VN-Index trước những tín hiệu lạc quan

VN-Index trước những tín hiệu lạc quan

(ĐTCK-online) VN-Index có nhiều triển vọng bứt phá khi đứng trước những tín hiệu lạc quan ở cả trong nước và từ bên ngoài.

VN-Index trước những tín hiệu lạc quan ảnh 1

Tín hiệu phục hồi từ thị trường Mỹ

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tuyên bố: tín hiệu phục hồi của nền kinh tế Mỹ ngày càng một rõ ràng hơn. Vậy đâu là những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế nước này?

Thứ nhất, chỉ số PMI (Purchasing Manager Index) đạt mức 52,9. Đây là tín hiệu rõ nét cho thấy sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ khi PMI chấm dứt chuỗi 18 tháng nằm trong vùng suy thoái kể từ tháng 2/2008 (PMI trên 50 được gọi là tăng trưởng, dưới 50 là suy thoái). Thêm vào đó, lượng đơn đặt hàng lâu bền mới trong tháng 7/2009 tăng 4,9% so với tháng 6 (tháng 6 giảm 1,3%).

Thứ hai, thị trường lao động Mỹ có những thay đổi tích cực. Từ tháng 6/2009 đến nay, lượng người nộp đơn xin trợ trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm từ trên 600.000 người/tháng xuống dưới 500.000 - 600.000 người/tháng. Theo số liệu mới nhất được Bộ Lao động Mỹ công bố, lượng lao động đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tháng 8 là 550.000 người, thấp hơn dự báo 560.000 người của các nhà kinh tế.

Thứ ba, thị trường bất động sản Mỹ có những khởi sắc. Doanh số bán nhà mới trong tháng 7/2009 tăng 9,6% so với tháng 6, lên mức 433.000 nhà (tháng 6 tăng 9,1%). Ngoài ra, số lượng nhà đất thu hồi trong tháng 8 giảm 0,5% so với tháng 7, xuống mức 358.471. Đây là mức sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 5/2009.

 

Những yếu tố hỗ trợ cho TTCK Việt Nam

Bên cạnh tín hiệu lạc quan từ kinh tế thế giới, TTCK Việt Nam đang được hỗ trợ bởi một số yếu tố sau:

Thứ nhất, "mùa" công bố kết quả kinh doanh: Vào tháng 5/2009, nhiều DN niêm yết "nhiệt tình" công bố kết quả lợi nhuận khả quan trong 5 tháng đầu năm đã tạo lực đẩy cho TTCK. Hiện nay, làn sóng công bố kết quả lợi nhuận tiếp tục xuất hiện khi nhiều DN công bố kết quả kinh doanh trong 8 tháng đầu năm. Tương ứng với kết quả kinh doanh khả quan, giá cổ phiếu của một số DN đã tăng rất mạnh. Chẳng hạn, cổ phiếu HSG từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 đã tăng từ 3 "chấm" lên 6 "chấm".

Nhiều NĐT tiếp tục kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tốt đẹp của DN. Ví dụ như ngành thép, ngành nhựa vẫn được kỳ vọng tăng trưởng cao nhờ lượng nguyên vật liệu giá rẻ trước đó. Thời điểm nửa cuối năm là mùa kinh doanh của một số DN như bánh kẹo, thực phẩm, xuất khẩu gỗ...

Lợi nhuận của một số DN 8 tháng đầu năm 2009

Mã CK

Lợi nhuận trước thuế

Lợi nhuận sau thuế

So KH năm

HAP

 

30,0

101,0%

HSG

145,0

 

201,3%

VNC

 

19,5

104,0%

VIP

80,5

 

91,0%

VGS

30,0

 

150,0%

CTS

81,8

 

136,0%

VNL

20,0

 

99,8%

GMC

 

36,0

109,0%

Eximbank

1.054,0

 

70,0%

HDBank

172,0

 

101,0%

ABBank

245,9

 

61,5%

Nguồn: Vietstock.com.vn. Đơn vị: tỷ đồng

Thứ hai, làn sóng chia thưởng cổ phiếu. Giống như giai đoạn 2006 - 2007, NĐT luôn bị hấp dẫn bởi những cổ phiếu có chia thưởng. Mặc dù một số nhà phân tích đã chỉ ra rủi ro của chiến lược đầu tư theo cổ phiếu thưởng, nhưng trước sự hấp dẫn của lãi vốn, đây vẫn là "mốt" đầu tư đang thịnh hành. Ngoài một số DN chuẩn bị chia thưởng cổ phiếu như VNM (tỷ lệ 100%), không ít DN khác đang chuẩn bị lấy ý kiến cổ đông về việc chia thưởng như PCL (25%), MHC (15%), UNI (100%), DHG (33,3%), VSH (50%), KDC (40%)…

Sở dĩ NĐT dự báo sự xuất hiện của làn sóng chia thưởng cổ phiếu là do nhiều DN niêm yết đã tiến hành bán xong cổ phiếu quỹ. Chẳng hạn, SSI, STB, HAG, VNM, ABT… đã giải phóng hết lượng cổ phiếu quỹ đang nắm giữ. Việc bán cổ phiếu quỹ là điều kiện cần thiết để DN tiến hành chia thưởng cổ phiếu, vốn được ĐHCĐ thông qua hồi đầu năm (hoặc ĐHCĐ bất thường gần đây). Đây cũng là lý do khiến thị trường xuất hiện các tin đồn chia thưởng cổ phiếu liên quan đến một số mã như: SSI, SJS, BVS, ABT...

Thứ ba, TTCK chưa bị định giá là quá cao. Theo tính toán của chúng tôi, chỉ số P/E 2009 của TTCK Việt Nam vào khoảng 19 lần dựa trên kế hoạch đề ra hồi đầu năm của các DN. Với tình hình nhiều DN vượt kế hoạch như hiện nay, chỉ số P/E 2009 có thể thấp hơn nữa vào cuối năm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 của Mỹ hiện đang giao dịch ở mức P/E 2009 bằng 20 lần (dựa trên giá ngày 10/9 và dự báo EPS 2009 của Goldman Sachs - 52 USD/CP, đưa ra hồi tháng 7). TTCK Trung Quốc, vốn được xem là thị trường tương đồng với Việt Nam, có mức P/E 2009 khoảng 25 lần. Điều này cho thấy, TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn dựa trên triển vọng tăng trưởng của năm 2009.