VN-Index vào Top 3 thế giới: Bình thường hay bất thường?

(ĐTCK) Mặc dù chỉ số VN-Index lọt vào Top 3 chỉ số tăng mạnh nhất thế giới kể từ đầu năm, nhưng đà tăng của thị trường chủ yếu được góp sức bởi một số cổ phiếu lớn. 
VN-Index vào Top 3 thế giới: Bình thường hay bất thường? ảnh 1

P/E của không ít cổ phiếu hiện ở mức cao, P/E bình quân toàn thị trường đang cao hơn nhiều thị trường khác trong khu vực. Rủi ro thị trường đang ở mức nào? Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận ý kiến của một số nhà phân tích. 

Lý do giá tăng là bình thường, nhưng P/E quá cao là bất thường

 Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS)

Trong tháng 11, thị giá nhiều cổ phiếu lớn tăng mạnh so với toàn bộ tiến trình 10 tháng trước đó, ví dụ VIC, VNM, FPT, CTG, GAS..., hệ quả là chỉ số VN-Index tăng mạnh. Lý do chung cho đợt tăng điểm của chỉ số và giá cổ phiếu là do: kinh tế có nhiều tiềm năng tăng trưởng khi Chính phủ cam kết kiến tạo; khối ngoại quan tâm và đổ tiền mua ròng mạnh; thông tin thoái vốn nhà nước (cụ thể là danh mục thoái vốn của SCIC) có tác động đẩy giá một số cổ phiếu lớn như VNM. Những lý do này là bình thường.

Tuy nhiên, số liệu từ Bloomberg cho thấy, nhiều mã đang có P/E trên 30 lần, có mã có P/E hơn 100 lần. Chỉ số P/E bình quân của thị trường Việt Nam đang gần 18 lần, cao hơn nhiều thị trường cận biên khác, thậm chí ngang ngửa với không ít thị trường mới nổi. Điều này khá bất thường. Đó là chưa kể khả năng Bloomberg dùng phương pháp loại trừ bớt cổ phiếu, bởi tính bình quân số học hay gia quyền thì P/E của thị trường Việt Nam đều trên 20 lần.

Bỏ qua chuyện Bloomberg tính toán ra sao, quan điểm của tôi là chỉ có một số ít công ty niêm yết hàng đầu của Việt Nam mới được so sánh với các công ty cùng ngành trong khu vực châu Á hay thế giới, chẳng hạn VNM, SAB, PLX, FPT...

Bản thân việc so sánh đó cũng chỉ dựa trên góc độ là nhà đầu tư tài chính nước ngoài, hay số ít doanh nghiệp lớn của nước ngoài muốn dùng công cụ M&A (mua bán - sáp nhập) để bước chân vào thị trường Việt Nam, bởi chỉ có họ mới so sánh những công ty ở nước họ với công ty tiềm năng ở Việt Nam. Những công ty quy mô nhỏ hơn, hay giới hạn phục vụ cho tập đoàn mẹ ở nước ta chỉ có thể so sánh trong phạm vi nội địa, so sánh khu vực sẽ trở nên khập khiễng.

Quay lại những công ty hàng đầu có khả năng đem ra so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành trong cùng khu vực châu Á hay thế giới, P/E cao sẽ khiến chính những cổ phiếu đó giảm sức hấp dẫn, hệ quả gián tiếp là TTCK cũng giảm sức hấp dẫn.

Ngay như VNM, trừ một số ít tập đoàn nước ngoài có những mục tiêu đặc biệt, hiện tìm kiếm một nhà đầu tư tài chính nước ngoài mua cổ phiếu VNM cũng không phải dễ. Thậm chí, trường hợp SAB, có phương tiện thông tin đại chúng đăng tải ý kiến của một số lãnh đạo hãng bia lớn trên thế giới rằng, giá đang quá cao, huống chi là nhà đầu tư tài chính.

Ngoài ra, một điểm bất thường khác ở đây là với tốc độ tăng giá cổ phiếu trong tháng 11 này, nhiều mã đã chạm mức giá mục tiêu cho năm 2018 do một số công ty chứng khoán lớn dự phóng (tham khảo các báo cáo phân tích và định giá công bố trong vòng 2 tháng gần đây), trong khi chuyển biến trong hoạt động sản xuất - kinh doanh không thể thấy ngay chỉ trong 1 - 2 tháng.

Dòng tiền chấp nhận trả giá cao cho hàng hóa tốt

 Ông Đỗ Bảo Ngọc, Chuyên gia Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Những cổ phiếu tăng giá mạnh khiến P/E cao trong thời gian qua đều là những doanh nghiệp có câu chuyện riêng, ví dụ VIC, VRE, SAB, BHN, VNM... Đây là những doanh nghiệp lớn, có lợi thế trong ngành, có tiềm năng phát triển, hoặc thuộc diện thoái vốn nhà nước.

