VN-Index tăng phiên thứ 6 liên tiếp, "sóng tháng Giêng" đã tới?

VN-Index tăng phiên thứ 6 liên tiếp, "sóng tháng Giêng" đã tới?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số VN-Index đã test thành công mốc 1.150 điểm và nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là động lực chính giúp thị trường bước tiếp để xác lập phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp.

Áp lực bán đã gia tăng trong nửa cuối phiên sáng 5/1 khiến thị trường trở nên rung lắc và may mắn hồi nhẹ sắc xanh khi tạm dừng phiên giao dịch. Đồng thời, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư sau phiên hạ độ cao đột ngột cuối ngày hôm qua cùng diễn biến VN-Index đã trải qua 5 phiên tăng liên tiếp, đã khiến thanh khoản thị trường sụt giảm đáng kể.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường giao dịch phân hóa mạnh và chỉ số VN-Index tiếp tục trạng thái giằng co nhẹ quanh vùng giá 1.150 điểm. Sau hơn nửa phiên rung lắc nhẹ, lực cầu đã cải thiện với tâm điểm hướng vào các cổ phiếu ngân hàng, đã tiếp sức giúp VN-Index vượt qua mốc tham chiếu và duy trì đà nhích nhẹ đến cuối phiên.

Thị trường đóng cửa tăng nhẹ nhưng vẫn ghi nhận là vùng giá cao nhất của phiên chiều, xác lập phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp. Đặc biệt là những tia sáng ở nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng vẫn là điểm tựa của thị trường, tiếp thêm hy vọng rằng “sóng tháng Giêng” đã tới!

Chốt phiên, sàn HOSE khá cân bằng với 221 mã tăng và 267 mã giảm, VN-Index tăng 3,96 điểm (+0,34%), lên 1.154,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 803,27 triệu đơn vị, giá trị hơn 16.300 tỷ đồng, giảm 32,2% về khối lượng và 35,56% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 43 triệu đơn vị, giá trị 905,12 tỷ đồng.

Như đã nói, nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính của thị trường với sắc xanh lan rộng toàn ngành, ngoại trừ VPB giảm nhẹ 0,8% và EIB đứng giá tham chiếu. Trong đó, BID vẫn đóng góp lớn nhất, đạt gần 1,3 điểm cho chỉ số chung; tiếp theo là CTG và MBB đều đóng góp hơn 0,5 điểm cho chỉ số chung.

Bên cạnh đó, STB là mã tăng tốt nhất dòng bank khi đóng cửa tăng 2,4% lên mức 29.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 31,29 triệu đơn vị, trong khi SHB sôi động nhất thị trường với thanh khoản đạt 39,86 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,9% lên 11.550 đồng/CP.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường là nhóm thủy sản với mã VHC tăng hơn 4%; các mã khác là ASM cũng tăng 4,27%, ANV và IDI cùng tăng hơn 2%, CMX và FMC cũng tăng nhẹ.

Nhóm chứng khoán cũng khởi sắc hơn khi chỉ còn một vài mã chưa thoát khỏi trạng thái điều chỉnh nhẹ. Trong đó, mã lớn SSI tăng tốt nhất ngành khi đóng cửa tăng 1,6% lên mức giá cao nhất trong ngày 34.150 đồng/CP, đồng thời thanh khoản dẫn đầu nhóm chứng khoán với gần 25,14 triệu đơn vị. Cổ phiếu có thanh khoản đứng ở vị trí tiếp theo là VND đạt 23,8 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu.

Xét về vốn hóa, trong khi nhóm bluechip hồi phục nhẹ nhờ diễn biến tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, thì ở rổ vừa và nhỏ, cổ phiếu HNG tiếp tục có sức hút mạnh. Lực cầu tăng mạnh đã giúp HNG đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 3,3% lên mức 5.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 16,8 triệu đơn vị, dù cổ đông lớn HAG vừa có thông báo đăng ký bán ra hơn 13,3 triệu cổ phiếu.

Trong khi đó, HAG có chút thu hẹp biên độ và đóng cửa giảm 1,5%, xuống mức 13.100 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua SHB với gần 34,25 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, sau thông tin bị cưỡng chế gần 1.300 tỷ đồng tiền thuế và chậm trả lãi cho lô trái phiếu 400 tỷ đồng, cổ phiếu PSH đã đóng cửa tại mức giá sàn 9.680 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 4,53 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 2,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, dù phần lớn thời gian thị trường giao dịch lình xình dưới mốc tham chiếu, nhưng lực cầu cải thiện cuối phiên đã giúp HNX-Index đảo chiều thành công.

Đóng cửa, sàn HNX có 70 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,09%), lên 232,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 59,58 triệu đơn vị, giá trị 1.097,75 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,16 triệu đơn vị, giá trị 39,63 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 đã góp công lớn giúp thị trường khởi sắc trở lại, khi chỉ còn 5 mã mất điểm trong biên độ chỉ trên dưới 1%; trong khi ở chiều ngược lại có 15 mã tăng với VCS tăng tốt nhất là 4%, tiếp theo là LAS tăng 3,5%.

Trong đó, SHS vẫn có thanh khoản dẫn đầu, đạt hơn 12,33 triệu đơn vị và đóng cửa đã lấy lại mốc tham chiếu 18.700 đồng/CP. Các cổ phiếu chứng khoán khác như MBS, BVS hồi phục nhẹ, VIG đứng giá tham chiếu.

Một số mã đáng chú ý trong nhóm HNX30 hồi phục tích cực về cuối phiên như HUT và TNG cùng tăng 1% lên vùng giá cao trong ngày, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 3,14 triệu đơn vị và 1,38 triệu đơn vị.

Điểm nóng TKG chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi đóng cửa giữ vững sắc tím tại mức giá 11.000 đồng/CP và còn dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng đã nhận “tín hiệu xanh” về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,23%) lên 87,93 điểm với 173 mã tăng và 124 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 39 triệu đơn vị, giá trị 429,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,39 triệu đơn vị, giá trị 24,15 tỷ đồng.

Cổ phiếu chuẩn bị chia tay UPCoM để niêm yết trên sàn là NAB đã hồi nhẹ cuối phiên, đóng cửa tăng 0,6% lên 15.900 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 1,34 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, cặp đôi nhỏ DPS và FTM đều thuộc top 5 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường, cùng đạt hơn 1,3 triệu đơn vị và đóng cửa tăng trần.

Cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản vẫn là BCR đạt 4,85 triệu đơn vị, đóng cửa vẫn giảm 5,8% xuống 8.100 đồng/CP. Tiếp theo là BSR khớp 4,18 triệu đơn vị, đóng cả tăng nhẹ 0,5% lên 18.900 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, trong đó, VN30F2401 tăng 9,5 điểm, tương đương +0,8% lên 1.166 điểm, khớp lệnh đạt hơn 199.450 đơn vị, khối lượng mở đạt 56.200 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CSTB2322 phiên này thanh khoản tốt nhất với 6,73 triệu đơn vị, giá giảm 8,4% xuống 760 đồng/cq. Theo sau là CSTB2327 với 4,47 triệu đơn vị và tăng 9,1% lên 600 đồng/cq.

Tin bài liên quan