thu năm 2022 đạt 60.075 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm mạnh 16% so với cùng kỳ, đạt 12.757 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2022, VNM ghi nhận lãi 8.578 tỷ đồng, giảm 20% so với con số 10.633 tỷ đồng của năm 2021. Đây là mức lãi ròng thấp nhất kể từ năm 2016 và là lần đầu tiên sau 5 năm Vinamilk báo lợi nhuận sau thuế dưới 10.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước và sau thuế của VNM sụt giảm. Nguồn: BCTC doanh nghiệp

Lợi nhuận trước và sau thuế của VNM sụt giảm. Nguồn: BCTC doanh nghiệp

Bên cạnh đó, các loại chi phí tài chính tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ, lên hơn 617 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay tăng gần gấp đôi. Đến cuối năm 2022, VNM cũng ghi nhận Tổng tài sản giảm 10% so với cùng kỳ, đạt 48.483 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đang có 2.300 tỷ đồng tiền mặt và tương đương cùng với 17.400 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Mặt khác, nợ phải trả của công ty là hơn 15.666 tỷ đồng trong khi Vốn CSH ở mức 32.816 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và 9% so với cùng kỳ năm 2021.

Dù lợi nhuận sau thuế sụt giảm khiến EPS giảm về còn 3.632 đồng/cổ phiếu nhưng Vinamilk vẫn dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ gần 40%. Hiện nay VNM có vốn điều lệ gần 20.900 tỷ đồng, giá trị vốn hóa của doanh nghiệp hiện ở mức 159.046 tỷ đồng, đứng thứ 6 trong nhóm doanh nghiệp VN30. Vốn hóa lớn như vậy nhưng theo báo cáo của VNM thì gần 80% lượng cổ phần doanh nghiệp này lại được sở hữu chỉ bởi 20 cổ đông.

Trong đó, tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tiếp tục là cổ đông lớn nhất sở hữu 36% vốn. Tiếp đến là nhóm F&N sở hữu 20,39% vốn (gồm F&N Dairy Investments Pte chiếm 17,69% và F&N BEV Manufacturing Pte.Ltd chiếm 2,7% vốn) và Platinum Victory Pte.Ltd nắm 10,62% vốn. Đây là nhóm cổ đông lớn nhất của Vinamilk và sở hữu khoảng 67,01% vốn của công ty.

Tính đến cuối năm 2022, tổng sở hữu của các nhà đầu tư trong nước là 44,35%, trong khi đó các nhà đầu tư nước ngoài nắm 55,6%. Tỷ lệ cổ phần thuộc sở hữu của cổ đông nước ngoài tăng 1,21 điểm phần trăm so với năm 2021. Các nhà đầu tư cá nhân chỉ sở hữu 6,6% vốn cổ phần còn 93,4% vốn được sở hữu bởi các nhà đầu tư tổ chức.

Danh sách 20 cổ đông lớn của VNM. Nguồn: Báo cáo của doanh nghiệp.

Danh sách 20 cổ đông lớn của VNM. Nguồn: Báo cáo của doanh nghiệp.

Hiện nay, giá trị thương hiệu Vinamilk đạt 2,8 tỷ USD - tăng 18% so với cùng kỳ, xếp thứ 2 trong Top 5 thương hiệu sữa mạnh nhất toàn cầu và thứ 6 trong Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất thế giới.

Trong năm 2022, Vinamilk là doanh nghiệp duy nhất của ngành sữa được góp mặt trong khu gian hàng Việt Nam - Foods of VietNam tại hội chợ thương mại hàng nông sản, thực phẩm lớn nhất thế giới Gulfood Dubai 2022. VNM cũng đã có lần thứ 6 được công nhận là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNM giảm từ mức 80.750 đồng tại thời điểm đầu năm 2022 và tạo đáy 61.300 đồng hồi giữa tháng 6/2022 trước khi phục hồi trở lại và hiện có giá 74.400 đồng/cổ phiếu. Tính chung trong năm 2022, mã VNM chỉ giảm 12% trong khi VN-Index giảm tới 33% và trở thành một trong số cổ phiếu VN30 giảm ít nhất nhóm trong cùng thời điểm.

Tin bài liên quan