VIS: Lợi nhuận 2013 sẽ khả quan

VIS: Lợi nhuận 2013 sẽ khả quan

(ĐTCK) VIS có thể đạt 3.621 tỷ đồng doanh thu và 47 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2013.

Năm 2012, CTCP Thép Việt-Ý (VIS) gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng, lãi suất ngân hàng ở mức cao. Bên cạnh đó, nhận sáp nhập CTCP Luyện thép Sông Đà (SDS) từ cuối quý II/2012 khiến VIS phải gánh thêm khoản nợ vay dài hạn khoảng 376 tỷ đồng và lượng hàng tồn kho hơn 800 tỷ đồng. Kết thúc năm 2012, VIS đạt 3.886 tỷ đồng doanh thu và lỗ 17,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

VIS: Lợi nhuận 2013 sẽ khả quan ảnh 1

Thị phần tiêu thụ của VIS hiện đứng thứ 4 tại thị trường miền Bắc và đứng thứ 7 trên cả nước, lần lượt đạt 9,5% và 5,6%. Nhờ có dây chuyền sản xuất hiện đại được nhập khẩu đồng bộ từ Ý, VIS có thể sản xuất các loại thép xây dựng đạt chất lượng cao. Với lợi thế là công ty con của Tổng công ty Sông Đà, VIS có nguồn khách hàng ổn định từ các đơn vị thành viên của Tổng công ty. Hiện khoảng 10% sản lượng hàng năm của VIS được tiêu thụ bởi các công ty này.

Nhà máy cán thép hết khấu hao từ cuối năm 2013. Toàn bộ dây chuyền thiết bị và nhà xưởng nhà máy cán thép (công suất 250.000 tấn/năm) của VIS được đầu tư từ năm 2003 sẽ hết khấu hao vào cuối năm nay. Chi phí khấu hao kể từ năm 2014 của VIS sẽ giảm khoảng 30 tỷ đồng/năm.

Áp lực chi phí tài chính tăng sau sáp nhập. Sau khi nhận sáp nhập SDS, VIS phải gánh thêm khoản vay nợ dài hạn của SDS đầu tư nhà máy phôi khoảng 376 tỷ đồng. Đồng thời, đặc điểm hoạt động luyện thép từ phế liệu, với công đoạn sản xuất phức tạp hơn, cần thời gian dự trữ nguyên vật liệu lâu hơn so với việc nhập phôi về cán khiến giá trị hàng tồn kho của VIS luôn ở mức cao và vay nợ ngắn hạn tăng. Cụ thể, giá trị hàng tồn kho trung bình sau khi sáp nhập của VIS trong 4 quý trở lại đây khoảng 894 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với mức trung bình trong 4 quý gần nhất trước sáp nhập (391 tỷ đồng). Công ty đã phải ghi nhận các khoản lỗ trong quý III, IV/2012.

Chịu rủi ro biến động giá nguyên liệu. Mặc dù nhà máy phôi ra đời có thể đảm bảo 100% nhu cầu nguyên liệu cho VIS, nhưng nguyên liệu sản xuất phôi là thép phế liệu vẫn phải nhập khẩu. Trong cơ cấu giá thành sản xuất thép của VIS, chi phí nguyên vật liệu chiếm 90 - 95% giá thành sản xuất, trong đó khoảng 75% là chi phí thép phế liệu, nên có rủi ro khá lớn về giá nguyên liệu đầu vào.

Triển vọng kinh doanh năm 2013. BVSC dự báo, doanh thu của VIS có thể thấp hơn năm 2012 khoảng 6%, do giá bán giảm và sản lượng tiêu thụ không tăng trưởng nhiều. Tuy nhiên, lợi nhuận có thể được cải thiện, do chi phí tài chính giảm và biên lợi nhuận tăng.

Giá thép. Giá thép trên thế giới năm 2013 có thể thấp hơn so với năm 2012 do nhu cầu tiêu thụ thấp và giá các loại nguyên liệu đầu vào đều giảm. Dự báo, giá quặng sắt giảm khoảng 6% so với năm 2012, trung bình đạt 120 USD/tấn, do Trung Quốc (sản xuất khoảng 60% sản lượng than coke trên thế giới) dỡ bỏ thuế suất xuất khẩu.

Sản lượng tiêu thụ. Tình hình thị trường bất động sản có thể sẽ không có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2013, đồng thời sản lượng thép cán của VIS cũng đã đạt đến mức giới hạn công suất, do đó, chúng tôi giả định sản lượng thép xây dựng của VIS sẽ đạt 250.000 tấn trong năm 2013. Đối với hoạt động sản xuất phôi, ngoài phần sản lượng cung cấp cho khâu cán thép, sản lượng tiêu thụ bên ngoài được giả định thận trọng ở mức 20.000 tấn.

Chi phí tài chính. Với mặt bằng lãi suất cho vay VND ở mức 13%/năm và vay USD ở mức 5%/năm, chúng tôi ước tính chi phí lãi vay của VIS trong năm 2013 vào khoảng 151 tỷ đồng, giảm 24% so với năm 2012.

Biên lợi nhuận năm 2013 sẽ được cải thiện. Trong quý I, do dự trữ được lượng hàng tồn kho lớn (hơn 700 tỷ đồng) và giá thép tăng theo đà tăng của giá thế giới đã giúp VIS đạt mức biên lợi nhuận khá tốt (10,4%). Giả định 3 quý cuối năm, biên lợi nhuận của VIS duy trì mức trung bình 6,5% của năm 2012, chúng tôi ước tính VIS có thể đạt 3.621 tỷ đồng doanh thu và 47 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2013.

Khuyến nghị đầu tư. Trong ngắn hạn, VIS là một cổ phiếu đáng chú ý do được hưởng lợi lớn từ chi phí lãi vay và khấu hao giảm và kết quả kinh doanh khả quan hơn. Về dài hạn, chúng tôi cho rằng, VIS không phải là một cổ phiếu phù hợp với hoạt động đầu tư giá trị, vì cạnh tranh trong ngành lớn do công suất đã dư thừa; hoạt động sản xuất không mang lại nhiều giá trị gia tăng do chi phí nguyên vật liệu chiếm đến 90% giá thành sản xuất; hiệu quả kinh doanh chủ yếu nhờ khả năng nhận định tình hình thị trường để đưa ra quyết định nhập nguyên vật liệu giá rẻ; hoạt động tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc lớn vào 1 DN phân phối. Trong khi đó, sản phẩm phôi không có nhiều lợi thế cạnh tranh khi hiệu suất sử dụng thấp, chi phí khấu hao và lãi vay lớn.

Bài  viết được cung cấp bởi CTCK Bảo Việt và chỉ có giá trị tham khảo