Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của ngành thuỷ sản nói chung và cá tra Việt Nam nói riêng

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của ngành thuỷ sản nói chung và cá tra Việt Nam nói riêng

Vĩnh Hoàn (VHC) thêm áp lực cạnh tranh tại Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ đầu tháng 8 tới, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC - HOSE) là Mỹ sẽ bị cạnh tranh bởi Công ty cổ phần Nam Việt - một trong 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam.

Năm 2022 dự kiến lãi cao, nhưng năm 2023 có thể sẽ giảm

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Vĩnh Hoàn đạt mức tăng trưởng doanh thu cao so với cùng kỳ, nhưng tốc độ tăng giảm dần. Cụ thể, doanh thu tháng 2 là 1.075 tỷ đồng, tăng 137%; doanh thu tháng 3 không công bố; doanh thu tháng 4 là 1.651 tỷ đồng, tăng 98%; doanh thu tháng 5 là 1.509 tỷ đồng, tăng 96%; doanh thu tháng 6 là 1.063 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, thị trường tiêu thụ thủy sản quan trọng nhất của Vĩnh Hoàn là Mỹ sau khi tăng trưởng mạnh từ tháng 1 đến tháng 4 bắt đầu giảm trong tháng 5 và 6. Doanh thu từ thị trường Mỹ trong tháng 5 là 812 tỷ đồng, giảm 17% so với tháng 4; doanh thu trong tháng 6 là 330 tỷ đồng, giảm 59% so với tháng 5.

Trước đó, năm 2021, Vĩnh Hoàn xuất khẩu ra 42 thị trường, tăng thêm 5 thị trường so với năm 2020. Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ, chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp theo là thị trường Trung Quốc chiếm 15%, thị trường châu Âu chiếm 10%, thị trường Anh chiếm 6%...

Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tình hình xuất khẩu thủy sản cả nước đang có dấu hiệu chững lại, dù tháng 6/2022 mang về lượng ngoại tệ trên 1 tỷ USD, tương đương tháng 5 và tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Xét theo quý, trong quý II/2022, xuất khẩu thuỷ sản cả nước ghi nhận doanh số hơn 3,2 tỷ USD, tăng gần 36% so với con số 2,4 tỷ USD của cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tốc độ tăng trưởng quý II thấp hơn quý I.

Theo SSI Research, nhiều công ty thuỷ sản cho biết, tồn kho tại các thị trường xuất khẩu (đặc biệt là Mỹ) hiện ở mức cao, do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2022. Trong khi đó, 2 thị trường lớn là Mỹ và châu Âu đang trong cơn bão lạm phát, ảnh hưởng đến sức mua, nên các công ty nhận định, tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý III/2022.

SSI Research dự báo, năm 2022, Vĩnh Hoàn có thể đạt doanh thu 13.500 tỷ đồng, tăng 49% (6 tháng đầu năm, doanh nghiệp thực hiện được 7.496 tỷ đồng doanh thu, tăng 81% so với cùng kỳ); lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng, tăng 84% so với năm 2021. Tuy nhiên, sang năm 2023, lợi nhuận dự kiến giảm 15%, còn 12.900 tỷ đồng.

Cạnh tranh sẽ gia tăng tại thị trường Mỹ

Năm nay, Vĩnh Hoàn và Nam Việt có khả năng lãi đột biến nhờ sản lượng và giá xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là cá tra tăng cao.

Cá tra là một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của ngành thủy sản, 6 tháng đầu năm 2022 đạt kim ngạch hơn 1,4 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm khoảng 25% tổng doanh số xuất khẩu thuỷ sản (gần 5,8 tỷ USD).

Mỹ là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, với gần 1,32 tỷ USD; riêng mặt hàng cá tra, Mỹ là thị trường lớn thứ hai (sau Trung Quốc), chiếm 25,6%.

Đối với thuế chống bán phá giá tại Mỹ, hiện tại, Vĩnh Hoàn và Nam Việt hưởng thuế suất 0%, Thủy sản Biển Đông chịu thuế 0,19 USD/kg, Thủy sản NTSF và Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ chịu thuế 0,15 USD/kg, các doanh nghiệp khác chịu thuế 2,39 USD/kg.

Theo ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Nam Việt, những năm qua, Nam Việt không thể xuất khẩu sang Mỹ do thuế chống bán phá giá, giúp Vĩnh Hoàn thống lĩnh thị trường này, ghi nhận doanh số xuất khẩu và biên lợi nhuận cao hơn các thị trường khác như Trung Quốc, Đông Nam Á, Nam Mỹ… Nhưng sắp tới, “cuộc chơi” tại thị trường Mỹ sẽ thay đổi khi Nam Việt dự kiến mở rộng thị trường, sẽ xuất khẩu cá tra vào Mỹ kể từ đầu tháng 8/2022.

Trong bối cảnh giá thức ăn cho cá cũng như con giống tăng cao, doanh nghiệp tự chủ được nguồn nguyên liệu sẽ có lợi thế về giá bán. Vĩnh Hoàn đang tự chủ được khoảng 70% nguyên liệu, 30% còn lại phải thu mua từ bên ngoài. Trong khi đó, Nam Việt tự chủ được 100% thức ăn cho việc nuôi trồng và 100% cá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Cụ thể, Nam Việt sở hữu 10 lines nhà máy thức ăn với công suất hơn 1.000 tấn thành phẩm/ngày; 17 vùng nuôi cá của Công ty với tổng diện tích mặt nước đạt 250 ha; gần 600 ha vùng nuôi của doanh nghiệp thành viên là NTTS Nam Việt - Bình Phú, gồm 224 ao cá thịt, 76 ao cá giống; 4 nhà máy chế biến có tổng công suất thiết kế 1.050 tấn cá nguyên liệu/ngày.

Năm 2022, Nam Việt đặt kế hoạch đạt doanh thu 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lãi trước thuế năm 2021 là 151.441 tỷ đồng (lãi sau thuế là 127.739 tỷ đồng).

Trong 4 tháng đầu năm nay, Nam Việt ghi nhận doanh thu 1.644 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 353 tỷ đồng.

“Năm 2022, Nam Việt có khả năng lãi 1.000 tỷ đồng và duy trì trên mức này trong nhiều năm tới. Dù có xuất khẩu sang thị trường Mỹ hay không, Công ty vẫn sẽ đạt kế hoạch lợi nhuận đặt ra”, ông Tới chia sẻ.

Theo dữ liệu từ VASEP, năm 2021 có hơn 10 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tham gia xuất khẩu sang thị trường Mỹ, trong đó Vĩnh Hoàn, Thủy sản Biển Đông và Việt Nam Fishes là 3 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất.

Theo bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, nhiều quốc gia EU và Mỹ đang “trừng phạt” cá minh thái của Nga - vốn là sản phẩm cạnh tranh với cá tra, khiến nguồn cung cá thịt trắng ở các quốc gia đó suy giảm, tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm 2022 có khả năng đạt 2,5 - 2,6 tỷ USD (năm 2021 đạt 1,62 tỷ USD).

Tin bài liên quan