Ông Phan Đức Trung.

Ông Phan Đức Trung.

VN-Index chỉ làm nản lòng NĐT ngắn hạn

(ĐTCK) Sau khi phá ngưỡng 300 điểm, VN-Index lao dốc với biên độ mạnh khiến nhiều NĐT lo lắng một đợt xả hàng sẽ xảy ra khiến cho tính thanh khoản trên thị trường giảm mạnh. Với góc nhìn của một NĐT chuyên nghiệp, ông Phan Đức Trung, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ FPT Capital cho rằng, TTCK Việt Nam khó có thể đi ngược với xu hướng trên TTCK thế giới và đây chính là thời điểm cần cải thiện quản trị DN, cho phép thực hiện một số sản phẩm mới để thu hút các NĐT.

VN-Index giảm mạnh, có nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng, song khá đông NĐT coi đó là việc bình thường, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, tình trạng đổ đốc của VN-Index trong 2 tháng qua xuất phát từ 2 điều chỉnh lớn. Một là điều chỉnh từ yếu tố bên ngoài, với sự điều tiết chung của tình hình thế giới, giá, P/E trung bình của các cổ phiếu bắt buộc phải giảm trong xu thế khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mặc dù TTCK Việt Nam không bị ảnh hưởng trực tiếp nhanh đến như vậy, nhưng chúng ta có thể thấy rất rõ hiệu ứng biến động chỉ số Dow Jones của Mỹ tác động lên các NĐT trong nước, do thị trường Việt Nam quá ít thông tin đủ để thỏa mãn nhu cầu của họ. Thay vì phân tích các giá trị nội tại, họ đã chuyển sang thuần túy phân tích theo kiểu xem mạng thông tin Bloomberg để tự xác định cho mình tâm lý chơi trên thị trường Việt Nam. Tâm lý này cũng là bình thường khi thị trường biến động mạnh, các NĐT phải bằng mọi cách tạo tâm lý ổn định riêng cho mình. Các nhà ĐTNN vẫn bán ra nhiều hơn mua vào hoặc không bơm thêm vốn trước khi VN-Index rút xuống dưới 300 điểm. Quan điểm của họ là hoặc kiên trì chờ VN-Index xuống dưới 300 hoặc thế giới có nhiều sự hấp dẫn hơn nên có thể cân bằng danh mục toàn cầu. Bằng chứng rõ rệt nhất là sự bán mạnh trái phiếu chính phủ trong những tháng qua. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho các NĐT trong nước trong giai đoạn vừa qua.

Yếu tố thứ hai khiến VN-Index giảm là thị trường không mấy tin tưởng về quản trị DN tại các DN có cấu trúc vốn nhà nước trên 51%. Trước đây, sự mất tin tưởng ở các quy tắc quản trị DN với công ty niêm yết chỉ ở mức các NĐT quy kết việc HĐQT bán cổ phiếu là vấn đề nặng nề, cách điều chỉnh lúc đó là họ đã bán khéo léo hơn và phần nào trấn an được NĐT. Tuy nhiên, với các lỗi quản trị DN vừa qua ở các công ty lớn cho thấy, nhiều khi lợi ích của nhóm cổ đông sở hữu 49% vốn có thể gặp rủi ro cao từ các lá phiếu 51% và cơ bản là không có cách khắc phục.

Với ảnh hưởng của 2 điều chỉnh lớn như vậy trong giai đoạn vừa qua, tôi nghĩ, VN-Index nằm ở mức 270 - 320 là hợp lý và thích hợp cho chiến lược đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ quan điểm là qua các đợt điều chỉnh này thì cổ phiếu nào mới là quan trọng và VN-Index chỉ là chỉ số làm nản lòng các NĐT ngắn hạn nếu họ chưa biết chọn cổ phiếu nào mà thôi.

Nói như ông có nghĩa là nhìn vào VN-Index để đánh giá thị trường không hẳn là chính xác?

