Ảnh minh họa: ĐTCK

Ảnh minh họa: ĐTCK

VN-Index nhìn từ sự chuyển động của S&P 500

(ĐTCK-online) Ngày 30/10/2009 là ngày giao dịch cuối cùng của TTCK Mỹ trước Lễ Hallowen. Chứng khoán Mỹ sang tháng 11 sẽ có diễn biến như thế nào khi ngày lễ này qua đi? Kịch bản nào cho TTCK Việt Nam trước những biến động từ TTCK Mỹ khi chỉ số giá của hai thị trường có mối tương quan khá cao?

Diễn biến  TTCK Mỹ

Theo "hiệu ứng Hallowen", NĐT thường thu được tỷ suất sinh lợi thấp hơn khi mua chứng khoán từ tháng 4 đến tháng 10 (kết thúc bằng ngày Hallowen) so với giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 4. Thực tế, NĐT trong năm 2009 lại thu được tỷ suất sinh lợi lên đến 61,8% (tính theo S&P 500) khi TTCK phục hồi mạnh từ đầu tháng 3 cho đến nay. Nhưng liệu rằng, TTCK Mỹ có khởi khắc khi ngày 30/10 (ngày giao dịch cuối cùng trước Lễ Hallowen) đi qua hay không? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi thực hiện các bước test dựa theo lý thuyết sóng Elliot và tỷ lệ Fibonacci.

Theo đồ thị phân tích kỹ thuật S&P 500, sau khi suy giảm, sự phục hồi của thị trường đến nay hình thành 3 sóng được ký hiệu A - B - C. Ba sóng này có thể là 3 sóng hiệu chỉnh a - b - c hoặc có thể là 3 sóng của 5 sóng tăng 1 - 2 - 3 - 4 - 5 theo lý thuyết sóng Elliot. Hiện nay, S&P 500 đang ở trong sóng 5 nhỏ thuộc sóng C (trong sóng có sóng). Điều này cho thấy, S&P 500 cần một sự điều chỉnh trong sóng 4 của mô hình 5 sóng, thậm chí là sóng 1 của 5 sóng giảm lớn của chu kỳ giảm điểm.

Đồ thị phân tích kỹ thuật S&P 500

Đồ thị phân tích kỹ thuật S&P 500

Trong nhiều ngày qua, giới phân tích kỹ thuật ở Mỹ dự đoán mức đỉnh của sóng 5 nhỏ thuộc sóng C có thể quanh mức đỉnh 1.121 điểm. Lý do, đây chính là mức phục hồi 50% khi thị trường giảm từ đỉnh 1.562,42 điểm (ngày 10/10/2007) đến mức đáy 666,79 điểm (ngày 6/3/2009). Vì vậy, khả năng NĐT có tâm lý chốt lời quanh 1.121 điểm là rất lớn. Mức điểm này tương ứng với vạch Fibonacci 50%. Do vậy, đỉnh sóng 5 nhỏ thuộc sóng C có thể đạt tới mức này nhằm tạo ra tỷ lệ Fibonacci trong chuyển động của giá chứng khoán.

Không những các chuyển động giá, mà ngay khía cạnh thời gian cũng tuân theo các con số Fibonacci (xem bảng). Các số 8, 13, 21 (tuần) chính là những số thuộc dãy Fibonacci. Tương tự, khoảng cách thời gian giữa đỉnh hoặc của các chu kỳ lớn đều tạo ra những con số thuộc dãy Fibonacci là 21, 34, 55.

Khoảng cách thời gian của các đỉnh hoặc đáy tạo nên các con số Fibonacci

Chu kỳ nhỏ (màu ô liu)

Chu kỳ lớn (màu hồng)

Thời gian

Chênh lệch
(số tuần)

Thời gian

Chênh lệch
(số tuần)

15/8/2008 - 10/10/2008

8

10/10/2008 - 6/3/2009

21

10/10/2008 - 6/1/2009

13

6/3/2009 - 5/6/2009

13

15/8/2008 - 6/1/2009

21

10/10/2008 - 5/6/2009

34

6/1/2009 - 6/3/2009

8

5/6/2009 - 30/10/2009

21

6/3/2009 - 5/6/2009

13

6/3/2009 - 30/10/2009

34

6/1/2009 - 5/6/2009

21

10/10/2009 - 30/10/2009

55

6/3/2009 - 5/6/2009

13

 

