VN-Index chậm lại, nhóm xây dựng hạ tầng có động lực mạnh mẽ trong dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Bức tranh thị trường chứng khoán tuần qua cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành. Điểm tích cực là áp lực bán tại các nhóm dẫn dắt chưa mạnh.

VN-Index chậm lại

Tuần qua, thị trường chứng khoán nhìn chung duy trì sắc xanh. VN-Index có thời điểm tăng mạnh, nhưng đà hưng phấn dần chững lại khi chỉ số tiến sát vùng kháng cự 1.320 - 1.340 điểm. Áp lực chốt lời gia tăng khiến thị trường điều chỉnh, thu hẹp mức tăng trước đó. Khép lại tuần giao dịch, VN-Index đóng cửa tại 1.314,46 điểm, tăng hơn 13 điểm. Bên cạnh đó, thanh khoản suy giảm là một dấu hiệu cho thấy sự thận trọng đang quay trở lại khi thị trường đối diện vùng đỉnh ngắn hạn cũ.

Về mặt diễn biến nhóm ngành, bức tranh thị trường trong tuần qua cho thấy sự phân hóa rõ nét.

Dẫn dắt đà tăng vẫn là nhóm cổ phiếu bất động sản - đặc biệt là bộ ba VIC, VHM và VRE, giữ vai trò “đầu tàu” kéo thị trường đi lên. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu đơn lẻ như HVN, TCB, GEX và STB góp phần không nhỏ vào gam màu tích cực của thị trường. Ngoài ra, nhóm ngành điện, xây dựng và vật liệu cũng nổi bật với những phiên tăng giá mạnh, trở thành điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh.

Ngược lại, nhóm ngân hàng có tuần giao dịch không mấy khởi sắc. Một số mã lớn như LPB, VCB, BID có diễn biến điều chỉnh rõ rệt về cuối tuần, tạo áp lực không nhỏ lên VN-Index. Nhóm công nghệ thông tin và khu công nghiệp cũng ghi nhận trạng thái kém sôi động.

Trên sàn HOSE, khối ngoại có những phiên mua - bán ròng đan xen. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, khối này bán ròng hơn 550 tỷ đồng. Áp lực bán tập trung vào các mã lớn như VHM, FPT, VCB, VRE và SSI. Ở chiều mua ròng, dòng vốn ngoại tìm đến các mã như FUEVFVND, MWG, STB, MBB, VIX và HVN.

Sau một nhịp hồi phục khá ấn tượng, thị trường dần chậm lại khi VN-Index tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.320 - 1.340 điểm. Tâm lý thận trọng gia tăng, cùng với áp lực chốt lời ở nhiều nhóm cổ phiếu khiến thị trường có dấu hiệu điều chỉnh nhẹ vào cuối tuần. Quán tính điều chỉnh có thể sẽ tiếp diễn trong tuần này. Điểm tích cực là áp lực bán tại các nhóm dẫn dắt như bất động sản, chứng khoán và một phần ngân hàng chưa mạnh, cho thấy đây có thể là nhịp điều chỉnh kỹ thuật, tạo nền tích lũy cho xu hướng tăng kế tiếp.

Xây dựng hạ tầng có động lực mạnh mẽ trong dài hạn

Dẫn dắt đà tăng vẫn là nhóm cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là bộ ba VIC, VHM và VRE, bên cạnh đó là nhóm ngành điện, xây dựng và vật liệu, cùng một số cổ phiếu đơn lẻ như HVN, TCB, GEX và STB.

Năm 2025 đánh dấu mốc quan trọng khi là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Chính phủ đã đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng, tương đương 6,4% GDP, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tính đến hết tháng 4/2025, tổng giải ngân đầu tư công đạt 128.500 tỷ đồng, tương đương 15,56% kế hoạch năm. Mặc dù tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%), nhưng giá trị tuyệt đối lại cao hơn 18.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu giải ngân cả năm 2025 phải đạt 100% kế hoạch, thay vì mục tiêu 95% như trước, coi đây là yếu tố trọng yếu để đảm bảo ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ cũng xác định đầu tư công là động lực chủ yếu để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 7,5 - 8,5%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Nguồn vốn này sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm như Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Sân bay quốc tế Long Thành, Tuyến đường sắt Bắc Nam.

Sự gia tăng đầu tư công đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng và hạ tầng. Theo thống kê, năm 2024, các doanh nghiệp hạ tầng ghi nhận mức tăng doanh thu 19% và lợi nhuận ròng tăng 26% so với năm liền trước. Dự báo, năm 2025, với việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng sẽ tiếp tục hưởng lợi, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia.

Nhóm cổ phiếu xây dựng - hạ tầng (CTD, FCN, VCG) có cơ hội lớn trong ngắn hạn với làn sóng giải ngân đầu tư công, thực thi dự án dồn dập. Trong khi đó, xi măng, thép, logistics, thiết bị điện - xây dựng (HPG, BMP, NKG, HSG, NTP, KSB, HT1) sẽ được hưởng lợi gián tiếp. Với tốc độ giải ngân tăng, nhu cầu vật liệu và dịch vụ hậu cần sẽ tăng mạnh.

Tin bài liên quan