VN-Index cần phân hóa ra các chỉ số để phán ánh được chất lượng cổ phiếu, chắc chắn các CTCK và quỹ đầu tư sẽ xây dựng các bộ chỉ số giúp NĐT nhìn nhận thị trường rõ hơn. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có thể sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các chỉ số thị trường. Suy thoái kinh tế toàn cầu cho thấy, ai không có nguồn tiền dài hạn thì không nên tham gia thị trường vốn. Hãy nhường lại thị trường cho các tổ chức, NĐT chuyên nghiệp để tập trung vào những công việc cụ thể của từng cá nhân hay DN. Các tổ chức nghề nghiệp như Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán hay Câu lạc bộ Các công ty quản lý quỹ (chuẩn bị thành lập) cần cổ vũ nâng cao các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp và công tác truyền thông đạo đức nghề nghiệp làm cơ sở tạo niềm tin cho NĐT. Nhìn nhận thị trường thời điểm này, về ngắn hạn thì chưa thể dự báo gì ngoài việc căn cứ vào chính sách vĩ mô và đặc biệt là chính sách tiền tệ để phân tích. Về dài hạn, tôi tin tưởng vào các cơ hội ở phía trước.

Có ý kiến cho rằng, nhà ĐTNN tiếp tục bán ròng chứng khoán nhằm đầu cơ giá xuống, đồng thời chuyển sang USD chờ tỷ giá điều chỉnh lên, khi mà năm 2009 Việt Nam được dự báo sẽ gặp khó khăn trong cán cân thanh toán, ông nghĩ sao?

Tôi nghĩ, giai đoạn vừa rồi cả nhà ĐTNN và NĐT trong nước đều gặp khó khăn và tổn thất. Khi nhà ĐTNN vào Việt Nam, họ chấp nhận rủi ro tỷ giá. Quản lý rủi ro này là một vấn đề hoàn toàn khác, nó có ảnh hưởng, nhưng không nhiều với dòng vốn đã đầu tư. Tỷ giá chỉ ảnh hưởng ở dòng đầu tư trái phiếu chính phủ và dòng vốn dự kiến đầu tư mà thôi. Cá nhân tôi rất tin tưởng vào cơ chế điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước về dài hạn và hoàn toàn ủng hộ cách điều hành trong giai đoạn vừa qua.

Ngân hàng đang thừa tiền, DN cũng không mặn mà vay vốn do tiêu thụ hàng hóa khó khăn, nguồn tiền này liệu có chảy lại thị trường qua kênh trái phiếu, cổ phiếu?

Lãi suất sẽ giảm và biến động sau tháng 1/2009 là nhanh nhất. Ngân hàng đang thừa tiền không có nghĩa là họ có tiền mà họ đang chịu áp lực nhiều của người gửi tiền. Lợi nhuận cũng rất mong manh. Họ cũng là DN, nhưng có đặc thù là thu lợi nhuận trên rủi ro. Khủng khoảng kinh tế toàn cầu tạo ra hệ số rủi ro DN cao hơn thì cần có thời gian họ mới có thể điều chỉnh được các tiêu chuẩn chấp nhận rủi ro của mình.

Trái phiếu dù thế nào vẫn là một thị trường rất hấp dẫn. Ngân hàng HSBC đã nhiều lần dự đoán thị trường trái phiếu DN bùng nổ tại Việt Nam. Chỉ có điều, các DN đủ tiêu chuẩn chưa tận dụng được cơ hội này. Chính phủ đang dự kiến chi 1 tỷ USD cho kích cầu, con số đó là tiền thực thì không nhỏ chút nào.

Vậy theo ông, giai đoạn này nên thực hiện biện pháp gì để cải thiện sức cầu?

Cải thiện sức cầu của TTCK một cách gấp gáp là không cần thiết, thậm chí có thể đi ngược lại xu thế bây giờ. Theo tôi, tranh thủ trong lúc thị trường như hiện tại áp dụng 2 biện pháp. Một là tăng cường các tiêu chuẩn về minh bạch thông tin của các công ty niêm yết và thúc đẩy các hiệp hội nghề nghiệp đề cao tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Hai là mở rộng hành lang pháp lý cho các sản phẩm phái sinh chứng khoán. Ngoài sản phẩm duy nhất là spot (giao ngay), cần tạo hành lang pháp lý cho các sản phẩm phái sinh như short sale (bán khống), margin (giao dịch ký quỹ), option (quyền chọn)…