 

5/6/2009 - 3/8/2009

8

 

 

6/3/2009 - 3/8/2009

21

 

 

3/8/2009 - 30/10/2009

13

 

 

Có hai kết luận được rút ra. Thứ nhất, có thể sử dụng mốc thời gian tạo đỉnh hoặc đáy trước đó để dự báo đỉnh hoặc đáy mới cho S&P 500 theo quy luật của các con số thuộc dãy Fibonacci. Ngày 30/10 có thể là một đỉnh mới của S&P500, vì xu hướng trước đó là một xu hướng tăng. Tuy nhiên, lưu ý rằng, do các con số Fibonacci trên được lấy theo giá trị gần đúng nên các nhà phân tích kỹ thuật thường sử dụng biên độ dao động 1 tuần quanh mốc thời gian 30/10/2009. Thứ hai, đà tăng giá kéo dài từ ngày 3/6/2009 đến nay đã gần kết thúc và S&P500 cần những phiên điều chỉnh. Mục tiêu giá đầu tiên cho đợt điều chỉnh giảm là vạch Fibonacci 38,2%, tương ứng với mức 1.000 điểm của S&P 500.

 

Kịch bản cho VN-Index

Chúng tôi thường sử dụng chỉ số S&P 500 làm chỉ báo đầu tư cho VN-Index, bởi sự tương quan của hai chỉ số này khá cao - 94,76% trong giai đoạn 6/3 - 23/10/2009. Phân tích trên chỉ ra khả năng điều chỉnh của S&P 500 trong tháng 11, do đó rất có thể VN-Index cũng sẽ có sự điều chỉnh tương tự.

Khả năng điều chỉnh của VN-Index còn xuất hiện khi thị trường đang thiếu đi thông tin hỗ trợ khi báo cáo tài chính quý III của các DN đã được công bố gần hết. Trong khi đó, thông tin về chia thưởng cổ phiếu không còn hấp dẫn như trước, do thời gian chưa đầy hai tháng còn lại của năm không đủ để DN kịp thực hiện chia thưởng cho cổ đông. Hiện nay, các khoản thuế thu nhập cá nhân từ lãi vốn được miễn đến hết năm 2009 và sẽ bắt đầu thu từ năm 2010. Trong khi đó, việc hoàn tất thủ tục chia thưởng cổ phiếu phải trải qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian, nhất là đối với những DN có cổ phiếu quỹ.

Hoạt động kinh doanh của một số DN thuộc các nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường như tài chính, bất động sản, thủy sản… có thể gặp khó khăn trong thời gian tới. Từ đầu quý III tới nay, thị trường bất động sản có dấu hiệu "nguội" trở lại trước tác động của một số chính sách. Chẳng hạn, Thông tư số 161/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng hợp đồng góp vốn hưởng quyền mua căn hộ, nền nhà khiến lượng cung có dấu hiệu tăng. Việc Ngân hàng Nhà nước chủ trương siết tín dụng đối với hoạt động mua nhà trả góp hay sửa chữa nhà có thể làm cho lượng cầu yếu đi.

Ngành thủy sản cũng cho thấy khó khăn trong hoạt động xuất khẩu. Trong tháng 9, xuất khẩu cá tra, ba sa chỉ đạt 58,554 tấn, trị giá 125,2 triệu USD. Mức giá trị này giảm 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp.

Ngành ngân hàng dự kiến cũng gặp trở ngại trong thời gian tới. Tính đến hết quý III, tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn hệ thống là 28%, gần chạm mức trần 30% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nên hoạt động tín dụng của nhiều ngân hàng khó có thể mở rộng. Trong khi đó, NHNN vừa có công văn trả lời về Thông tư 01/2009/TT-NHNN. Theo đó, tín dụng mua, sửa chữa nhà trả góp không còn được liệt vào cho vay tiêu dùng như trước và các ngân hàng phải cho vay theo trần lãi suất, chứ không phải lãi suất thỏa thuận như trước đây. Ngoài ra, những tín hiệu gần đây cho thấy, NHNN sẽ không sớm tăng lãi suất cơ bản. Điều này khiến các ngân hàng khó duy trì được lợi nhuận cao do chênh lệch lãi suất huy động và cho vay rất thấp.