Do vậy, dòng tiền tham gia mạnh là điều có thể giải thích được và P/E cao ở các mã này không phải là rủi ro cao, nó phản ánh dòng tiền thực tế chấp nhận trả giá cao cho hàng hóa tốt. Đương nhiên, với lợi thế của mình thì các doanh  nghiệp này có thể tăng trưởng mạnh trong những năm sau và mức P/E khi đó sẽ giảm xuống do chỉ tiêu lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) tăng lên. 

Mức biến động P/E là tùy thuộc từng giai đoạn, thị trường có xu thế tăng thì P/E tăng là bình thường, khi tăng thái quá sẽ ẩn chứa rủi ro điều chỉnh. Thị trường nào cũng vậy, ví dụ cổ phiếu Amazon hay Alibaba, Tesla đều giao dịch với P/E cao chót vót, vì đó là những doanh nghiệp hàng đầu. Vì quy mô thị trường lớn nên khó có tình trạng một số cổ phiếu lớn có thể “kéo” thị trường. Nhưng với TTCK Việt Nam, những trường hợp như SAB, BHN, VNM... tăng giá mạnh đã tác động tích cực, giúp thị trường duy trì xu thế tăng và kéo dòng tiền trở lại.

Ngoài ra, thị trường Việt Nam có diễn biến khả quan còn nhờ lực mua lớn của khối ngoại, họ chấp nhận trả giá cao cho cổ phiếu tốt nên nhà đầu tư nội cũng phải thay đổi quan điểm. Khi các mã này giảm giá, đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới chỉ số chung, tới thị trường, nhất là trong trường hợp nhiều mã giảm cùng lúc. Trường hợp các mã tăng giảm đan xen thì mức độ tác động tới thị trường sẽ không lớn.

Chỉ số P/E chỉ là công cụ để so sánh chung chung. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá từng mã cụ thể để quyết định có tham gia hay không, chứ không nhìn vào P/E chung.

Nguy cơ giảm sâu của thị trường không cao

 Ông Ngô Phụng Hiệp, Giám đốc Khối nguồn vốn và Đầu tư, Công ty Chứng khoán ACB

VN-Index tăng kéo theo mức P/E của thị trường tăng theo, chỉ số P/E trượt (trailing P/E) của toàn thị trường hiện khoảng 18,5 lần. Nếu so với mức bình quân 5 năm của thị trường Indonesia, Malaysia, Philipines, Thái Lan và Singapore đang ở mức 18 lần, thì mức định giá của thị trường Việt Nam là hợp lý, khi tiềm năng và tốc độ tăng trưởng Việt Nam được đánh giá cao hơn so với nhiều nước. Nếu cân đo giữa tiềm năng và rủi ro định giá so với khu vực thì định giá thị trường hiện nay ở mức có thể chấp nhận. Nhìn vào thị trường Indonesia, thuộc nhóm thị trường mới nổi, Indonesia khá tương đồng với Việt Nam về mặt lợi nhuận và rủi ro, nhưng chứng khoán nước này đang giao dịch ở mức P/E trung bình 22 lần.

Đà tăng của chứng khoán Việt vừa qua có sự đóng góp rất lớn từ các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, VIC, SAB... Tuy nhiên, nhìn vào định giá của các cổ phiếu này cho thấy, ngoại trừ SAB với thanh khoản hạn chế cùng mức tăng có vẻ hơi quá đà thì VNM và VIC vẫn chưa gọi là đắt ở mức giá hiện tại.

Đối với VNM, nếu so với mức P/E của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong khu vực khoảng 36 lần thì VNM vẫn còn tiềm năng tăng trưởng, thậm chí tại mức giá mà tổ chức ngoại mua vào hồi SCIC bán vốn cũng tương đương P/E chưa đến 30 lần.

Với VIC, ngoài câu chuyện định giá không đơn giản như VNM, bởi có lĩnh vực bất động sản, nhưng đà tăng vừa qua cũng bình thường, vì so với đà tăng mạnh của thị trường thì mức tăng của VIC không quá nóng.

Tôi cho rằng, rủi ro giảm sâu của thị trường chỉ xảy ra khi nhiều cổ phiếu lớn cùng giảm giá, mà khả năng này xảy ra không cao. Yếu tố quan trọng là dòng tiền đang vẫn ủng hộ thị trường, đặc biệt là dòng tiền từ khối ngoại. Với diễn biến kinh tế vĩ mô tích cực, thị trường Việt Nam vẫn đang hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Theo đó, dòng tiền của các quỹ thường đổ vào các cổ phiếu vốn hóa lớn còn “room”, đặc biệt những cổ phiếu như VNM hay VIC. Giả sử thị trường điều chỉnh thì cũng có lực đỡ từ dòng tiền khối ngoại. Trong ngắn hạn, thị trường chưa có rủi ro điều chỉnh sâu.

Tin bài liên quan